Tiếng lòng khu lăng mộ đá giữa Thủ đô

02-07-2016 10:03 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngay giữa trung tâm Hà Nội nghìn năm văn hiến, có một khu di tích đá độc đáo – lăng Hoàng Cao Khải nằm trên phố Thái Hà, quận Đống Đa.

Ngay giữa trung tâm Hà Nội nghìn năm văn hiến, có một khu di tích đá độc đáo – lăng Hoàng Cao Khải nằm trên phố Thái Hà, quận Đống Đa. Công trình này được các nhà sử học đánh giá là “Thành nhà Hồ thứ 2”, còn người Pháp cho rằng đây là một trong những công trình đỉnh cao của kiến trúc phương Đông. Nhưng thời gian trôi qua, công trình này đã bị xâm hại nặng nề và dần trở thành phế tích...

Di tích cấp quốc gia bị “xé vụn”

Hoàng Cao Khải (1850 - 1933) là một đại thần dưới triều vua Thành Thái (nhà Nguyễn), là một nhà văn, nhà sử học, một nhân vật lịch sử thân Pháp, được phong là “phó vương Bắc Kỳ”. Cụm công trình lăng Hoàng Cao Khải được chia làm 14 công trình lớn nhỏ khác nhau như lăng mộ, đình chùa... nằm rải rác phía Tây gò Đống Đa, được xây dựng năm 1893.

Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải còn sót lại giữa lòng Hà Nội.

Khu lăng tẩm này được xem là công trình đá lớn nhất Hà Nội và lớn thứ hai ở Việt Nam (sau Thành nhà Hồ). Lăng được xây theo kiểu chữ “Đinh”, dài 8 mét, cao 6 mét, trần cách sàn hơn 4 mét. Ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng. Mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái, của vợ ông ở bên phải, đều bằng đá cẩm thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh vi, có khắc những dòng chữ Hán sắc nét. Toàn bộ công trình từ mái nhà, trần, các kèo, cột cho đến nền nhà, các ngôi mộ, bệ thờ, diềm, tường và tượng các vị tướng đứng chầu ngoài sân… đều làm bằng đá, chạm trổ rất công phu với hoa văn cách điệu tinh xảo, phản ánh trình độ nghệ thuật điêu khắc đá khá cao của Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX.

Ngày 25/11/1945, trong Sắc lệnh Bảo vệ di tích cổ vật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương bảo vệ nguyên vẹn hiện trạng khu ấp này. Năm 1962, khu trang ấp được xếp hạng Di tích Quốc gia. Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nhận xét: “Đây là chứng tích duy nhất và là một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương”.

Tới năm 1963, khi giặc Mỹ bắt đầu đánh bom miền Bắc, khu lăng mộ yên tĩnh và tuyệt đẹp này bắt đầu bị xáo trộn bởi những người không biết ở đâu đến dựng nhà và ở luôn. Về sau, làn sóng người đến chiếm đất làm nhà ngày càng tăng. Tất cả các công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ trở nên tan hoang, đất bị chiếm, hồ bị lấp, cây bị chặt, đồi bị san. Trước đây, khu quần thể ấp Hoàng Cao Khả nằm rải rác trên tổng diện tích 17ha phía Tây gò Đống Đa, cách đường Tây Sơn 200m. Nay chứng tích chỉ còn rõ ràng nhất là khu Lăng mộ Hoàng Cao Khải nằm ở ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt.

Đi tìm “dấu xưa hồn cũ”

Ấp Hoàng Cao Khải hay còn gọi là ấp Thái Hà nay thuộc phường Trung Liệt. Đi từ ngõ số 3 (gần Paskon Tower) phố Thái Hà chỉ khoảng 100m là tới cụm di tích lăng Hoàng Cao Khải. Một công trình bằng đá độc đáo, nay trở thành một phế tích tan hoang, bị chia cắt nằm rải rác ở  những vị trí khác nhau. Có những công trình bị bàn tay của “hậu nhân” làm cho “biến tướng” tới mức khó có thể tìm được những dấu tích xưa cũ. Hồ Tẩm Nguyệt (Bán Nguyệt) trước đền thờ Hoàng Cao Khải trước đây rất sâu, nước trong vắt, người dân ở quanh vùng đến gánh nước về ăn, nhưng nay trở nên cạn kiệt nước, trở thành hố nước đọng và là nơi xả rác của người dân và các hộ kinh doanh xung quanh chợ.

Không gian xung quanh đền thờ và hồ Bán Nguyệt bị biến thành chợ tạm. Mùa hè oi bức bốc lên một mùi hôi tanh nồng nặc. Sân đền bây giờ bị chiếm dụng để trông giữ xe máy, nơi làm trụ sở của một số cơ quan của phường Trung Liệt. Cách lăng Hoàng Cao Khải chỉ hơn 5m là trụ sở cụm dân cứ số 9. Ẩn đằng sau cái vẻ “kiến trúc tân thời” là một mái ngói bằng đá độc đáo. Dấu ấn của một công trình kiến trúc đã bị “sửa chửa” còn sót lại chút ít “dấu xưa” trên mái ngói thâm nghiêm rêu phủ. Cách đấy không xa, một phần di tích còn khá nguyên vẹn nhưng không có người trông nom. Các hoa văn chạm khắc trên đá còn khá rõ ràng, ít bị tàn phá. Nó là công trình duy nhất của cụm công trình lăng Hoàng Cao Khải chưa bị “biến dạng” nhưng đang trong tình trạng bị bỏ hoang “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Lăng mộ Hoàng Trọng Phu (con trai) Hoàng Cao Khải, lăng độc đáo nhất còn lại tới bây giờ trong cụm di tích cũng là nơi bị xâm hại nghiêm trọng nhất. Một công trình kiến trúc bằng đá đồ sộ và độc đáo nay bị người dân trưng dụng làm nhà ở, làm nơi buôn bán và nơi đặt bản tin. Chẳng còn thấy đâu dáng dấp của một công trình đá đẹp nhất đất kinh kỳ mà nó chỉ còn lại dấu tích là những khối đá lớn được chạm khắc những hoa văn tinh xảo.

Được biết, từ năm 2008, quận Đống Đa đã lập Hồ sơ đề nghị điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, trong đó lựa chọn 7 công trình cần phải được lưu giữ như: lăng Hoàng Cao Khải, lăng Hoàng Trọng Phu, đền thờ, dinh thự… Đây là những công trình còn giữ được khá nguyên vẹn và có tính khả thi trong việc bảo tồn. Nhưng thời gian trôi qua, việc bảo vệ khu di tích này vẫn chưa có nhiều sự biến chuyển, di tích lịch sử quan trọng này vẫn bị xâm hại nghiêm trọng từng ngày. Và cũng thời gian dài các di tích gần như bị lãng quên, bị người dân chiếm dụng khiến quần thể di tích Hoàng Cao Khải đã hư hại nhiều và gần như trở thành một phế tích.


Lê Đại
Ý kiến của bạn