Tiếng khóc nhói lòng của ông bố có con bị xâm hại tình dục lúc 3 tuổi

16-03-2017 12:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Thật khó để nhắc lại quá khứ đau đớn của đứa con gái bé bỏng nhưng anh H. đã can đảm chia sẻ câu chuyện con mình bị xâm hại tình dục với mong muốn góp tiếng nói trong cuộc chiến đẩy lùi xâm hại tình dục trẻ em.

Anh H. chia sẻ: Cháu nhà tôi mới 3 tuổi, sang nhà hàng xóm chơi và bị dụ dỗ, xâm hại. Hôm đó, con tôi về khóc và kể cho bà nghe. Bà cháu và tôi sang nhà thủ phạm nói chuyện thì thủ phạm chối quanh co rồi cuối cùng đã thú nhận. Tôi lên công an khai báo. Công an cho cháu xuống Hà Nội khám và bác sỹ kết luận có dấu vết xâm hại tình dục. Hiện công an đang giữ bằng chứng.

Vụ việc đã gần 2 năm rồi mà vẫn chưa được giải quyết. Vụ việc của con tôi chỉ là một chuyện nhỏ nhưng hành vi như vậy mà không bị xử lý khiến tôi rất đau lòng (anh H. khóc nức nở)….

xâm hại tình dụcẢnh minh họa.

Một câu chuyện buồn khác, người mẹ ở huyện Thạch Thất, Hà Nội có con bị xâm hại cũng chia sẻ, chị đã đau đớn nghe con kể lại rõ ràng từng chi tiết bị xâm hại bởi gã hàng xóm như thế nào. Chị đưa con ra công an và cháu đã tường thuật chi tiết vụ việc với công an huyện. Chị cho biết mặc dù đã viết đơn tố cáo, tới gặp công an nhiều lần nhưng đến nay đã hơn 2 năm vẫn không có kết quả. Nghi can vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

“Chúng tôi là những người dân, không nắm được luật, mong nhận được sự giúp đỡ để bắt kẻ xấu phải đền tội.” – người mẹ chia sẻ.

15 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng trẻ bị xâm hại vẫn tăng lên...

Trước thực trạng rất nhiều vụ xâm hại tình dục xảy ra và nhiều vụ vẫn đang bế tắc chưa được giải quyết, bà Nguyễn Vân Anh – Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) buồn bã chia sẻ: “Một đứa trẻ có 15 cơ quan bảo về quyền trẻ em mà con số trẻ em bị xâm hại vẫn tăng lên. Cá nhân tôi thấy điều đó thật mỉa mai. Chúng ta đau nhưng nỗi đau đã biến thành hành động hay chưa? Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều phụ huynh của trẻ bị xâm hại, họ bỏ công bỏ việc để đi tìm công lý cho con nhưng không hiệu quả. Cũng có trường hợp các bên tự thương lượng dân sự, nhưng xâm hại trẻ em là vi phạm hình sự và nên được giải quyết bằng luật hình sự”.

hiếp dâmẢnh minh họa.

Luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự cho biết, theo quy định của pháp luật, các vụ việc xâm hại tình dục không được hoà giải, cũng như không chờ đợi vào sự tố cáo của nạn nhân hay gia đình nạn nhân. Chỉ cần có người phát hiện ra là có thể điều tra được.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy phản ứng và hành động của các bên liên quan như cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan hành pháp, tổ chức xã hội, truyền thông và gia đình chưa được kịp thời và hiệu quả, dẫn tới thiếu các hoạt động can thiệp phù hợp. Sự chậm trễ này gây nên những hậu quả to lớn về tâm lý, sức khỏe, quan hệ gia đình và xã hội của các nạn nhân cũng như ảnh hưởng lâu dài cho xã hội.

Trước thực tế nạn nhân bị xâm hại, lạm dụng tình dục thường im lặng, ThS. Hà Minh Loan, chuyên gia tâm lý về gia đình cho rằng, những vụ việc trẻ bị xâm hại vừa qua chính là những hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta lên tiếng đòi công bằng, nhưng thế nào là công bằng cho người bị hại? Cho rằng lên tiếng là cần thiết để ngăn chặn tội ác, ThS. Loan đồng thời mong muốn có chương trình hỗ trợ cho người bị hại để đảm bảo rằng sau khi họ lên tiếng, cuộc sống của họ vẫn tốt đẹp và có tương lai thì sự lên tiếng ấy sẽ mạnh mẽ hơn.


Dương Hải
Ý kiến của bạn