Tình cờ tôi lạc vào con đường làng Phạm Pháo, thuộc xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Ðịnh và chợt nghe tiếng kèn vọng từ sân một nhà thờ. Họ đang tập cả một dàn kèn tới trăm người để chuẩn bị cho lễ hội sắp tới. Giai điệu rộn ràng của bản nhạc mùa xuân tạo nên vòng xoáy cồn cào như sóng biển âm thanh. Tôi bỗng dừng chân trước một cửa hàng làm kèn, với những giỏ hoa ngát hương bên đường...
Người thợ kèn kể chuyện
Nhìn ông Ngô Duy Đông, chủ cửa hàng bán kèn Tây như một nghệ sĩ, với mái tóc bồng bềnh điểm bạc. Ở tuổi 60, chả ai giàu con như ông, sinh tới 10 đứa. Ông xởi lởi kể đáng nhẽ 12 con cơ đấy, nhưng hai đứa bỏ mình đi, giờ chỉ còn 5 trai 5 gái. Hỏi, vì sao ông lại “lãng mạn” thế, không sợ đói à? Ông hóm hỉnh nói, không có nhiều con lấy đâu thợ làm kèn cho làng, rồi ông cười khì khì. Ông tự trào lộng vậy, nhưng quả là các con ông đều trở thành thợ phụ cho ông, mỗi khi có khách đến đặt làm kèn. Trăm thứ việc ấy chứ. Mỗi người một chân một tay cả tuần mới xong một cái kèn. Riêng kèn Sax Sô thì phải làm tháng trời mới trả hàng cho khách được.
Anh Hòa thử kèn.
Nghe ông nói thì chả đâu như cái làng xứ đạo này, ngày thì lam lũ bươn chải làm ăn, nhưng cứ tối đến là ỏm tỏi cả lên. Những kèn là kèn. Nhất là bọn trẻ tập trung với nhau chơi bài mới học được. Chúng đều được tập thổi kèn từ bé và còn được bố mẹ bỏ cả đống tiền ra mua kèn. Ấy là chưa kể còn có người bán cả nhà đi sắm kèn và đàn cho con học. Đứa giỏi thì thi vào trường nhạc, số còn lại lập đội biểu diễn khắp nơi kiếm tiền. Ở nhà vừa làm ruộng, vừa tập kèn. Thôi thì nhà nào có việc gọi đến là lũ lượt kèn trống kéo đến phục vụ. Đám cưới, đám ma chơi tất. Ông kể, riêng xã Hải Minh có tới 12 đội kèn. Mỗi đội ít nhất cũng phải 50 tay kèn. Khi vào mùa lễ hội nếu cần huy động, tập trung cả thảy tới 800 tay kèn. Ông còn nhấn mạnh, toàn tay kèn thổi “ngon nghẻ”, tinh tươm cả. Đây là đội kèn đông nhất nước ấy chứ. Nhìn đi - ông nói rồi đưa cho tôi xem một tấm ảnh, dày đặc những hình miệng kèn sáng choang dưới ánh mặt trời. Ông khoe, thời còn nhỏ, bố ông kể lần đầu dàn kèn 800 người cùng thổi, ngay từ nốt nhạc đầu tiên, âm thanh vang lên như tiếng sấm làm cả đàn cá dưới ao hợp tác xã nhảy hết lên bờ vì quá sợ hãi. Tôi phì cười và ngạc nhiên làm ông cười khoái chí.
Tôi thắc mắc với ông Đông, vậy sao làng lại lắm kèn thế, thì ông nói rõ to, thế ăn thua gì. Rồi ông tính khắp cái vùng Hải Hậu này có tới cả trăm đội kèn ấy chứ. Nhưng đội kèn ở cái làng Phạm Pháo này ra đời sớm nhất tỉnh Nam Định, từ cái đận 1908 cơ, thời bố ông khi còn bé đã theo đội kèn Tây vào nhà thờ xứ đạo. Sau khi rít thuốc lào một hơi, ông mới chỉ đống kèn đang làm dở nói, vì thế cả cái làng này mới cần đến chúng tôi, sửa kèn, chỉnh nốt và gia công chi tiết. Kèn méo, kèn gãy, kể cả làm kèn mới tinh đẹp chả kém gì kèn ngoại, tiếng lại chuẩn nữa. Dân kèn khắp các vùng lân cận đều tìm đến đặt hàng. Ông còn kể làng này còn có những thợ kèn giỏi vào loại nhất làng như ông Oánh, ông Gioa-kim Cường... Có thể nói xứ sở này là làng nghề làm kèn Tây đầu tiên ở nước ta.
Dàn nhạc bên nhà thờ chuyển sang tập bài Cùng nhau đi hồng binh để chuẩn bị tiễn đợt trai làng đi nghĩa vụ năm mới. Như một sự hứng khởi, ông Đông bất ngờ cầm chiếc kèn Trompet lên thổi theo. Niềm say mê bay bổng dưới mái tóc nghệ sĩ. Cảm xúc tuổi trẻ trong tôi trở về sau tiếng kèn rộn ràng theo nhịp hành quân của ông. Tôi hỏi mỗi tay kèn phải học tập bao lâu mới chơi được thành thạo các bản nhạc như vậy. Ông lim dim đôi mắt thoáng chốc rồi nói, nếu thổi “ngon nghẻ” cũng phải mất ba năm mới thành tài được. Cái chữ “ngon nghẻ” ông hay dùng có thể là chữ của làng Phạm Pháo. Rồi ông bộc bạch, toàn nông dân thổi kèn mà, có cô còn học cả tuần mới thổi ngọt được một câu nhạc, hết “ngọng” ở những nốt thăng, nốt giáng. Thậm chí có cô ôm chiếc kèn He-lơ-công lớn (kèn trầm) định tập thổi, phồng mồm trợn mắt, lấy hơi căng bụng đến đứt cả dải rút cũng không xì ra thành tiếng. Đâu có dễ. Nhạc cảm mà, ông còn nói về những bạn nhà nông của mình như có cánh bay mỗi khi cầm lên tay chiếc kèn đồng. Ngón tay còn lấm bùn nhưng âm thanh vang lên không chê vào đâu được. Thế rồi ông mách tôi hãy sang làng kèn bên huyện Xuân Trường, có người thợ còn làm được cái kèn to nhất thế giới. Tôi trố mắt không tin, ông lại dùng chữ “ngon nghẻ” để khẳng định, hãy cứ đi khắc biết. Đúng là tôi tò mò hơn bao giờ hết và vội vã lên đường.
Chiếc kèn đồng lớn nhất thế giới
Có lẽ đúng. Nhất nước thì rõ rồi, vì chiếc kèn này đã được xác lập kỷ lục, năm 2005, nhưng cũng nghe nói không đâu trên thế giới có chiếc kèn dài tới 5,5m như ở cái xứ đạo xã Xuân Tiến này. Đó là chiếc kèn Trompet của hai cha con ông Đinh Văn Mạnh làm. Tìm gặp ông ở xóm 3, xã Xuân Tiến, hàng xóm kể, gia đình ông đã từng làm tới 700 chiếc kèn các loại bán cho các vùng khắp tỉnh Nam Định. Riêng chiếc kèn lớn nhất, ông nói với tôi điều khó không phải là khâu gò dát, uốn thân kèn, hay miệng loa... mà chính ở chế tác những quả pháo (trục phím bấm nốt) và ống hơi, sao cho chuẩn âm sắc khi thổi. Chợt ông đưa cho tôi xem một chiếc kèn Trompet bình thường trong dàn nhạc, rồi nói chiếc kèn lớn kỷ lục mà ông làm, coi như được phóng to lên gấp một trăm lần chiếc kèn này. Với độ dài 5,5m, miệng loa kèn có đường kính 1,25m, nặng 300kg nhưng phải thổi đúng nốt như thường. Đó mới là khó. Ông cùng 4 người thợ phải thi công trong suốt 4 tháng, ròng rã ngày đêm mới hoàn thành, theo đơn đặt hàng của Giám mục Hoàng Văn Tiệm. Hiện chiếc kèn lớn nhất thế giới này được trưng bày tại Tòa Giám mục Bùi Chu, huyện Xuân Trường, Nam Định.
Đội kèn nữ ở Hải Bắc.
Chiếc kèn có thể nói là một kỳ công của người thợ làng Xuân Tiến, mà ông Mạnh là tiêu biểu. Dân làng đặt cho ông biệt danh “Mạnh - Trompet”, bởi không những ông làm kèn giỏi mà thổi kèn cũng hay. Đặc biệt câu chuyện làm kèn của ông hồi năm 1965. Khi ấy kèn đều mua ở bên Tây mang về. Ở tuổi hai mươi, ông mày mò tìm mua đồng về gò làm kèn và muốn làng mình phải có chiếc kèn mang thương hiệu Việt. Đâu có dễ khi phải mày mò từng chi tiết và gò hàn từng bộ phận. Ròng rã gần ba năm, thất bại nhiều lần, đúng lúc chàng thanh niên Mạnh của Xuân Tiến trình bày tiếng kèn của mình, thì ngay lập tức chiếc kèn bị chính quyền thu hồi vì tội mua đồng chui. Bởi khi ấy đồng còn là mặt hàng Nhà nước ra lệnh cấm buôn bán. Người ta nói chiếc kèn đã thay ông đi “tù” là vì thế. Nhưng niềm đam mê làm kèn không bao giờ phai tàn trong tâm hồn ông. Hơn nửa thế kỷ theo đuổi và ông trở thành một người thợ nổi tiếng cả tỉnh Nam Định. Chiếc kèn kỷ lục đã minh chứng cho tài năng và tay nghề dị biệt của ông trong mỗi cây kèn.
Cả một đời làm kèn, nay đã hơn 70 tuổi, ông Mạnh muốn truyền sang cho lớp con cháu, nhưng không dễ dàng gì với những đồng tiền công ít ỏi. Để làm được chiếc kèn chuẩn, người thợ phải có năng khiếu về âm nhạc và có tài chế tác kim khí. Không dễ mấy ai theo đuổi nghề này vì mưu sinh mà chủ yếu là yêu nghề và say với con đường âm nhạc của làng xóm. Đó là những đội kèn sinh ra từ làng. Ông Mạnh cho biết, đội kèn ở xã ông cũng vào loại lớn, hơn trăm tay kèn và còn có thêm cả đội kèn nữ cũng sôi nổi biểu diễn nhiều nơi. Đặc biệt, con rể ông là Ngô Thanh Hòa, một tay kèn He-lơ-công giỏi trong dàn nhạc, mà cũng là một thợ làm kèn có tiếng trên phố nghề.
Chiếc kèn kỷ lục do ông Mạnh làm.
Vĩ thanh từ phía biển
Khi ông Mạnh dẫn tôi lên xưởng xem những chiếc kèn He-lơ-công lớn đang được sản xuất, đúng lúc anh Hòa đang thử kèn bằng bản nhạc Lá xanh. Tiếng kèn trầm ấm nhưng không kém phơi phới, đúng với tâm lý của những chàng trai trẻ lên đường tòng quân. Chiếc kèn cao 1,80m, với cấu trúc cuộn tròn ngỡ như trĩu nặng trên vai anh Hòa. Nhưng gương mặt tươi sáng kia đang thôi thúc những âm thanh vui reo bát ngát trên con phố. Anh Hòa chỉ gật đầu chào tôi rồi kiểm tra nốt những chùm âm thanh trên phím hơi.
Ông Mạnh chỉ mặt bằng của công xưởng nói, đây chính là nơi thi công chiếc kèn kỷ lục của ông. Những ký ức của nửa thế kỷ trở về xôn xao trong ông, một thuở truân chuyên, bươn chải với tiếng kèn. Bất ngờ có tiếng kèn Trompet đâu đó ở cuối đường vang lên lảnh lót. Điệu nhạc Lá xanh của tuổi trẻ bay lên, như cơn gió ào ạt, qua tiếng kèn song đôi. Một bè trầm lắng đọng và một bè cao vút hòa âm cùng sóng biển đang cuồn cuộn ngoài kia. Tôi cũng vậy, trong mơ bỗng thầm hát theo: “Đi đầu quân. Đi đầu quân. Tất cả cho tiền tuyến. Mau lên đi! Hỡi các anh trai làng”...