Tiếng động cho phim: Việc thầm lặng cần tôn vinh

20-12-2019 07:42 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thành công của một bộ phim đến từ nhiều yếu tố nhưng ít ai biết, phần tiếng động có vai trò rất quan trọng để tác phẩm điện ảnh hấp dẫn và tạo được cảm xúc với khán giả.

Những người làm tiếng động cho phim thường không được công chúng biết tới song họ vẫn âm thầm sáng tạo để bộ phim trở nên có hồn. Điều đáng tiếc là những người làm tiếng động cho phim chưa được tôn vinh xứng đáng.

Giới chuyên môn đánh giá, âm thanh trong một bộ phim bao gồm 3 thành phần: tiếng động, lời thoại và âm nhạc. Để làm được một bộ phim có âm thanh hay thì tiếng động phải sống động và chân thực, lời thoại phải có “duyên”, không thừa, không thiếu, phần âm nhạc phải tinh tế phù hợp với từng cảnh, từng đoạn phim, chất lượng thu âm phải tốt, sự hòa âm phải rất khéo. Để thực hiện được hết những cái “phải” như trên là điều không đơn giản. Thông thường, các bộ phim ở Việt Nam sản xuất thường yếu về phần lồng tiếng, tiếng động nên khán giả không khó bắt lỗi. Tất nhiên không phải tất cả đều như vậy, một số phim Việt thời gian qua đã hợp tác với các đơn vị chuyên nghiệp của nước ngoài để thu âm, xử lý âm thanh, tiếng động hay mang ra nước ngoài làm hậu kỳ, đã có chất lượng tốt hơn.

Ở Việt Nam, nhiều nghệ sĩ đã gắn bó với công việc làm tiếng động cho phim nhưng tên tuổi của họ ít được nhắc nhớ. Đạo diễn Trần Ngọc Phong vừa làm tiếng động vừa làm công việc lồng tiếng cho các nhân vật trong phim, chia sẻ, nghề làm tiếng động cho phim vất vả hơn so với lồng tiếng của nhân vật. Người làm tiếng phải có đôi tai thật thính, đôi mắt tinh, đôi tay thật nhanh nhẹn và nhạy cảm cùng khả năng so sánh về sự giống nhau của âm thanh của các đồ vật khi va chạm hoặc phát ra trên phim. Đôi tai phải phân tích được âm thanh và bàn tay phối hợp ăn ý với mắt nhìn trên phim để chuyển thành tiếng động cho ăn khớp với những cảnh diễn ra trên phim. Vì vậy mà phòng thu tiếng động thường là một “bãi chiến trường” gồm tất cả những đạo cụ xuất hiện trên phim, phim có cái gì thì trong phòng thu phải có cái đó trừ xe tăng, máy bay, tàu hỏa và xe hơi...

Tiếng động cho phim: Việc thầm lặng cần tôn vinhNghệ sĩ Mạnh Kiên trong phòng thu, với nhiều vật dụng tạo ra tiếng động để lồng vào một bộ phim.

Nổi tiếng nhất trong lĩnh lồng tiếng động cho phim ở Việt Nam là nghệ sĩ Minh Tâm, nhưng “ông vua tiếng động” của phim Việt vừa qua đời ở tuổi 90. Gần cả cuộc đời làm tiếng động cho phim, nghệ sĩ Minh Tâm đã tham gia phụ trách âm thanh cho khoảng 2.000 phim điện ảnh và truyền hình, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đến hẹn lại lên, Em bé Hà Nội, Ngày lễ thánh, Mối tình đầu, Chị Dậu, Thị xã trong tầm tay... Các bộ phim này đều là những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt và cũng giành các giải thưởng lớn ở nhiều liên hoan phim tại Việt Nam. Trong nhiều năm làm nghề, nghệ sĩ Minh Tâm đã tự mày mò, nghiên cứu âm thanh để đưa vào các bộ phim. Ông từng chia sẻ tạo ra tiếng ngọn lửa cháy từ việc vẫy vẫy khăn mùi soa, tiếng mỡ cháy xèo xèo trên chảo do vo nhẹ túi nilon, tiếng đoàn quân bước rầm rập bằng cách gõ giày đinh, tiếng gõ mấy cái chén vào khay uống nước để có tiếng mâm cơm bị lia đi...

Một nghệ sĩ khác cũng từng gắn bó với nghề làm tiếng động cho phim là “phù thủy âm thanh” - nghệ sĩ Mạnh Kiên. Gần 50 năm gắn bó với công việc làm tiếng động cùng hàng ngàn phim, trong đó có các tác phẩm Chuyện của Pao, Long Thành cầm giả ca, Mùa cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Càng to càng nhỏ..., nhiều khi nghệ sĩ Mạnh Kiên vì thu nhập thấp, vất vả nảy ý định dừng lại, nhưng tình yêu với nghề đã giúp ông vượt lên tất cả. Nghệ sĩ Mạnh Kiên chia sẻ, làm tiếng động trong phim, vất vả và khó nhất là phim chiến tranh. Chẳng hạn trong một lần làm phim về chiến dịch Điện Biên Phủ, đến cảnh quân ta đào hầm dưới đất còn giặc Pháp đứng ở trên lắng nghe, phải tạo ra âm thanh lúc nghe rõ lúc lại thoang thoảng, vừa thực lại vừa ảo. Để tạo ra tiếng động đó, nghệ sĩ Mạnh Kiên đã đào một cái hố rộng, bốc hết đất rồi mua 8 bao tải đất thịt, trộn với cát đổ vào, rồi nhảy xuống đào hùng hục. Với phim Mùi cỏ cháy, để tạo nên âm thanh quả bom B52 nổ dưới sông, nghệ sĩ Mạnh Kiên sử dụng bể nước to rồi úp ngược cái chậu và đập mạnh xuống nước. Hoặc để dựng tiếng bom nổ trên mặt đất thì căng mạnh tấm vải trước micro.

Có nhiều đóng góp với một tác phẩm điện ảnh nhưng những người làm tiếng động thường chẳng được ai biết tới. Khi còn sống, nghệ sĩ Minh Tâm từng giãi bày, suốt bao nhiêu năm làm nghề, dòng chữ “Tiếng động: Minh Tâm” vẫn chạy cuối hàng nghìn bộ phim và không mấy khi ông được đính kèm với danh xưng “nghệ sĩ”. Đôi lúc ông cũng thấy chạnh lòng vì nhiều người không thừa nhận mình là nghệ sĩ, cũng chưa có cái nhìn đúng về nghề làm tiếng động. Có cùng suy nghĩ, nghệ sĩ Mạnh Kiên chia sẻ, người làm tiếng động cho phim chưa được coi trọng dù đây là một phần không thể thiếu trong mỗi tác phẩm điện ảnh. Tại các giải thưởng, các lễ vinh danh, nghệ sĩ làm tiếng động chưa bao giờ được xướng tên. Nghệ sĩ Minh Tâm, Mạnh Kiên và bao người khác cùng làm công việc này, đã dành trọn cuộc đời cho những sáng tạo nhưng họ chưa được xét tặng bất kỳ danh hiệu nào. Danh xưng “nghệ sĩ” của họ là do giới làm nghề yêu mến, ngưỡng mộ gọi mà thôi!


Hoàng Trang
Ý kiến của bạn