Trong Thúy Kiều có ba con người: con người tình cảm, con người nạn nhân và con người tìm đường. Nguyễn Du đã lột tả sâu sắc tâm trạng của ba con người ấy bằng những thủ pháp khác nhau: khi thì dùng trữ tình ngoại đề, khi thì dùng cảnh vật, khi lại dùng tiếng đàn của Kiều như một độc thoại từ sâu thẳm... Nhưng tiếng đàn của Thúy Kiều trong các tình huống khác nhau chỉ là tiếng kêu dằn vặt và ai oán của con người nận nhân thôi! Theo dõi tiếng đàn của Thúy Kiều trong suốt 15 năm lưu lạc, ta có thể thấy con người nạn nhân trong tâm trạng của Kiều đã phát triển từ dự cảm sang kinh nghiệm, từ tính chất siêu hình sang tính chất xã hội, từ tính chất xã hội chưa hoàn chỉnh đến tính chất xã hội hoàn chỉnh, rõ ràng.
Những cảnh đời và những tri âm
Tiếng đàn là một ngôn ngữ đặc biệt biểu hiện trực tiếp tâm trạng nạn nhân của Kiều.Cảm hứng bi kịch thích hợp với tiếng đàn nên Từ Hải không được nghe đàn lần nào mặc dù Từ là tri âm tri kỷ. Sống với Từ Hải phần nạn nhân trong tâm hồn Kiều coi như bị tiêu vong nên khúc “Bạc mệnh” kia không còn lý do tồn tại. Từ Hải chết, con người nạn nhân trong Kiều sống lại dữ dội nên tiếng đàn cũng ùa trở về với một sắc thái bi thảm chưa từng thấy.
Tiếng đàn là ngôn ngữ biểu hiện tâm trạng nạn nhân của Thúy Kiều.
Tiếng đàn là ngôn ngữ không biết nói dối. Tiếng đàn không hề có chức năng che dấu tâm trạng mà có chức năng giải tỏa tâm trạng, nó có một phép mầu nhiệm khiến cho ngay cả khi nó cất lên tiếng “ca vui đầm ấm dung hòa” mà một kẻ như Hồ Tôn Hiến cũng thấu hiểu được tâm trạng đó là “muôn oán nghìn sầu”, buồn thấm thía. Khi nó xuất hiện trước Kim Trọng, tính chất nạn nhân của nó bộc lộ theo một kiểu khác, không phải để nguyền rủa để tố cáo, để lên án, nên cái anh chàng Kim Trọng mới có lúc bị lừa:
Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?
Anh ta bị cụ Nguyễn Du “tiêm” thứ thuốc mê lý tưởng hóa vào để lừa đấy thôi, lúc ấy mà anh ta còn nghe thấy tiếng nói nạn nhân nữa thì đoạn đoàn viên như thế là hỏng bét! Và có lẽ sự lạc quan của Kim Trọng cũng là một cách “chiêu tuyết” cho Kiều chăng? Ngày xưa, anh ta là tri âm của Kiều, chính Kiều cũng công nhận (“Đã cam tệ với tri âm bấy chầy”), nhưng bây giờ đoàn viên thì anh ta không còn là tri âm nữa. Bởi vì đôi tai của con người kiểu Kim Trọng vốn là như thế, nó quá tinh đến nỗi nghe được những âm vang từ một cõi siêu hình mà tai trần không nghe thấy được, nhưng nó lại cố điếc đến nỗi không nghe thấy những âm vang từ cuộc đời “quằn quại vũng lầy” mà ai cũng thấy văng vẳng bên tai. Vì vậy, khi con người nạn nhân của Kiều đã nhiễm những kinh nghiệm thực tiễn thì nó mất đi một tri âm tự nguyện là Kim Trọng và thêm vào những kẻ tri âm bất đắc dĩ là Hoạn Thư và Hồ Tôn Hiến.
Tiếng đàn của nạn nhân
mang nỗi đau văn hóa
Trước khi gặp Thúc Sinh dưới trướng Hoạn Thư tiếng đàn Kiều mang sắc thái của một nạn nhân yên phận:
Lĩnh lời nàng mới lựa dây
Nỉ non thánh thót dễ say lòng người
Tâm trạng của Kiều có cái gì tự nguyện, bẽ bàng, cam chịu và không để lộ một chút gì chống đối. Nó phù hợp với cái nếp sống ngoan ngoãn phục tùng của Kiều lúc ấy:
Sớm khuya khăn mặt lược dầu
Phận con hầu giữ con hầu, dám sai
Cái nỉ non thánh thót ấy là cái nỉ non thánh thót của ý thức về thân phận con hầu, bất lực với thân phận, đau xót vì thân phận ấy.
Cái tiếng đàn nỉ non thánh thót khi giành cho Hoạn Thư và Thúc Sinh thì lại lóe lên ý thức về thân phận một người vợ bị sỉ nhục, bị đoạ đày:
Bốn đây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Và người nghe cũng lĩnh hội hết cái chua chát xót xa của ý thức về địa vị người vợ ấy, nên Thúc Sinh bề ngoài làm ra vẻ ta đây nghe tiếng nói của con hầu trong tiếng đàn, nhưng trong lòng thì bị tiếng nói của người vợ trách móc, vò xé. Vì thế, Thúc Sinh mà cũng:
Giọt châu lã chã khôn cầm
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt tương
Còn Hoạn Thư, lần trước Hoạn Thư nghe thấy tiếng đàn mang ý thức đau khổ của thân phận con hầu nên “Tiêu thư cũng thương tài” và “khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân”. Nhưng lần này thì Hoạn Thư nghe thấy một tiếng đàn khác - tiếng đàn mang ý thức làm vợ, nên thị không chịu được và hét lên:
Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi!
Tính chất độc ác trong sự hành hạ của Hoạn Thư chính là ở chỗ nó vùi dập ý thức người vợ trong Kiều, không cho ý thức đau khổ của người vợ được trỗi dậy và được bộc lộ qua tiếng đàn. Bí quyết của sự hành hạ kiểu Hoạn Thư là như vậy. Cho nên một khi tiếng đàn đã không thay đổi được tình thế, người vợ - nạn nhân vẫn cứ hiện ra, thì Thúc Sinh phải giải quyết bằng cách thay đổi thái độ của mình, làm như là tính chất của tiếng đàn đã thay đổi rồi vậy:
Sinh càng thảm thiết bồi hồi
Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua
Hoạn Thư chỉ cần có thế thôi. Thị đã không cho Thúc Sinh được làm bạn tri âm của Kiều để rồi chính thị được chứng kiến những âm thanh nạn nhân bơ vơ bay lên trước mặt. Thị gây ra một khoảng cách giữa tính chất nạn nhân cao độ của tiếng đàn và thái độ bàng quan cười cợt của người nghe.Thị đã bố trí cho Kiều ý thức sâu sắc về vai trò nạn nhân của mình, về địa vị thấp kém và sự thất bại ê chề trong kế hoạch Thúc Sinh, sâu sắc đến nỗi nó hằn lên trong tâm hồn Kiều một dấu vết phủ định không thể nào xóa được. Hoạn Thư là người xúc phạm sâu sắc đến tiếng đàn của Kiều, là kẻ đạo diễn sự đối diện trực tiếp giữa Tài và Mệnh trong số phận Kiều.Hoạn Thư đã dùng “diễn biến hòa bình” để hạ nhục hình ảnh văn hóa của Kiều, làm cho con người nạn nhân của Kiều phải chịu một nỗi đau văn hóa mà trước đó nó chưa từng trải nghiệm. Có lẽ vì thế mà Hoạn Thư trở thành chính danh thủ phạm chăng?
Tiếng đàn đau đớn vì tội lỗi và mất hết tri âm
Từ khi đánh đàn cho Hoạn Thư nghe đến khi đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe, con người nạn nhân trong tâm trạng của Kiều đã thay đổi về chất, đã có kinh nghiệm về tội lỗi, về cái chết, nên tiếng đàn - tiếng nói của nó - cũng biến đổi theo. Tiếng nói nạn nhân lúc này đã thêm một nội dung mới: ý thức về tội lỗi, ý thức về sự mất mát không thể nào bù đắp:
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tày
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu
Một tâm trạng buồn não ruột, một nỗi niềm đắng cay, tủi nhục, đau đớn ê chề. Không có ai là tri âm nữa. Từ Hải chết rồi. Tiếng đàn còn đau đớn tột bậc vì ý thức mất tri âm. Trong tiếng đàn mà có ý thức mất tri âm thì nó mang nỗi đau tột cùng của sự tự phủ định, của một sự sống thừa, vô ích, cô độc và vô duyên đến ghê người:
Tơ lòng đã đứt dây đàn tiểu lân
Hồ Tôn Hiến là một tri âm bất đắc dĩ cho nên hắn phải nghe được tiếng nói nạn nhân trong đó. Nhưng làm sao mà hy vọng được vào thứ Tử Kỳ “mặt sắt” ấy! Bởi lẽ Hồ Tôn Hiến chỉ hiểu được con người nạn nhân chung chung trong tiếng đàn thôi, nên hắn mới hỏi gốc tích tiếng nói nạn nhân thống khổ ấy rằng:
... Này, khúc ở đâu?
Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay?
Hắn không nghe thấy tiếng nguyền rủa của con người nạn nhân tội lỗi và tuyệt vọng trong tiếng đàn kia nên Kiều phải dùng lời phàm để gợi ý đến nơi đến chốn:
Thưa rằng: “Bạc mệnh khúc này
Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ
Cung cầm lựa những ngày xưa
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây!
Thế mà Hồ Tôn Hiến vẫn không hiểu được, vẫn không có phản ứng gì là tự ái hay xúc động, ân hận hay mủi lòng mà còn thản nhiên thưởng thức con người nạn nhân ấy như một thú vui:
Nghe càng đắm, ngắm càng say
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình.
Tiếng đàn của Kiều đã bị mất tri âm tuyệt đối. Cái đểu giả của Hồ Tôn Hiến là ở chỗ đã coi con người nạn nhân trong tiếng đàn là tất yếu, là lẽ tự nhiên và bình thản biến con người nạn nhân ấy thành một trò tiêu khiển, mà lại là trò tiêu khiển thừa. Tiếng đàn của Kiều ở trường hợp này bị hai lần thừa nên nó bị hai lần phủ định, hai lần lạc lõng. Con người nạn nhân thể hiện qua tiếng đàn lần này đã nhận thức lại kinh nghiệm cái chết của Từ Hải để hình thành lý do cái chết của mình.
Diễn biến tiếng đàn của Kiều qua bốn lần đánh đàn là quá trình tiếng nói nạn nhân bị mất tri âm: Tri âm lý tưởng ban đầu, tri âm bị ngăn chặn và bị đe dọa sau đó, tri âm bị mất hẳn lúc cuối cùng. Tình trạng đó cho thấy sự thay đổi về chất của tâm trạng nạn nhân: Từ dự cảm siêu hình đến kinh nghiệm xã hội, từ kinh nghiệm bậc thấp đến kinh nghiệm bậc cao, từ kinh nghiệm được chia sẻ ít nhiều đến kinh nghiệm phải hoàn toàn chịu đựng. Đó cũng là dòng chảy của sự đồng cảm sẻ chia sâu sắc và tinh tế mà Nguyễn Du đã giảnh cho Kiều, là cung bậc khác nhau của những tiếng kêu thương xé ruột của trước những cảnh đời éo le, ngang trái và đen bạc đang diễn ra trước mắt nhà thơ.