Anh Phạm Bằng sinh năm 1931, anh hơn tôi vừa đúng một con Giáp. Chúng tôi đều là dân “36 phố phường Hà Nội”. Tôi ở Hàng Ngang, anh ở “Phố nhỏ ẩm thực” Hàng Giầy, áp phía sau phố Hàng Ngang. Tôi và anh muốn sang chơi với nhau, thường đi cổng sau nhà tôi, qua “ngõ nhỏ” Nội Miếu, chỉ mất 3 phút là anh em có thể ngồi dưới bóng cây lê-ki-ma (trứng gà) khẳng khiu, lủng lẳng đầy quả, trong sân nhà anh, hàn huyên đủ chuyện quanh ly cà phê “đắng” không đường, uống đến đâu tỉnh ra đến đấy.
NSưT Phạm Bằng.
Anh Phạm Bằng sinh trưởng trong một gia đình giàu có, mẹ anh là một thương nhân buôn bán gạo rất lớn. Mỗi lần “cất” hàng từ vựa thóc Nam Bộ ra Bắc, bà thuê cả một chuyến tàu hỏa dài tới 2-3 chục toa. Thuở thiếu thời, Phạm Bằng được cha mẹ chiều chuộng, hưởng cuộc sống của “cậu ấm, cô chiêu”. Tôi và anh, ngay từ khi còn tuổi vị thành niên đã có nhiều thói quen giống nhau, ngoài thú uống cà phê, còn thích đi thư viện đọc sách, bất kỳ buổi tối hay sáng, “hứng” lên là rủ nhau đi dạo vào sâu ngõ ngách phố phường Hà Nội,”khám phá” để hiểu người Hà Nội, hồn cốt Hà Nội. “Bã xã” tôi sau này lại mê bánh trôi Tàu, lục tào xá, chế ma phù của nhà anh nên hai gia đình có nhiều điểm chung kết thân mối thâm giao suốt nửa thế kỷ.
Phạm Bằng lịch lãm, nho nhã, đẹp trai, được các cô gái “bình chọn”, xếp vào tốp 3 nức tiếng Hà thành lúc bấy giờ. Họ gọi các anh là “3 chàng Ngự lâm pháo thủ”. Bố anh mất khi bà mẹ mới 27 tuổi. Cụ đảm đang tần tảo ở vậy nuôi con, coi Phạm Bằng như “cục vàng”. Cụ rất nghiêm khắc, một mực hướng cậu con trai yêu phải nối nghề cha, trở thành một thầy giáo mẫu mực. Cụ dứt khoát không cho anh chọn nghề diễn viên, theo cụ là đồ “xướng ca vô loài”. Như Phạm Bằng kể, khi anh đã thành danh, nổi như cồn khắp trong Nam, ngoài Bắc, cụ không bao giờ đi xem anh diễn. Trên màn ảnh nhỏ (TV) có chương trình của “con trai cưng”, cả nhà xem rất vui, cười như nắc nẻ, cụ lặng lẽ lên gác đi nằm. Tính tình Phạm Bằng lông bông, ham chơi, không hợp với nghề “gõ đầu trẻ”. Nhưng rồi chiều theo ý mẹ, năm 1955, anh trở thành sinh viên Trường cao đẳng Giao thông Công chính. Trong thời gian học, bạn bè rủ rê, Phạm Bằng tham gia Đội Văn nghệ trường, đóng vài ba vở kịch, như anh nói “lăng nhăng cho vui”. Đang học năm thứ 2, Phạm Bằng buộc phải thôi học vì cơ chế thời đó hạn chế con em xuất thân thành phần tư sản học đại học và cao đẳng. Như người ta nói “Ngựa tái ông…”, anh đang nằm bẹp buồn chán ở nhà thì nghe tin nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thành lập Đoàn kịch nghiệp dư dựng vở Vũ Như Tô, anh đến tham gia một vai. Mẹ anh không ủng hộ, song cũng không cản (bà biết có cản cũng không được). Năm 1960, Sở VHTT Hà Nội thành lập Đoàn Văn công Hà Nội (tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay) và cho tuyển sinh, Phạm Bằng thi và đậu cả 2 nơi: Đoàn Văn công Hà Nội và Trường đại học Sân khấu khóa 1. Phạm Bằng chọn Đoàn Văn công Hà Nội vì “vừa được diễn lại có thêm phụ cấp giúp gia đình”. Đoàn Văn công Hà Nội là một đoàn tổng hợp các loại hình: ca nhạc, múa, kịch nói, cải lương, chèo, xiếc. Phạm Bằng chính thức bước vào con đường làm diễn viên kịch nói chuyên nghiệp. Phạm Bằng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời tham gia các vai phản diện. Tên tuổi Phạm Bằng đã đóng đinh vào những vai tri thức, đểu cáng, lạnh lùng, biết che đậy tội ác dưới cái vỏ hào hoa phong nhã. Đạo diễn Trần Hoạt dựng một số vở kịch hài. Ông quan niệm, hài kịch đi vào cuộc sống một cách bình dị, song không kém phần sâu sắc. Phạm Bằng tham gia một số vai hài. Xem Phạm Bằng diễn hài, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi nhận xét: “Những người đã đóng những vai bi thành công, thường đóng vai hài rất giỏi”.
NSưT Phạm Bằng cháy hết mình trong phim Chôn nhời, Tết Giáp Ngọ 2014.
Năm 1974, Phạm Bằng chuyển về Nhà hát Kịch Trung ương (NHK Việt Nam). Phạm Bằng được hội ngộ với những tên tuổi lớn của làng kịch nói Việt Nam như Mạnh Linh, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Trần Tiến, Doãn Châu… Ông thầy Trần Hoạt nhận xét về Phạm Bằng: “Tương lai cậu đóng vai hài giỏi. Khiếu hài là khiếu trời cho. Không thể mở lớp diễn viên hài, nhưng các diễn viên hài phải có trình độ văn hóa cao, sâu, tư duy vững”. Hai vở diễn mang đến cho Phạm Bằng hai HCV trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc đều là 2 vai hài: Vai Lý trưởng (Hồn Trương Ba, da Hàng thịt - kịch bản: Lưu Quang Vũ), vai Thương (Mở đời Thương - đạo diễn Tất Đạt). Vai diễn của Phạm Bằng trên sân khấu cứ tưng tửng, tỉnh queo, Phạm Bằng đã định hình một phong cách hài rất cá tính mang thương hiệu Bằng “hói”. Nói về sự “hiếm tóc” của mình, Phạm Bằng hóm hỉnh khoe: “Đây là do một thứ gen di truyền của dòng họ. Tôi là thế hệ thứ tư bị hói quá nửa đầu… mà hói là biểu tượng của sự thông minh và sống lâu”. Ngẫm nghĩ một lúc, Phạm Bằng tự hào tiếp: “Đầu tôi cũng giống cái bánh trôi Tàu, nhờ nó mà tôi đắt sô”. Phạm Bằng vui vẻ kể một vài kỷ niệm về “cái duyên với cái sự hói của mình”. Một lần diễn ở Thanh Hóa bị khán giả “bắt cóc” sau khán đài chỉ vì muốn “mục sở thị” xem cái đầu hói của Phạm Bằng thật hay giả. Một buổi chiều rảnh, Phạm Bằng dạo chơi trên con đường quê lúa Đông Hưng, Thái Bình, chợt nghe tiếng gọi với theo “Sếp Bằng! Sếp Bằng”. Một phụ nữ trung niên hớt hơ, hớt hải, vừa chạy, vừa hỏi Phạm Bằng: “Có phải sếp Bằng… hói không ạ?”. Chẳng đợi ông trả lời, chị cứ nhất định: “Đúng sếp Bằng rồi! Cái đầu này không lẫn vào đâu được, đúng cái hói này rồi!”, chị kéo tay, tha thiết mời ông vào nhà chơi để gia đình, xóm làng được ngắm cái đầu hói “xịn” không phải hóa trang của nghệ sĩ.
Sân chơi “Gặp nhau cuối tuần” (GNCT) thực sự đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đến với đông đảo công chúng nhiều hơn. Một sê-ri chuyện về 1 đôi vợ chồng: Ông chồng già nhu nhược, ở nhà phục vụ cô vợ trẻ đỏng đảnh do Phạm Bằng và Thu Hương đóng trong GNCT trên VTV3 cùng những tiểu phẩm hài hóm hỉnh, giàu chất trí tuệ khiến khán giả không thể quên hai nhân vật này. Danh hài thế hệ ông, những Trịnh Thịnh, Trịnh Mai, Trần Tiến… kẻ mất, người ốm đau do tuổi tác, giờ họ đã nghỉ diễn, Phạm Bằng đành “đánh đu” với cánh trẻ (Quang Thắng, Quốc Khánh, Vân Dung…). Phạm Bằng diễn ăn ý với họ nên từ hài - truyền hình đến hài - sân khấu, Phạm Bằng vẫn đắt sô, “ăn nên làm ra” bằng chính nghề diễn của mình. Vân Dung tâm sự: “Mỗi lần gặp bác Bằng, tụi này thấy vui lắm. Nói nói, cười cười suốt, làm sao mà già được. Việc tập diễn, đi diễn làm cho bác khỏe ra”.
Những buổi không đi diễn, Phạm Bằng ngồi ở quán trôi Tàu của gia đình, tán gẫu với khách. Khách ăn xong chỉ muốn níu tay chụp ảnh cùng nghệ sĩ, thấy ông trẻ khỏe, ai cũng mừng. Xin mượn câu chuyện Phạm Bằng kể để khép bài viết: “Trước Tết, bà con Việt kiều về nhiều. Sau khi xem tiết mục của tôi diễn trên VTV4, họ tìm đến quán của tôi ăn bánh trôi Tàu. Họ bảo, ngoài đời tôi trẻ hơn trên TV nhiều, đó là do tôi thường đóng vai ông già lẩn thẩn, xộc xệch”. Chia tay tôi, Phạm Bằng nói những lời gan ruột: “Tôi bây giờ chỉ có 3 việc: đi diễn, đọc sách và bán bánh trôi Tàu. Có thể mọi thứ sẽ qua đi. Chỉ có vượt qua năm tháng bằng tiếng cười là vẫn còn bền chặt và bất tận”.
Lê Sỹ Tứ