Tiếng cười thoảng qua, nỗi lo ở lại...

19-06-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Trong khi các cơ quan chức năng “đau đầu” về những ấn phẩm dành cho thiếu nhi liên tiếp mắc lỗi, thì một trào lưu đang thu hút nhiều bạn trẻ là chế lại truyện cổ tích.

Trong khi các cơ quan chức năng “đau đầu” về những ấn phẩm dành cho thiếu nhi liên tiếp mắc lỗi, thì một trào lưu đang thu hút nhiều bạn trẻ là chế lại truyện cổ tích. Những câu chuyện cổ tích vốn đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ người Việt nay được “khoác” chiếc áo mới là ngôn ngữ teen với nhiều tình tiết vô cùng lạ lẫm. Điều gì sẽ xảy ra khi những “viên đạn bọc đường” đó thấm sâu vào tiềm thức các bạn trẻ?

Tư duy, ngôn ngữ teen trong truyện cổ tích

Gần đây, cái kết mới của truyện cổ tích Tấm Cám được một nhóm bạn trẻ sáng tác với tên gọi Phiên bản kinh dị của Tấm Cám Việt Nam đưa lên mạng gây xôn xao dư luận. Thay vì hình ảnh một cô Tấm hiền lành như bản gốc, cô Tấm phiên bản mới đã “lột xác” thành quỷ dữ ăn thịt biết bao nhiêu người. Điều quan trọng là, câu chuyện được minh họa bằng những hình ảnh truyện tranh rất sống động. Ngay sau khi được đưa lên mạng xã hội, Phiên bản kinh dị của Tấm Cám Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ, bình luận của các bạn trẻ. Phải thừa nhận một điều rằng, người sáng tác phần kết mới cho truyện cổ tích Tấm Cám phải có đầu óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú mới có thể nghĩ ra câu từ và hình ảnh “bá đạo” như vậy. Tuy nhiên, sự tưởng tượng đó đồng nghĩa với việc đã “bóp chết” một câu chuyện cổ tích với giá trị tốt đẹp về quy luật nhân quả ở đời, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác... đã được lan truyền qua bao thế hệ.

Câu chuyện Cây khế “phiên bản mới” được “chế” lại với giọng điệu rất hài hước.

“Phiên bản kinh dị của Tấm Cám Việt Nam” chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện cổ tích được các bạn trẻ “chế” và chia sẻ trên internet. Hàng trăm truyện cổ tích của nước ngoài và Việt Nam đều được gắn với cụm từ “siêu hài hước”, “chế”. Từ Ông lão đánh cá và con cá vàng, Cô bé bán diêm, đến Sọ dừa, Cây khế, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt... đều được viết lại với giọng văn hài hước cùng nhiều chi tiết hoàn toàn mới. Nét “nổi bật” trong những truyện cổ tích chế là cách tư duy và ngôn ngữ teen, ngôn ngữ mạng được sử dụng khá phổ biến. Các bạn trẻ đã cố gắng kể lại chuyện theo cách riêng với ngôn ngữ gần gũi, bên cạnh đó, thêm thắt những tình tiết mới cho câu chuyện hấp dẫn.

Câu chuyện Cây khế được kể lại với giọng điệu thế này: “Ngày xửa ngày xưa, nói thật là xưa vãi (...) Nó xưa đến mức mà ông cố nội của đứa hàng xóm của đứa em của thằng em con bác của đứa bạn anh kể lại cho ông nội của anh nghe vào thế kỷ 19 (...). Hai ông bắt đầu bằng “ngày xửa ngày xưa” chứ không phải dạng vừa đâu...”. Câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ được viết rất vần, nghe vui tai như sau: “Ngày xưa có một cô bé hay quàng khăn đỏ nên mọi người gọi cô là khăn đỏ. Khăn đỏ dáng người bé nhỏ, ngoan hiền hiếu thảo không bao giờ bị mẹ mắng mỏ. Thỉnh thoảng mẹ sai đi hái rau lại đi hái cỏ về nhà bị mẹ tặng cho vài cái cùi trỏ...”. Khi sói giả làm cô bé quàng khăn đỏ đến gõ cửa nhà bà ngoại thì bà ngoại không mở cửa và nói vọng ra: “Thôi khỏi (...). Tối qua cày games ác quá nên bây giờ bà buồn ngủ lắm rồi. Thôi về đi cho bà ngủ (...). Con sói hốt hoảng vì biết gặp phải “thanh niên cứng” nên cúp đuôi chạy mất tiêu. Sói ấm ức quay lại chỗ khăn quàng đỏ để ăn thịt khăn đỏ cho xong. Sói đến gần cô bé và nói: Mày có biết tao là ai không, tao là sói chuyên ăn thịt đây. Cô bé nói: Ôi sợ quá, thế mày có biết tao là ai không, tao là người sở trường thích ăn thịt chó đây, nhất là rựa mận”... Thật tình, khi đọc tình tiết và ngôn ngữ teen trong truyện, ai cũng phải bật cười vì sự hài hước, tư duy hóm hỉnh của người viết. Tuy nhiên, trào lưu này dần dần có thể tạo nên những “dị bản” nhảm nhí của truyện cổ tích, bóp nghẹt sự tồn tại của truyện cổ tích Việt Nam.

Phiên bản kinh dị của Tấm Cám Việt Nam khi đưa lên mạng thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ.

Cần giữ gìn thế giới cổ tích cho trẻ em

“Chế” truyện cổ tích có thể chỉ là một trào lưu nhất thời của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ tìm đọc thể loại truyện này để thư giãn sau khoảng thời gian học tập, làm việc mệt mỏi. Đôi khi, chế truyện cổ tích cũng là cách mà các bạn trẻ muốn bày tỏ góc nhìn của mình với xã hội, thể hiện quan điểm, cái tôi cá nhân về vấn đề xã hội được đặt ra trong truyện cổ tích. Tuy nhiên, nội dung nhảm nhí được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng internet là những hiểm họa khôn lường với giới trẻ. Ban đầu, truyện cổ tích chế có thể mang đến tiếng cười giải trí nhưng sau đó là sự “hủy hoại” về tâm hồn, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ em. Nhiều em nhỏ chưa đủ sức “đề kháng văn hóa” với các sản phẩm độc hại sẽ bị “nhiễm” cách tư duy, ngôn ngữ xấu, dẫn đến hiểu không đúng những giá trị văn hóa mà ông cha ta gửi gắm qua truyện cổ tích. Và như vậy, truyện cổ tích sẽ bị mai một, lãng quên và không có “đất” để phát triển.

Tôi cho rằng, giá trị lớn nhất của truyện cổ tích chính là những bài học quý báu ẩn chứa sau mỗi câu chuyện. Đó là quy luật nhân quả ở đời, cái thiện luôn thắng cái ác, gieo gió ắt gặp bão, ở hiền sẽ gặp lành... Truyện cổ tích mang đến giấc ngủ tuổi thơ sự bay bổng, thánh thiện, gieo vào tâm trí các em nhỏ một thế giới đầy ắp sắc màu và tình yêu cuộc sống. Qua truyện cổ tích, khơi gợi sự sáng tạo, trí tưởng tượng của các em. Nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam và trên khắp thế giới đã được nuôi dưỡng, lớn lên từ những câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng cả thế giới ước mơ vô cùng lớn lao. Hiện nay, cũng không ít nhà khoa học cho rằng, tình tiết hay phần kết của một số truyện cổ tích không còn phù hợp với quan điểm xã hội hiện đại cần được nghiên cứu, thay đổi. Tuy nhiên, việc làm này cần phải thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự tham gia, vào cuộc của nhiều nhà nghiên cứu. Sự tùy tiện trong cách làm, “truyện cổ tích chế”, viết tiếp truyện cổ tích bừa bãi sẽ dẫn đến sự mai một truyện cổ tích thật.

Phạm Thiên Giang

 

 


Ý kiến của bạn