Hà Nội

Tiền uống rượu bia có thể nuôi sống gần 21 triệu người/năm

27-09-2016 14:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - ThS.BS Phạm Thị Hoàng Anh, GĐ Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, với chi phí trung bình cho rượu bia là 733.058 đồng/hộ, tổng chi tiêu cho rượu bia của VN là 16.372 tỉ đồng. Số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo, đủ để nuôi sống gần 21 triệu người/năm.

Bà Hoàng Anh cũng cho biết, nếu số tiền mua rượu bia được dùng mua xe máy thì có thể thêm 12,5% hộ nghèo hiện chưa có xe máy được sử dụng phương tiện đi lại phổ biến này.

Trong khi những người uống rượu bia ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo uống 2 cốc rượu bia/ 5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này uống chưa đến một cốc sữa/năm. Nếu số tiền mua rượu bia ở các gia đình này được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống một cốc sữa/ 3 ngày thay vì ít hơn một cốc sữa/năm.

Những con số này là kết quả của nghiên cứu Ảnh hưởng của sử dụng rượu bia đến đói nghèo và đặc điểm của các gia đình sử dụng rượu bia thường xuyên tại Việt Nam. Đây là nghiên cứu đầu tiên về mức độ sử dụng rượu bia và ảnh hưởng của việc tiêu dùng rượu bia đối với tình trạng đói nghèo trên phạm vi toàn quốc.

Có đến 57,7% hộ gia đình Việt Nam tiêu dùng rượu bia thường xuyên chứ không chỉ trong các dịp lễ tết. Đáng chú ý là những hộ giàu và có học vấn cao tiêu dùng nhiều rượu bia hơn, điều này ngược lại với kết quả tìm thấy ở các nước phát triển. Cũng chính vì chi tiêu quá nhiều cho rượu bia khiến việc chi tiêu cho y tế và giáo dục bị hạn chế đi.

Từ thực trạng đó, các chuyên gia khuyến nghị cần tăng thuế và giá rượu bia để giảm sức mua rượu bia, đã được chứng minh là giải pháp tốt trong giảm tiêu dùng rượu bia trên thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe và gánh nặng kinh tế của sử dụng rượu bia đối với hộ gia đình tập trung cho vùng nông thôn và dân tộc thiểu số. Đồng thời, phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia cần được lồng ghép vào các chương trình bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo.

Rượu bia không chỉ gây hậu quả cho sức khỏe mà còn gây nhiều gánh nặng xã hội. Ảnh minh họa.

Chi phí tiêu thụ bia nhiều gấp 4 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước

Theo báo cáo của Hiệp hội rượu bia và nước giải khát, năm 2015 sản lượng rượu bia ở Việt Nam lên tới 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp (rượu sản xuất có đăng ký) và ước tính khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống/năm. Chỉ trong vòng 5 năm 2010-215, sản lượng bia tăng trung bình 7%/năm, sản lượng rượu tăng 4,4%/năm.

Với mức tiêu thụ 27.4lít cồn nguyên chất/người năm 2010, Việt Nam đứng thứ hai trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Có đến 77,3% nam giới trưởng thành (từ 18-69 tuổi) hiện sử dụng rượu bia, cao hơn so với mặt bằng chung của toàn cầu (47.7%), và của các khu vực.

BS. Lý Trần Tình, Nguyên GĐ BV Tâm Thần Hà Nội cho biết: Không chỉ gây hậu quả về mặt sức khỏe con người, uống rượu bia còn gây hậu quả xã hội. Việc tiêu thị hơn 3 tỉ lít bia, tạm tính tương đương với trên 3 tỉ USD, ước tính khoảng gần 3% số thu ngân sách của cả nước. Đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát mỗi năm khoảng trên 16.000 tỉ đồng (tương đương 800 triệu USD). Chi phí tiêu thụ bia nhiều gấp 4 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cũng cho hay, đánh giá gánh nặng kinh tế - tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp cho 6 loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam (gồm Ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung - trong số này có 5 bệnh có liên quan đến sử dụng rượu bia) lên tới 25.789 tỷ đồng chiếm 0.22% tổng DGP năm 2012. Đáng chú ý gánh nặng kinh tế cho việc điều trị các bệnh ung thư đổ dồn lên cả hộ gia đình (48%), bảo hiểm y tế (25%) và chính phủ (27%).

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, thiệt hại do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia ở Việt Nam lên tới gần 1 tỷ đô la Mỹ vào 2010.

Các chuyên gia và đại biểu khuyến nghị rằng Chính phủ cần sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia với các biện pháp đồng bộ bao gồm tăng thuế và giá rượu bia, kiểm soát quảng cáo khuyến mại tài trợ rượu bia, hạn chế tính sẵn có của rượu bia và ngăn chặn việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Nếu tiếp tục để tình trạng rượu bia sẵn có (dễ tiếp cận), quảng cáo nhiều, giá rẻ như hiện nay thì tốc độ tiêu thụ rượu bia cũng như các vấn đề sức khỏe, kinh tế và xã hội do rượu bia gây ra sẽ ngày càng nghiêm trọng.


D.Hải
Ý kiến của bạn