Tiền tuyến 1945

05-06-2011 14:26 | Văn hóa – Giải trí

Ngày 6/9/2010, UBND Thừa Thiên Huế đã ra văn bản công nhận Trường Thanh niên Tiền tuyến (TNTT) là Di tích lịch sử Cách mạng.

Ngày 6/9/2010, UBND Thừa Thiên Huế đã ra văn bản công nhận Trường Thanh niên Tiền tuyến (TNTT) là Di tích lịch sử Cách mạng. Như vậy, Trường được đánh giá là một bộ phận tiền thân của Cách mạng Tháng 8/1945 tại Huế. Sự kiện này thật khó hiểu đối với một sử gia nước ngoài ít am tường nội tình phức tạp của Việt Nam giai đoạn 1945.

Ngày 9/3, Nhật lật đổ Pháp, cho Bảo Đại lập chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Tháng 7/1945, luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên nhân danh nội các mới, mở trường TNTT với sự giúp đỡ của GS. Tạ Quang Bửu. Hai vị trí thức tài năng và yêu nước này, dưới danh nghĩa đào tạo thanh niên chung chung, muốn đào tạo quân sự cho một số thanh niên trí thức. Hai ông đủ thông minh để biết Nhật sắp thua đồng minh, phải lợi dụng hình thức hợp pháp để đào tạo các chỉ huy võ bị chờ cơ hội thuận lợi giúp đất nước. GS. Tạ Quang Bửu đã báo trước cho sinh viên là học xong không nhất thiết phải theo chính phủ Trần Trọng Kim, tha hồ tự do lựa chọn đường đi. Ông Phan Anh cũng khẳng định điều ấy! Vậy thì với một mục tiêu chung chung như vậy và trên thực tế, trường tồn tại có hai tháng, thầy chưa kịp dạy, trò chưa kịp học thì Trường TNTT quan trọng ở điểm nào? Trước hết do chất lượng tinh thần, tư tưởng của sinh viên lúc đó. Trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Pháp, chính quyền bù nhìn với sự chỉ đạo của quân đội Nhật chưa hiểu biết gì nhiều về dân chúng địa phương, lớp thanh niên, tiêu biểu là sinh viên miền Trung đều linh cảm một sự thay đổi mà lòng yêu nước của họ sẽ có dịp bộc lộ bằng hành động. Đại học Hà Nội đã đóng cửa, Trường TNTT là nơi tụ hội lý tưởng, nhất là lãnh đạo trường là hai nhà trí thức nổi tiếng: luật sư Phan Anh, nhà hoạt động xã hội thời Pháp (nhóm Thanh Nghị). Đi với Cách mạng, ông liên tục làm Bộ trưởng các Bộ Kinh tế rồi Công thương, Ngoại thương. GS. Tạ Quang Bửu là nhà toán học, vật lý học uyên bác, lãnh đạo phong trào Hướng đạo sinh toàn quốc, đóng góp rất nhiều cho đất nước (Thứ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học, hoạt động ngoại giao…). Hiệu trưởng trường TNTT là Phan Tử Lăng, tốt nghiệp trường Sĩ quan Sơn Tây của Pháp, chỉ huy trưởng lực lượng Bảo An binh Trung kỳ của chính phủ Trần Trọng Kim. Sau ông cũng theo cách mạng, năm 1948 được phong Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Các cựu học sinh Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945.

Từ một tổ chức Việt Minh 5 sinh viên đã nhanh chóng Việt Minh hoá toàn bộ học viên. Việt Minh đối với đa số thanh niên tiểu tư sản là ý thức độc lập dân tộc. Đó cũng là tâm lý phổ cập trong toàn dân đứng lên làm cách mạng theo tiếng gọi của Hồ Chí Minh.

Tình trạng toàn dân “tức nước vỡ bờ”: 80 năm nô lệ cực khổ, cơ hội giải phóng đã đến! Khi kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, mọi tầng lớp đều tham gia. Tất cả sinh viên Trường TNTT đều “gác bút nghiên theo việc binh đao”, nhiều người lập những chiến công hiển hách.

Ngày 23/8/1945, nhân dịp Ủy ban khởi nghĩa Huế ra mắt nhân dân ở sân vận động, toàn bộ lực lượng TNTT chuyển thành lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 29/8, nhóm TNTT do Nguyễn Thế Lương chỉ huy đã nhanh chóng ra Hiền Sĩ - Phong Điền, dùng mưu bắt được quan tư Pháp Castelna chỉ huy một phái bộ sáu người, nhảy dù xuống Thuận An. De Gaulle giao cho nhóm này nhiệm vụ liên lạc với các nhóm thân Pháp để thiết lập lại chính quyền thực dân.

TNTT trở thành lực lượng xung kích bảo vệ các cuộc mít tinh của chính quyền ra mắt quần chúng, tiếp thu ấn tín tại lễ thoái vị của Bảo Đại. Sau khi được Ủy ban khởi nghĩa Huế công nhận là lực lượng vũ trang cách mạng (23/8/45), TNTT có nhiệm vụ thành lập lực lượng Giải phóng quân Thuận Hoá, tiền thân của Trung đoàn Trần Cao Vân.

Hai mươi nhăm phân đội được tổ chức do các cựu sinh viên TNTT chỉ huy. Để nuôi gần một nghìn binh sĩ, phải dựa vào lực lượng tiểu thương, quân trang và vũ khí chủ yếu do thu hồi các kho của Pháp, Nhật. Khi Pháp gây hấn ở Nam Bộ, hàng trăm giải phóng quân Huế đã Nam tiến, có mặt ở Nha Trang, Sài Gòn, sát cánh với dân quân địa phương. Các cựu học sinh TNTT được tung đi khắp các mặt trận, trở thành cán bộ quân sự của toàn quốc. Tám người sau đã lên đến cấp tướng. Một số chuyển sang mặt trận khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hoá cũng thành những ngôi sao sáng, như Lê Quang Long (cháu gọi Bảo Đại bằng cậu), giáo sư dẫn đầu ngành sinh học. Tôi có dịp quen biết vài bạn TNTT, qua họ, có thể đánh giá tính cách và tư cách của toàn đội ngũ: anh Cao Văn Khánh (đã mất) cùng dạy với tôi một trường ở Huế (1941-1945), cùng ở Hướng đạo. Không ngờ một thầy giáo dạy toán lại trở thành một tướng tham mưu xuất sắc, cánh tay phải của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đánh những trận quyết định; Anh Đặng Văn Việt, nay ngoài 90 tuổi, sinh viên y, đã cùng bạn TNTT Cao Pha hạ cờ nhà vua để treo cờ đỏ sao vàng trước cửa Ngọ Môn. Về sau, anh đánh Pháp hàng trăm trận, được mệnh danh là Hùm xám đường số 4. Tiếc thay, do thành kiến giai cấp thời đó, anh bị chuyển sang dân sự. Nay anh là Trưởng ban liên lạc học sinh TNTT, Trưởng ban xây dựng Khu bảo tàng Trường TNTT trước cửa Quảng Đức ở Huế.  
  Hữu Ngọc

Ý kiến của bạn