Tiền tươi, “khóc” thật...

20-11-2008 06:08 | Thời sự
google news

Điều lo ngại là các dịch vụ này gồm đủ loại tin nhắn mang nội dung sex, xem bói, lô đề, trúng thưởng... và sự phát triển của chúng dường như ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Điều lo ngại là các dịch vụ này gồm đủ loại tin nhắn mang nội dung sex, xem bói, lô đề, trúng thưởng... và sự phát triển của chúng dường như ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Xem ra hiện nay các mạng di động chỉ "đếm cuộc thu tiền"; còn nội dung tin nhắn, hình thức dịch vụ không quản lý xuể...

"Bạn hãy nhắn tin theo mẫu "cách X, cách Y, rồi gửi tới số...."; hoặc "Bạn hãy gọi tới tổng đài 1900...... rồi làm theo hướng dẫn". Trẻ em nghe chuyện cổ tích, người lớn dự đoán, tìm người yêu, kết bạn, xem bói, tải ảnh, đố vui với những câu hỏi dễ đến mức phì cười, thậm chí cả tìm hiểu về Luật giao thông, ủng hộ các ca sĩ, người đẹp... Chúng phổ biến và "hấp dẫn" nhiều người mơ "trúng lớn", và không ít trẻ em cũng chẳng kém say mê... Vấn đề đặt ra là các dịch vụ gia tăng này nở rộ không đảm bảo được mục đích giáo dục, mà chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế cho nhà cung cấp dịch vụ mà thôi.

 
Trẻ em mê...

Hôm nào cũng vậy, cứ mỗi khi bố mẹ mải công việc, hoặc xem phim buổi tối, là cháu H.T.L 10 tuổi (Hải Dương) lại quanh quẩn bên chiếc điện thoại để gọi cho số của... "chị Thỏ Ngọc". Từ khi biết "chị" qua các chương trình truyền hình, được "chị" cho số điện, hướng dẫn quay số, bấm phím số... thằng bé cứ mê mẩn những câu chuyện cổ tích với giọng kể ngọt ngào. Thỉnh thoảng, cháu lại hỏi mẹ có biết chuyện "Lâu đài hạnh phúc" không? có biết "I-tơ Pen" là ai không? hay mẹ đã ăn "Hạt đậu vô hình" chưa?... Bố mẹ cháu ban đầu cứ mừng rơn vì nghĩ chắc con bắt đầu biết tập trung trong giờ học, nhớ được các chuyện cô kể ở lớp và giờ ôn lại. Chỉ đến khi nhận hoá đơn thanh toán cước điện thoại cố định vọt lên 600.000 đồng, trong đó gần 500.000 đồng tiền dịch vụ, bố mẹ cháu mới "hết vui".

Chương trình chị Thỏ Ngọc và một số chương trình khác hiện nay đang có mục hướng dẫn trẻ nhỏ gọi điện thoại vào số 1900XXXXXX... Không chỉ nghe chị Thỏ Ngọc kể chuyện, các bé nào muốn... kể chuyện cho chị Thỏ Ngọc thì cũng có thể bộc lộ khả năng của mình bằng cách gọi vào số điện của trung tâm để tham gia cuộc thi "Bé kể chuyện", và sẽ được nhận quà. Tất nhiên là vẫn tốn cước điện thoại như thường. Giá cho mỗi phút gọi từ điện thoại cố định là gần 900đồng, và từ di động là 1.800 đồng. Hiện nay, chương trình công bố đã có hàng trăm nghìn cuộc gọi vào. Việc khuyến khích trẻ em gọi điện vào chương trình gây khó khăn cho bố mẹ, gây lãng phí tiền của liệu có phù hợp với mục đích giáo dục của chương trình? Hơn nữa, "chị Thỏ Ngọc" hưởng tiền cước điện thoại, còn các em nhỏ lại bị bố mẹ la mắng, các bậc phụ huynh ấm ức trả một khoản tiền lớn cho dịch vụ điện thoại.

Người lớn cũng không "tỉnh"...

Từ dự đoán, tìm người yêu, kết bạn, xem bói, tải ảnh, đố vui với những câu hỏi dễ đến mức phì cười, thậm chí cả tìm hiểu về luật giao thông, ủng hộ các ca sĩ, người đẹp trong các cuộc thi...., trò chơi này đã trở thành "đỉnh cao" của công nghệ hấp dẫn tin nhắn, mà thực chất là hút tiền từ việc gửi tin nhắn.

Chỉ vài thao tác đơn giản trên phím điện thoại là tiền của bạn sẽ rơi vào túi nhà cung cấp dịch vụ.
Đáng chú ý là hiện nay tại Việt Nam đã bùng phát dịch vụ cho thuê đầu số hoặc liên kết cung cấp đầu số dịch vụ tin nhắn dạng 80xx hoặc 1900xxxxxx. Thực chất đây là các dịch vụ dạng "tay không bắt giặc" mà bất cứ một tổ chức hoặc cá nhân nào cũng có thể đứng ra làm "chủ". Nhà cung cấp đầu số "thầu" hẳn một đầu số riêng, người "chủ dịch vụ" chỉ cần đứng ra ký kết hợp đồng là ngay lập tức sẽ được cấp cho một đầu số riêng. Căn cứ vào đó, họ có thể đặt ra bất cứ một trò chơi trúng thưởng nào, hoặc dịch vụ cung cấp thông tin nào theo ý muốn. Đó là kiểu chơi tương tự như các trò chơi vẫn quảng cáo trên truyền hình: chỉ cần soạn vài ký tự quy định, gửi tin nhắn đến số XXXX và sẽ có cơ hội trúng thưởng. Giá của mỗi loại tin nhắn này thường xê dịch từ 2.000đ đến 15.000đ. Tỷ lệ ăn chia của nhà cung cấp đầu số với "chủ dịch vụ" có thể là 50% - 50%; 40 - 60%; hoặc 30 - 70%. Số tiền ăn chia từ tin nhắn, sau khi các mạng di động thu phí thì con số còn lại được trích ra làm phần thưởng, còn lại đổ vào túi "chủ dịch vụ".

Điều lo ngại là các dịch vụ này gồm đủ loại tin nhắn mang nội dung sex, xem bói, lô đề, trúng thưởng... và sự phát triển của chúng dường như ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Xem ra hiện nay các mạng di động chỉ "đếm cuộc thu tiền"; còn nội dung tin nhắn, hình thức dịch vụ không quản lý xuể bởi lẽ nhiều dịch vụ được tạo lập dễ dàng và tự động, thậm chí chỉ cần vài thao tác đơn giản trên internet là có thể khởi tạo được dịch vụ.

Cũng chính từ việc buông lỏng quản lý này mà thời gian qua, nhiều khách hàng mất tiền oan vì tham gia những trò vô bổ. Thậm chí, nhiều khách hàng còn trở thành nạn nhân khi thực hiện theo yêu cầu từ những tin nhắn như "Bạn đã trúng thưởng chương trình...., vui lòng gửi tin tới số 8XXX để đăng ký nhận giải". Sự thật thì đó là dịch vụ nạp tiền qua tin nhắn đã bị một số kẻ xấu lợi dụng. Người gửi tin bị trừ tiền vào tài khoản, và chuyển vào túi kẻ lừa đảo. Không ít trường hợp khách hàng "trúng thưởng" nhưng không được trả thưởng gây khiếu kiện như ông Lê Đình Bách (Văn Phú, Thường Tín, Hà Tây) đã từng khiếu kiện chương trình "988 phát tài" do Công ty MobiCom và Viettel Mobile hợp tác, hoặc trường hợp bà Phạm Ngọc Dung, và ông Phạm Hữu Hiếu, (Long Xuyên, An Giang) khiếu kiện Dalink khi không được trả thưởng chương trình "Tình yêu hoàn hảo" (LOVE).

Cái gì cũng có hai mặt, tuy nhiên, đối với các dịch vụ gia tăng trên điện thoại hiện nay, dường như mặt lợi về kinh tế đang quá nghiêng về phía các nhà cung cấp, mặt còn lại, tất nhiên người sử dụng chịu và họ còn phải chịu thiệt đến bao giờ?

Trần Quang


Ý kiến của bạn