Tiên trà đất Hà thành

21-05-2011 13:27 | Xã hội
google news

Ðối với con người tài hoa, đa tài như nghệ nhân trà Trường Xuân (tên thật là Ðỗ Xuân Trường), tiếng tăm khắp trong và ngoài nước về “trà đạo và đạo trà” thì dẫu ở lĩnh vực nào, là thư pháp, là nhiếp ảnh hay trà đạo Việt...

Ðối với con người tài hoa, đa tài như nghệ nhân trà Trường Xuân (tên thật là Ðỗ Xuân Trường), tiếng tăm khắp trong và ngoài nước về “trà đạo và đạo trà” thì dẫu ở lĩnh vực nào, là thư pháp, là nhiếp ảnh hay trà đạo Việt... thì ông đều muốn đi đến tận cùng của sự tinh túy, quyết liệt hơn những gì quyết liệt để bảo vệ cái đạo trong văn hóa uống trà, tâm huyết đến hết lòng. Chả thế mà “... hương trà”, đạo trà luôn gắn với nghiệp của ông như một sự sắp đặt của tạo hóa, dù vui, dù buồn, hạnh phúc hay bi kịch đến... sen rụng xác xơ thì ông vẫn nâng chén mời... trà đến khắp mọi phận người.

Hành trình trở thành “tiên trà”

Chúng tôi đến thăm ông tiên trà khi ông vừa trở về từ Kinh thành Huế. Trong phòng trà ấm cúng tại số 13 Ngô Tất Tố - Hà Nội này, ông Trường vẫn với cái dáng rắn rỏi, bệ vệ, đúng như thiên hạ từng đồn, vẫn tài hoa lắm. Khổ người ông cao lớn, mặt vuông, mắt đườm đượm lãng du, mái tóc mai mái hoa vàng... Cái chất hào hoa vẫn còn đó như giấu giếm đi bao nhiêu gian nan trong cuộc vật lộn với đời để bảo vệ cái nghiệp bảo tồn và truyền bá đạo trà. Nhìn bề ngoài hay gặp ông trên truyền hình, hình ông trên các gói trà bán ngoài thị trường vẫn đẹp lão. Chính bản thân tôi ngồi đối diện với ông thì chẳng thể biết rằng cuộc đời ông có nhiều góc khuất đau khổ mới có được hương trà sen tinh khiết như bây giờ. Cũng cái giọng trầm lắng rưng rưng, ông kể, năm 16 tuổi, ông đi bộ đội. Rồi đến 19 tuổi, ông được phân công đi học Trường viết văn Quân đội - khoá I tại làng Xà Cát, Đồng Hỷ, Thái Nguyên và cũng tại nơi đây, lần đầu tiên trong đời ông được tiếp cận đồng chè Tân Cương. Một vùng đất hoang sơ nhưng màu mỡ, đã hun đúc trong ông niềm đam mê với cây trà. Bởi đó là đồng chè của những người dân một nắng hai sương, ông đã chia sẻ những vui buồn với con người nơi đây, đã ở trong bếp trà từ sáng cho tới tối, được thưởng thức những hương vị trà thơm. Tất cả đã làm ông quyết tâm theo nghiệp đạo trà.

Mãi sau này, khi hoà bình lập lại, ông về thành phố, chuyển sang học Hàn thụ bách khoa, chuyên khoa hoá để có kiến thức nghiên cứu chè. Nhưng con đường đến với chè thật gian nan, vất vả. Trước những năm 1986, khi đất nước ta chưa mở cửa, rất nhiều hàng hoá đang bị “bế quan”. Chè bị liệt vào thứ hàng hoá cấm, người buôn chè như ông cũng vậy. Nếu chẳng may bị bắt, tội cũng ghê gớm không kém phần như tội buôn chất kích thích bây giờ. Nên theo nghiệp trà như đánh bạc với số phận, bao nhiêu lần sạt nghiệp, bao nhiêu lần bị liệt vào danh sách đen của chính quyền, thân bại danh liệt nhưng ông vẫn đeo đuổi một cách đam mê. Và khi chính sách mở cửa của Nhà nước được thực hiện thì cơ hội của ông đã đến. Việc làm ăn của ông bắt đầu phất lên trông thấy, cơ hội đi và nghiên cứu của ông cũng nhiều hơn.

 Nghệ nhân trà Trường Xuân hết lòng với trà đạo Việt Nam.

Ông cung cấp cho chúng tôi một thông tin thú vị: Festival đã thành công bất ngờ tại Huế. Đề tài mà ông diễn thuyết tại Cung đình Huế chính là vấn đề thưởng thức trà của hai vị vua Gia Long và Minh Mạng. Hai vị vua, mỗi vị có những nghệ thuật thưởng trà khác nhau nhưng đều có một ý tưởng là gìn giữ nét văn hóa trà của dân tộc. Ví như một vị thích pha trà bằng nước mưa. Ấm dùng để phà trà được lấy từ Bát Tràng ngoài xứ Bắc. Nhưng một vị lại thích dùng đồ sành sứ Tàu, lấy nước pha trà từ đầu nguồn hoặc nước giữa dòng các con sông không có người sinh hoạt. Ông còn kể, hai vị vua nhà Nguyễn trên có một thói quen khác với các bậc vua chúa khác là thích trà hơn thích rượu. Thói quen thưởng trà ở các vị vua nói trên không chỉ mang đậm nét cái tôi cá nhân, xét về góc độ sâu xa, nó còn ảnh hưởng đến cách trị quốc và khoa cử trong thời kỳ phong kiến. Được biết, đến thời điểm này, ông Trường và cậu con trai Hoàng Anh Sướng đang lăn lóc viết tập sách “Trà đạo và văn hoá uống trà”, nghiên cứu về trà, sách gồm 5 chương, dày hơn 500 trang, chuyên sâu về văn hoá uống trà. Tập sách mang tính kinh điển về văn hoá trà Á Đông đầu tiên này đang được giới khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt là ngành chè Việt Nam chờ đợi như một công trình vĩ mô về chè. Nhưng vì chưa khảo sát xong một số vùng chè trong nước nên thời gian qua, ông đang cất công đi nốt những vùng đồi núi, tìm những loại chè chưa có tên trong sách khoa học để đưa vào.

Theo ông, nét văn hoá uống trà của người Việt chúng ta có từ rất lâu đời, tuy chưa xác định được mốc thời gian. Nhưng qua những năm khảo sát, ông đã tìm thấy ở vùng Suối Giàng một gốc chè 3 người ôm. Hay ông lại cùng đoàn khảo sát của Viện Hàn lâm khoa học Nga vào vùng núi Hoàng Liên Sơn tìm thấy  40.000 cây trà, có chứng tích từ 156 - 158 năm tuổi. Ông cũng đã thống nhất với các nhà khoa học Nga rằng: giống trà ở Việt Nam có từ trước Công nguyên, vốn là loài cây hoang dại, có từ rất lâu đời. Sau khi đoàn khảo sát của Nga về nước, ông Rubothe đã gửi những thông tin quý báu trong cuốn “Cây trà Việt Nam dân chủ cộng hoà” do Nhà xuất bản Matxcơva ấn hành sang cho ông Trường rằng: “Kính gửi ông Trường, Việt Nam chính là cái nôi của giống trà Đông Nam Á. Và có thể là cái nôi trà sớm nhất thế giới”. Còn cách đây 15 năm, ông lại cùng Viện Khoa học xã hội lên vùng đất Tổ Hùng Vương nghiên cứu về mảnh thân cây chè lạ còn sót lại từ xa xưa. Và đã xác định được giống chè này có cách đây mười vạn năm, tức là vào thời kỳ đồ đá.

Công trình nghiên cứu của ông đã chứng minh một yếu tố rằng, trà đạo nói chung rất có ảnh hưởng đến chính trị qua mọi thời đại. Một chương gây thích thú nhất là khi nói về cách uống trà của những ông vua thời kỳ phong kiến Trung Hoa. Đó là nghệ thuật trà Trung Quốc có ghi: “Vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, vào thời kỳ nhà Đường, Vua Tuỳ hoang dâm vô độ, Lý Thế Dân dấy nghĩa và dựng nên đại nghiệp nhà Đường. Chính ông vua này chú trọng đến văn hoá đạo trà, bản thân ông rút ra rất nhiều triết lý giáo dân từ hương trà chứ không chìm vào đam mê tửu sắc như một số bạo chúa. Về sau, trà được coi như một chất kích thích cho các tao nhân, kẻ sĩ vui thú nên nó có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị”. Còn ở Việt Nam, ông Trường lại đưa ra một luận điểm, “Vì là con người, phong tục Việt Nam, bắt nguồn từ thiên nhiên nên đạo trà cũng vậy, nó là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, mang tính lý và tình dung hoà nhau một cách hoàn hảo”. Vậy nên để có chén trà ngon đòi hỏi phải qua rất nhiều công đoạn. Ví như việc hái chè cũng được ông viết: “Người con gái hái chè không bị nhàu nát, pha chè không bị ôi, nó thể hiện tứ đức công dung ngôn hạnh của người con gái…” hay ngay cách pha chè trong vùng cũng khác nhau, Đông pha khác với Tây pha… Nói chung, những nguồn tư liệu mà ông có mang tính bác học rất cao. Hiệp hội Chè Việt Nam đang đợi cuốn sách của ông ra đời. Vì lâu nay, bản thân ngành chè Việt Nam cũng đang gặp khó. Một minh chứng cho thấy, các vùng chè đang bị co lại. Giống chè thoái hoá, năng suất, chất lượng không ổn định. Điều này đã được ông Trường minh chứng: “Do cơ chế thị trường, đòi hỏi giá trị thặng dư nên ngành chè tạo ra mọi áp lực lên cây chè. Chất đất bị thoái hoá do dùng nhiều hoá chất, bắt chè chín ép, chín non. Ngay khâu hái chè cũng chưa khoa học, đây là một điều đánh mất đi hương vị thật của chè chúng ta…”. Nên trong con người cả một đời lận đận ấy, giống chè Việt từ chè Mạn, chè Ray, chè Bảng, chè Mộc… và những điều mà ông chưa làm được đã trở thành điều ám ảnh.

Lời thề cha, con

Có một chuyện cảm động mà bây giờ ông mới kể, và hẳn bạn bè ông Đỗ Xuân Trường vẫn chưa quên cái buổi tối ấy - ngày 14 tháng 7 năm 2000 - sinh nhật lần thứ 70 của ông. Tối đó, tại nhà riêng của ông, có 7 ông bạn cùng tuổi 70 đến dự sinh nhật, tưởng là niềm vui và lời vui tràn trề. Nào ngờ, ông Trường đứng lên tuyên bố ngày vui bằng một chất giọng trầm lắng rưng rưng: “Tôi tiếc quá, ngần ấy năm nghiên cứu chè, đổ biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, máu nhưng…”.

Tất cả các quan khách ở cái tuổi xưa nay hiếm ấy đều xúc động đến không nói thành lời. Anh Sướng, con trai ông bỗng dưng quyết liệt: “Thưa cha! Nếu thế hệ này không khôi phục được trà đạo và đạo trà thì thế hệ sau con cháu sẽ làm! Phải làm!”.

Tất cả các ông đều tán thành. Khi anh con trai đưa ra lời thề thì ông Trường đã khóc. Các bạn ông vốn xưa nay theo nghiệp đúc đồng, không hiểu gì về nghệ trà cũng phải động lòng trước hoàn cảnh của cha con ông Trường. Chả là những ngày đó, nghiệp trà của ông đã mất tất cả, tay trắng lại hoàn trắng tay. Ông Trường tưởng rằng sau những mất mát sẽ không bao giờ trở lại với nghiệp trà đạo mà mình đã mất cả một đời tìm tòi nghiên cứu và truyền bá. Sau buổi đó, nhuệ khí của lớp con cháu quyết tâm bảo vệ nghề trà gia truyền (7 đời nhà ông Trường làm trà) đã làm ông như bừng tỉnh khỏi sự bế tắc lâu nay. Ông lại cùng con cháu tìm địa điểm mở lại phòng trà và thành công cho đến ngày hôm nay khi mà thương hiệu trà Trường Xuân đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.

***

Bây giờ, mỗi lần có dịp ghé qua Quán trà đạo số 13 - Ngô Tất Tố, mùi trà sen tỏa ra ngào ngạt, bùi ngùi… Nơi tiên trà Trường Xuân đã từng hàn huyên chuyện đời với cố nhân như GS. Trần Quốc Vượng, cụ Hoàng Tùng, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà văn Tô Hoài và nhiều khách nước ngoài - nơi ấy đang trở thành điểm lý thú với nhiều người dân Hà Nội, nhất là lớp trẻ. Họ đến đây không chỉ uống trà mà còn nghe đạo trà là thế nào. Bây giờ, ông Trường nói lời vui: “Trà đạo Việt Nam đang chiếm được lòng hâm mộ của giới trẻ, đây là lớp tuổi khó tính nhất đối với trà. Nhưng đến nay, có nhiều nhóm thanh niên đến đây uống trà dưới không gian giản dị. Cũng nhiều con cháu tổ chức sinh nhật cho ông bà, cha mẹ tại đây. Tôi thấy đây là một xu hướng đáng mừng của trà đạo”.   

Tú Nam


Ý kiến của bạn