PV: Thưa ông, xu hướng không dùng tiền mặt trong thanh toán là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Tại sao ở thời điểm này, ngành y tế đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện ở đô thị?
PGS – TS Trần Qúy Tường: Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet đã tạo tiền đề cho thương mại điện tử phát triển. Với tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm qua, Internet đã trở thành phương tiện phổ biến cho truyền thông, dịch vụ và thương mại. Internet và thương mại điện tử đã làm thay đổi phương thức mua hàng truyền thống của người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ không còn bị giới hạn về thời gian và địa điểm mà họ có thể mua các sản phẩm và dịch vụ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào.
PGS - TS Trần Qúy Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế
Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán và một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng. Trong đó, hiện nay dịch vụ thanh toán điện tử là phổ biến trên thế giới và ở nước ta. Thanh toán điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chi trả các hoạt động giao dịch mua bán mà không dùng tiền mặt thông qua các hình thức như chuyển khoản, thẻ tín dụng, thẻ nội địa, ví điện tử, ứng dụng di động (mobile banking), … đã được chứng thực và được sự bảo đảm của các ngân hàng.
Hiện nay, việc thanh toán viện phí tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Mộ số bệnh viện cũng đã áp dụng triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, giải pháp thanh toán còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Chúng tôi đã trực tiếp quan sát và nhận thấy quy trình khám bệnh, chữa bệnh và thu lệ phí, viện phí đang áp dụng hiện nay gồm 6 bước. Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền viện phí, tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng….khoảng 30 phút. Đó là thời gian trung bình. Còn những hôm đông bệnh nhân, có lẽ thời gian sẽ kéo dài hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS – TS Nguyễn Thị Kim Tiến là người rất tâm huyết ứng dụng CNTT trong quản lý y tế. Việc tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt là một sự quan tâm rất lớn nhằm giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, tránh việc mang theo quá nhiều tiền trong người khi đến cơ sở y tế và về phía nhân viên y tế sẽ không phải lo đếm tiền, lo tiền giả…đó là những hiệu quả không đo đếm được!
PV: Thưa ông, lộ trình của việc áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trên toàn quốc sẽ ra sao?
PGS – TS Trần Qúy Tường: Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phải triển khai các giải pháp thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trước tháng 12/2019, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, máy POS.
Ngành y tế hiện nay có khoảng hơn 30 bệnh viện đã triển khai các giải pháp, các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, và đạt được những kết quả hết sức tích cực. Trong đó, bệnh viện trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong và triển khai hiệu quả thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Tại bệnh viện, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR (Quick Response) trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện và ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí hay đến bệnh viện khám bệnh phải mang theo tiền mặt.
Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán viện phí từ xa. Đến nay, số bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán viện phí của bệnh viện.
Việt Nam hiện nay có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động Mobile Banking và 31 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Gần 14.000 cơ sở y tế đều có sử dụng tài khoản ngân hàng. Có nhiều và đa dạng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: thẻ sử dụng POS, ATM hoặc cài thẻ vào điện thoại để thanh toán; dùng điện thoại sử dụng ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử hoặc quét mã QR để thanh toán.
Người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, ứng dụng mobile để thanh toán. Chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi. Các bệnh viện chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, lợi ích cũng như các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nên tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt hiện còn thấp; Việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn;
Phí thanh toán các giao dịch điện tử không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí. Các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử, … chưa kết nối liên thông với nhau, nên chưa tạo điều kiện dễ dàng thanh toán viện phí giữa các phương thức thanh toán của các đơn vị khác nhau khi cùng cung cấp dịch vụ thanh toán trong cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trước những khó khăn tôi kể trên, việc đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ưu tiên tại các đô thị theo đúng quy định của Chính phủ là hợp lý, từng bước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các vùng sâu, vùng xa.
PV: Việc thanh toán không dùng tiền mặt ưu điểm là không thể bàn nhưng điều tôi lo lắng là việc áp dụng đồng loạt tại các bệnh viện có tránh khỏi việc bỡ ngỡ ban đầu cho người dân không? Bởi chắc chắn nhiều người chưa thành thạo trong việc thanh toán không dùng tiền mặt.
PGS – TS Trần Qúy Tường: Trước khi triển khai thực hiện các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong việc thu các phí khám, thanh toán viện phí thì bệnh viện phải xây dựng kế hoạch để xác định các công việc cần triển khai, thời gian dự kiến triển khai, nguồn lực triển khai, xem xét các yếu tố tác động (tích cực, tiêu cực) đến hoạt động của bệnh viện để có kế hoạch và phương án chuẩn bị. Quán triệt các văn bản của Chính phủ về việc triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và các lợi ích đạt được tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị để đảm bảo tính đồng thuận, sẵn sàng khi triển khai thực hiện giải pháp.
Việc triển các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ tác động đến sự thay đổi quy trình nghiệp vụ khám chữa bệnh thông thường của đơn vị. Để đảm bảo sự tác động đó không gây ảnh hưởng, hay xáo trộn không tích cực đến bệnh viện, các cán bộ y tế và người dân đến khám, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xây dựng quy trình nghiệp vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa phòng, bộ phận liên quan trong đơn vị.
Nhằm đảm bảo hiệu quả trong triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đẩy mạnh công tác truyền thông về thanh toán toán viện phí không dùn tiền mặt tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trên các phương tiện truyền thông tại bệnh viện như: xây dựng các tài liệu hướng dẫn thanh toán viện phí tại Bệnh viện, phát các tờ rơi hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện, đăng tải tài liệu lên Webiste bệnh viện, ..
Bên cạnh đó, bệnh viện cần phải bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón và hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán viện phí không dùng tiền mặt một cách thuận tiện, dễ dàng.
PV: Điều ông muốn nhắn nhủ đến bệnh viện và người dân khi ngành y tế triển khai việc thanh toán điện tử không dùng tiền mặt?
PGS – TS Trần Qúy Tường: Đối với cơ sở y tế, để đảm việc triển khai hiệu quả, đơn vị phải tìm hiểu và lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp đảm bảo đủ năng lực, có chứng nhận và sự cấp phép của Ngân hàng nhà nước.
Thực hiện lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp triển khai phải phù hợp với đặc điểm, quy mô, nhu cầu của bệnh viện. Có phương án triển hiệu quả, hợp lý và dễ dàng thực hiện, thỏa mãn các yêu cầu thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt của người dân. Không lựa chọn đơn vị chỉ cung cấp duy nhất một giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và yêu cầu bắt buộc người dân phải sử dụng.
Lựa chọn các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán có các điều kiện đảm bảo về an toàn, có cam kết về bảo mật thông tin thanh toán, thông tin bệnh nhân, thông tin người đến khám. Do việc triển khai các giải pháp thanh toán điện tử có tác động, tích hợp, kết nối với hệ thống công nghệ thông tin tại bệnh viện, do đó khi triển khai phải đánh giá các điều kiện đảm bảo về hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu triển khai.
Cụ thể như: đảm bảo điều kiện về phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện HIS, máy móc, trang thiết bị công nghệ thông tin,hạ tầng mạng nội bộ, đường truyền kết nối Internet, an toàn thông tin, nhân sự tham gia triển khai, nguồn lực tài chính triển khai…
Đối với người dân, tôi rất mong nhận được sự ủng hộ từ nhân dân về thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Đây là bước tiến bộ, hiện đại và người dân chắc chắn được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất. Không phải chờ đợi xếp hàng, rút ngắn thời gian thanh toán viện phí, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần; Không phải mang tiền mặt, giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị; Người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán.
PV: Trân trọng cảm ơn ông