Tiến tới loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam

05-05-2014 13:00 | Thời sự

SKĐS - Sởi là một bệnh có khả năng lây nhiễm cao, do tiếp xúc với người bệnh qua ho và hắt hơi. Khi một người mắc sởi, 90% người tiếp xúc mật thiết sẽ bị lây bệnh sởi

Sởi là một bệnh có khả năng lây nhiễm cao, do tiếp xúc với người bệnh qua ho và hắt hơi. Khi một người mắc sởi, 90% người tiếp xúc mật thiết sẽ bị lây bệnh sởi nếu họ chưa có miễn dịch thu được qua mắc bệnh sởi hay đã được tiêm vắc-xin sởi trước đó. Triệu chứng chính của sởi là sốt cao, nổi ban đỏ và ho. Virut sởi đã làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể và dẫn đến các nhiễm trùng thứ phát như viêm phổi mù lòa, tiêu chảy và viêm não. Khoảng hơn 30% các ca mắc sởi có một hay nhiều biến chứng. Các biến chứng phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 20 tuổi.

Kiểm tra vô trùng là thao tác quan trọng, bắt buộc sau khi kết thúc mỗi quy trình sản xuất. Ảnh: Việt Cường

Một vắc-xin an toàn và hiệu quả

Vắc-xin sởi là một vắc-xin hiệu quả và rẻ tiền trong dự phòng bệnh sởi, giá thành chỉ 6 nghìn đồng một liều vắc-xin. Vắc-xin sởi đã được một nhà virut học tên là John F. Enders - người đã đạt giải thưởng Nobel phát triển và được cấp phép sử dụng trên thế giới năm 1963 và được cải tiến năm 1968. Ở nhiều nước, vắc-xin sởi được sử dụng phối hợp với vắc-xin rubella thành vắc-xin kết hợp sởi - rubella, hay vắc-xin sởi - rubella - quai bị. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc-xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc-xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ em phải được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi. Trên thế giới tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi tăng từ 72% năm 2001 lên 84% năm 2011. Tỷ lệ các nước báo cáo tỷ lệ tiêm chủng trên 90% tăng từ 43% năm 2000 lên 63% năm 2011. 74% các nước báo cáo đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 80% ở qui mô huyện. Vắc-xin sởi là một vắc-xin an toàn, hiệu quả và khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cao, sẽ làm ngăn chặn sự lưu hành của virut sởi và tỷ lệ rất cao trên 95% trong nhiều năm liên tục sẽ dẫn đến loại trừ bệnh sởi. Ví dụ, để loại trừ bệnh sởi, nước Mỹ đã tập trung các cố gắng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em trước tuổi đi học và đi học. Các nước Nam và Trung Mỹ đã tiến hành nhiều chiến dịch tiêm chủng cho tất cả trẻ em từ 9 tháng đến 15 tuổi để ngăn chặn nhanh sự lây truyền của virut sởi. Tiếp cận tiêm chủng vắc-xin sởi là một chỉ tiêu để đạt mục tiêu của thiên niên kỷ thứ 4 là làm giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2015 so với năm 1990. Mục tiêu này chỉ đạt được khi có sự cam kết chính trị từ các nhà lãnh đạo các cấp trong việc tập trung ưu tiên vào chăm sức sức khỏe trẻ em và đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cao. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nước.

Các lô vắc-xin thành phẩm.

Lợi ích rõ rệt của tiêm vắc-xin sởi

Trong thời gian vừa qua, nhờ triển khai tiêm vắc-xin sởi, tỷ lệ tử vong do bệnh sởi trên thế giới giảm 78% năm 2012 so với năm 2000, từ 562.000 xuống còn 122.000 năm 2012, góp phần đạt mục tiêu của thiên niên kỷ. Không có một can thiệp về y tế có kết quả nào góp phần làm giảm tử vong như vắc-xin sởi trong một khoảng thời gian ngắn. Hầu hết các nước trên thế giới cam kết loại trừ bệnh sởi, cam kết thực hiện mục tiêu giảm 95% tỷ lệ tử vong của bệnh sởi vào năm 2015 so với năm 2000. Các nước châu Mỹ đã loại trừ bệnh sởi từ năm 2002. Các châu lục khác đều cam kết loại trừ sởi trước năm 2020, trong đó mục tiêu của Khu vực châu Á Tây Thái Bình Dương là loại trừ sởi vào năm 2017. Chiến lược loại trừ bệnh sởi đã được trình bày rõ trong Kế hoạch hành động tiêm chủng vắc-xin toàn cầu 2012-2020 đã được các nước thành viên của Đại hội đồng Y tế thế giới thông qua năm 2012, bao gồm các chiến lược sau: Đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao với 2 mũi vắc-xin sởi thông qua tiêm chủng thường xuyên theo lịch và tiêm chủng chiến dịch cho tất cả trẻ em, đặc biệt không bỏ sót trẻ em ở các vùng nghèo, di biến động ở vùng núi, vùng nông thôn và thành phố; giám sát chặt chẽ bệnh sởi, phát hiện sớm nguồn bệnh và theo dõi đánh giá tiến bộ của Chương trình loại trừ sởi thông qua Ủy ban Quốc gia xác nhận loại trừ sởi; xây dựng và duy trì các kế hoạch ứng phó nhanh với dịch bùng phát tại chỗ hay xâm nhập từ nơi khác đến, ngăn chặn lây truyền và tái thiết lập sự lây truyền dịch sởi; truyền thông và xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu về tiêm chủng của cộng đồng; tiến hành các nghiên cứu nhằm phát triển các hoạt động có hiệu quả cao, nâng cao chất lượng tiêm chủng và cải thiện các công cụ chẩn đoán.

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển

(Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng)


Ý kiến của bạn