Tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch HIV tại Việt Nam: Cần nhân rộng dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm- PrEP

04-06-2018 06:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Triển khai thí điểm tại nước ta từ tháng 3/2017, dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV-PrEP đã thu được những kết quả khá khả quan. Và mới đây, PrEP được phép triển khai trên toàn quốc.

Dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm PrEP

Ở nước ta, đặc điểm dịch tễ HIV có những thay đổi. Trong khi tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy và phụ nữ mại dâm giảm mạnh thì tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và chuyển giới nữ (TGW) vẫn duy trì ở mức cao, đang gia tăng ở các khu vực đô thị và tỉ lệ các hành vi tình dục không an toàn khá cao trong nhóm này. Trong bối cảnh hiện chưa có vắc-xin để phòng ngừa, phương pháp phòng ngừa bằng thuốc ARV được coi là giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV (dự phòng trước phơi nhiễm HIV - PrEP có hiệu quả).

PrEP là viên kết hợp hai loại thuốc kháng virut, nếu dùng hằng ngày theo kê đơn, có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92- 99% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. PrEP là một phương án dự phòng và thế giới y học đã khuyến cáo và nhiều quốc gia đã thực hiện từ nhiều năm nay. Phương pháp này tuy không thay thế được vắc-xin phòng HIV nhưng là một cách đơn giản nhất giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo PrEP nên được cung cấp bổ sung cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao trong gói dự phòng HIV kết hợp.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương (Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS-Bộ Y tế) cho hay, nhận thức rõ hiệu quả trong dự phòng HIV của PrEP và lợi ích dài hạn của sử dụng ARV để dự phòng cho người chưa nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế có kế hoạch triển khai thí điểm cung cấp PrEP cho MSM và TGW trong gói dự phòng HIV kết hợp bao gồm: tư vấn, xét nghiệm HIV thường xuyên, theo dõi lâm sàng và khuyến khích sử dụng bao cao su và chất bôi trơn.

Thí điểm này nhằm đưa ra các bằng chứng và cung cấp thông tin về tính khả thi của việc triển khai PrEP tại Việt Nam. Từ đó giúp Bộ Y tế đưa ra những quyết định và hướng dẫn đối với can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao nhằm tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch HIV tại Việt Nam.

Những kết quả bất ngờ

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, thí điểm sử dụng dịch vụ này đã được thực hiện ở cả cơ sở y tế tư nhân và cơ sở y tế nhà nước. Từ tháng 3/2017 cho đến nay, đã có hơn 1.000 người đang sử dụng PrEP mà đối tượng là MSM, TGW và cặp bạn tình dị nhiễm. Kết quả ban đầu này cho thấy: Tỷ lệ tuân thủ điều trị PrEP khá cao từ khoảng 94,7- 100% tùy theo nhóm. Cao nhất ở nhóm cặp bạn tình dị nhiễm, thấp hơn ở nhóm MSM và TGW.

Trong số khách hàng sử dụng PrEP trong dự án thí điểm, chỉ có 2 người chuyển đổi huyết thanh ngay trong lần xét nghiệm lại sau tháng đầu tiên sử dụng PrEP. Điều này rất có thể họ đã nhiễm HIV trước khi sử dụng PrEP (tức tham gia dự án thí điểm khi họ ở giai đoạn cửa sổ). Những người khác không bị nhiễm HIV sau nhiều tháng sử dụng PrEP.

Có 78% MSM và 51% TGW báo cáo có thể chi trả 20.000 VND/ngày cho  PrEP. Như vậy PrEP đã được người sử dụng chấp nhận như là một biện pháp dự phòng trong các quần thể nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM. Như vậy với dịch vụ PrEP thu phí (với thuốc giá thấp) có thể đáp ứng khả năng chi trả của đa số MSM, TGW và cặp bạn tình dị nhiễm.

Kênh cung cấp dịch vụ PrEP có hiệu quả là sự hợp tác giữa mạng lưới cộng đồng/CBO và các phòng khám thân thiện với nhóm đích hoặc do nhóm đích làm chủ. Để khách hàng tin tưởng và chấp nhận PrEP thì việc tư vấn kỹ lưỡng, dịch vụ thân thiện kết hợp với sử dụng công cụ hỗ trợ tuân thủ điều trị là chìa khóa cho thành công của triển khai PrEP.

Nhân rộng PrEP tại Việt Nam

Với những giá trị mà PrEP đã đem lại, Bộ Y tế đã quyết định đưa PrEP vào trong Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS và đã được Ban hành theo Quyết định 5418/QĐ-BYT ngày 01/12/2017. Trong đó dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV chính thức là một trong những biện pháp dự phòng HIV ở Việt Nam. Như vậy, PrEP được phép triển khai trên địa bàn toàn quốc.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết thêm, Việt Nam sẽ triển khai PrEP tại 11 tỉnh, TP là: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Đồng Nai, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và Thái Nguyên, với mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt được 5.610 người sử dụng PrEP và đến cuối năm 2020 đạt được 7.300 người. Các tỉnh thành khác, căn cứ vào số quần thể đích để quyết định thời điểm triển khai PrEP cho phù hợp, vì PrEP hướng tới nhóm khách hàng là MSM, TGW và cặp bạn tình dị nhiễm.

Lời khuyên cho khách hàng quan tâm tới PrEP

Theo PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, việc quan trọng nhất để tránh lây nhiễm HIV cần thực hiện các biện pháp an toàn trong tiêm chích và quan hệ tình dục. PrEP không phải là thần dược mà chỉ là một trong các can thiệp quan trọng cùng với các can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm với HIV như bao cao su. PrEP không phải là thuốc điều trị lâu dài hay suốt đời, chỉ cần sử dụng trước khi có những hành vi nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV. Ngoài ra, PrEP chỉ có tác dụng dự phòng lây truyền HIV, không ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục khác nên việc sử dụng bao cao su vẫn là cần thiết để tránh sự lây nhiễm các bệnh lây qua quan hệ tình dục và tránh mang thai.


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn