Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay trên toàn cầu đã tiếp nhận được hơn 108 triệu đơn vị máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị. Tuy nhiên, lượng máu đó vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia vẫn còn tình trạng thiếu máu trong điều trị, lượng máu tiếp nhận còn phụ thuộc vào người nhà bệnh nhân và người cho máu lấy tiền.
Hiện nay, nguồn máu tiếp nhận phục vụ công tác điều trị chủ yếu từ 3 nguồn chính, đó là: từ người hiến máu tình nguyện, người nhà cho máu và người hiến máu có nhận tiền. Trên thế giới vẫn còn khoảng 70 quốc gia có tới 50% lượng máu tiếp nhận được phụ thuộc vào người nhà bệnh nhân và người hiến máu có nhận tiền. Đây là một trong những điều đáng lo ngại về việc đảm bảo an toàn truyền máu.
Theo khuyến cáo của WHO, mỗi quốc gia cần đảm bảo tiếp nhận được số lượng máu tương đương khoảng 1 – 3% dân số của quốc gia đó thì mới đủ đáp ứng cho nhu cầu cấp cứu, điều trị và dự phòng. Đồng thời, để đảm bảo an toàn truyền máu, WHO cũng khuyến cáo các quốc gia cần vận động những người hiến máu tình nguyện không nhận tiền bồi dưỡng và thường xuyên hiến máu nhắc lại. Đây là đối tượng ít nguy cơ nhiễm bệnh, luôn là nguồn cung cấp máu an toàn nhất, đảm bảo phòng ngừa lây truyền bệnh qua truyền máu.
Trên thế giới, hiện có 62 quốc gia đạt 100% lượng máu tiếp nhận được từ người hiến máu tình nguyện, tại các nước Châu Á – Thái Bình Dương có thể kể đến như: Ôxtrâylia, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Maldives, New Zealand… Năm 2012, thế giới tiếp nhận được hơn 108 triệu đơn vị máu, nhưng hơn 50% đơn vị máu tiếp nhận được từ các nước phát triển; 65% lượng máu được sử dụng lại dành cho bệnh nhân dưới 5 tuổi tại các nước kém phát triển.
Năm 2014, Việt Nam tiếp nhận được hơn 1 triệu đơn vị máu, trong đó, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 96%. Đây thực sự là một trong những dấu hiệu đáng mừng cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn máu an toàn, đồng thời, tỷ lệ hiến máu tình nguyện tăng cao cũng cho thấy ý thức, nhận thức của người dân trong việc hiến máu đang phát triển theo chiều hướng tích cực.
BSCKII. Phạm Tuấn Dương - Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: "Tuyên truyền, vận động để người hiến máu tự sàng lọc sẽ giúp các cơ sở y tế tuyển chọn được người tham gia hiến máu an toàn, không có hành vi, nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường truyền máu. Họ sẽ là lực lượng hiến máu nhắc lại thường xuyên, đảm bảo nguồn máu tốt cho điều trị. Nước ta đang hạn chế, tiến tới chấm dứt việc tiếp nhận máu từ người nhà và người cho máu lấy tiền. Tiến tới năm 2020 đạt mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện”.
Hướng tới mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người tình nguyện, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện, an toàn thông qua việc tổ chức được các chương trình truyền thông hiến máu hiệu quả ở hầu hết các địa phương như: triển khai việc tiếp nhận máu tập trung, tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông lớn về hiến máu tình nguyện quy mô toàn quốc và tại các tỉnh/thành phố như: Lễ hội Xuân hồng, chương trình Hành trình đỏ, Chủ Nhật đỏ,… Xây dựng và phát triển được đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên tham gia vào công tác vận động, tuyển chọn và tổ chức điểm hiến máu với trên 1.000 CLB, đội, nhóm, khoảng trên 20.000 thành viên hoạt động thường xuyên trên khắp cả nước; các tổ chức của người hiến máu như: CLB nhóm máu hiếm (Rh âm), CLB hiến máu dự bị (ngân hàng máu sống), các CLB theo nhóm máu. Từ năm 2007 đến nay, Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đều tổ chức chương trình tôn vinh người hiến máu cấp quốc gia, mỗi năm lựa chọn 100 người hiến máu tiêu biểu tham gia cũng là một trong những cách thức để duy trì nguồn người hiến máu tình nguyện, an toàn.
Với những nỗ lực áp dụng, cải tiến mới trong khoa học, xét nghiệm sàng lọc của ngành y tế, ngành truyền máu, cộng đồng,.. Chúng ta tin tưởng rằng, công tác đảm bảo an toàn truyền máu ngày càng được quan tâm, thực hiện tốt hơn. Để mỗi đơn vị máu trước khi đến với người bệnh phải thực sự là đơn vị máu an toàn, chất lượng giúp người bệnh an tâm điều trị.
Từ ngày 9/11 – 10/11/2015, Hội thảo về xây dựng và duy trì nguồn người hiến máu tình nguyện an toàn khu vực Châu Á lần thứ hai sẽ khai mạc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Chương trình có sự tham gia của các nước Châu Á như: Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Philipines…với nhiều chuyên đề, báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng và duy trì nguồn người hiến máu.
Mai Ly