Tiến sĩ Victoria Garfield, Đại học College London, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: Đây là một nghiên cứu quan sát, nó không chứng minh lượng đường trong máu cao hơn gây ra tình trạng sức khỏe não bộ xấu đi nhưng có mối liên hệ tiềm ẩn cần được nghiên cứu.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm của Garfield đã phân tích dữ liệu của Ngân hàng Biobank của Vương quốc Anh trên nửa triệu người, độ tuổi trung bình là 58. So với những người có mức đường huyết (glucose) bình thường, những người bị tiền tiểu đường có nguy cơ suy giảm tinh thần cao hơn 42% so với mức trung bình trong 4 năm, và có khả năng mắc chứng sa sút trí tuệ mạch máu cao hơn 54% (một loại sa sút trí tuệ phổ biến do giảm lưu lượng máu đến não), trong thời gian trung bình là 8 năm. Mối liên quan giữa tiền tiểu đường và suy giảm tâm thần (nhận thức) / sa sút trí tuệ mạch máu vẫn còn ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu tính đến các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khác, bao gồm tuổi tác, hút thuốc, cân nặng, mức độ bệnh tim và nghèo đói...
Theo các nhà khoa học, những phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên vì các bác sĩ từ lâu đã biết rằng bệnh tiểu đường toàn phát làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Theo TS Minisha Sood, Bệnh viện Lenox Hill ở Thành phố New York cho biết: Nguy cơ suy giảm nhận thức liên quan đến mức đường huyết tăng cao xảy ra phổ biến. Vì vậy, ngay cả trong giai đoạn tiền tiểu đường, tổn thương não cũng có thể đang diễn ra. Những người ở trong tình trạng tiền tiểu đường nên được bác sĩ cảnh báo về những nguy hiểm này.
Các nhà khoa học Anh cũng đã xem xét những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và nhận thấy họ có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ mạch máu cao hơn gấp 3 lần và cũng có khả năng mắc bệnh Alzheimer cao hơn những người có lượng đường trong máu bình thường.
TS. Garfield cho biết, nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa kết quả nhận thức kém hơn và bệnh tiểu đường, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên điều tra việc lượng đường trong máu cao - nhưng chưa tạo thành bệnh tiểu đường - có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, việc kiểm soát lượng đường trong máu quá chặt chẽ đến mức gây hạ đường huyết (mức đường huyết giảm nguy hiểm) ở bệnh nhân, cũng có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. Vì vậy, cần ngăn ngừa tiền tiểu đường và tiểu đường cũng như kiểm soát mức đường huyết đối với những người đã được chẩn đoán để không gây hạ đường huyết. Điều này cũng giúp ngăn chặn sự phát triển của suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ mạch máu.
Đối với cộng đồng, cần tuân chế độ ăn kiêng lành mạnh, tập thể dục thường xuyên... để ngăn ngừa tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường…