Tiến thoái lưỡng nan

27-03-2012 2:05 PM | Văn hóa – Giải trí

Gần đây nhất, theo kế hoạch đã được phê duyệt trong năm 2012 về việc trùng tu, bảo tồn di sản nhà cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, có10 ngôi nhà cổ với tuổi đời từ 300 năm tuổi trở lên sẽ được trùng tu.

Gần đây nhất, theo kế hoạch đã được phê duyệt trong năm 2012 về việc trùng tu, bảo tồn di sản nhà cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, có10 ngôi nhà cổ với tuổi đời từ 300 năm tuổi trở lên sẽ được trùng tu. Kinh phí cho dự án này vào khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng vấn đề lại nằm ở việc trùng tu như thế nào, hiện vẫn còn nhiều lúng túng và bất cập.

Với ý tưởng biến ngôi làng cổ Đường Lâm thành một khu “bảo tàng sống” vừa giữ được nét cổ kính vốn có của nó, vừa là một địa chỉ du lịch văn hóa thu hút được càng nhiều khách thập phương càng tốt đã đặt ra cho việc trùng tu gặp không ít khó khăn.
 Một căn nhà cổ ở làng Đường Lâm cần được bảo tồn.

Trùng tu, bảo tồn như thế nào? 

Theo ý kiến của các chuyên gia thì việc bảo tồn cần phải phục hồi gần như nguyên vẹn các chi tiết cổ, cái đã tạo phong cách riêng và sức sống trường tồn của nhà cổ Đường Lâm. Chẳng hạn như cần phải giữ cho được các bức tường đá ong, cổng ra vào các ngôi nhà bằng đá ong; lối đi trong làng lát nghiêng bằng gạch cổ của riêng vùng này; nhà phải được làm bằng cột, kèo, xà gỗ; bậu cửa cao và trong mỗi ngôi nhà phải có gian thờ tổ tiên.

Nhưng có lẽ quan trọng hơn đối với việc trùng tu di sản là làm sao giữ được sự gần gũi thân quen của từng ngôi nhà với chủ nhân của chính ngôi nhà ấy. Nếu như sau khi trùng tu mà chủ nhân cảm thấy xa lạ với những gì mình đã từng trải nghiệm qua nhiều thế hệ cha ông trước đây thì coi như việc trùng tu, bảo tồn di sản hoàn toàn thất bại.

Thế nhưng chính những người dân sống trong ngôi nhà ấy cũng không biết “cân đo, đong đếm” những gì cần phải bảo tồn. Riêng sự cảm nhận từ thẳm sâu trong đời sống tinh thần với những mã văn hóa độc đáo riêng biệt hiện còn trầm tích trong tâm hồn họ là cái dường như bất biến. Có lẽ đấy mới là cái cần phải bảo tồn, chứ không phải những vật liệu cần cho việc cải thiện một cách tốt hơn có thể đối với sự xuống cấp của ngôi nhà do thời gian và con người, dù có gồng mình lên cũng không thể nào chống chọi lại được.

Đây dường như là bài toán quá khó đối với tất thảy người Việt Nam chúng ta vì từ nhà kiến trúc, nhà xây dựng, nhà bảo tồn... cũng chưa bao giờ tìm được lời giải thỏa đáng.

Khi cuộc sống người dân làng cổ chưa được quan tâm đúng mức

Từ năm 2005, làng cổ Đường Lâm được Nhà nước cấp bằng Di tích quốc gia. 6 năm sau (2011), chính quyền địa phương chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận ngôi làng này là Di sản văn hóa thế giới.

Có lẽ câu chuyện bắt đầu từ đây. Chính quyền sở tại thì muốn ngôi làng cổ Đường Lâm là Di sản văn hóa thế giới. Còn những người dân sống trong ngôi làng này lại một mực khăng khăng đòi trả lại danh hiệu Di tích cấp quốc gia. Chuyện có vẻ lạ, nhưng lại là một sự thật “đau lòng” trong khi nhiều nơi ở nước ta cũng như trên thế giới mong có được danh hiệu ấy không hề đơn giản chút nào.

Trong làng cổ Đường Lâm, nhiều gia đình còn có “tam đại, tứ đại đồng đường”. Dân số của Đường Lâm cũng vì thế tăng lên nên nhu cầu nhà ở tăng. Nhưng mảnh đất mà họ được quyền sử dụng lại nằm trong vùng qui hoạch “bảo tồn” nên việc xây dựng nhà phải thực hiện theo đúng luật định để không phá vỡ qui hoạch cảnh quan của làng cổ đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia.

 Nét cổ được lưu giữ trong các căn nhà tại làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.

Để giải bài toán tăng dân số ở Đường Lâm, chính quyền sở tại đã  lên một kế hoạch giãn dân. Dự kiến trong năm 2012 này, sẽ có khoảng 30 hộ di dời đến nơi ở mới. Từ năm 2010, chính quyền và Ban quản lý dự án làng cổ Đường Lâm đã dành khoảng 8ha đất, đủ để tái định cư cho hơn 6.000 hộ dân đang sống trong khu vực làng cổ Đường Lâm. Lại một vấn đề mới phát sinh từ đây, khi nhiều hộ dân được cấp đất, nhưng không phải hộ nào cũng có đủ điều kiện về kinh tế để xây nhà và đóng tiền sử dụng đất. Cách giải bài toán kinh tế này của họ là bán đất tái định cư để có tiền cơi nới, sửa chữa chồng thêm tầng chính ngôi nhà mà mình đang ở.

Trên thực tế, cả thôn Mông Phụ chỉ có vài ngôi nhà cổ được hưởng một khoản phụ cấp hằng tháng từ Ban Quản lý di tích. Số ngôi nhà cổ trong làng vào ngày cuối tuần có thể đón hàng trăm lượt khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi lẽ không chỉ có ngôi nhà cổ, mà bản thân chủ nhân đang sống trong ngôi nhà ấy cần phải biết cách truyền thông quảng cáo thì mới thu hút được khách tham quan.

Vài nhà như thế so với hơn 400 hộ dân sống quanh đấy không hề được hưởng lợi gì quả là chẳng thấm vào đâu. Ông Phạm Hùng Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Để làng cổ Đường Lâm được bảo tồn như một thực thể sống động với các giá trị kiến trúc, mỹ thuật, phong tục thì cần tạo điều kiện giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Nếu coi du lịch là hướng phát triển chính thì phải tạo ra các sản phẩm du lịch từ cộng đồng để người dân được hưởng lợi xứng đáng”.           

Quang Lê


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH