Tiền thân của phương tiện kỹ thuật y tế hiện đại

23-07-2013 15:00 | Thông tin dược học

Cũng như nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên khác, trải qua quá trình phát triển và tư duy khám phá của con người, lịch sử y học cũng phát triển từ những điểm khởi đầu của nó.

Cũng như nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên khác, trải qua quá trình phát triển và tư duy khám phá của con người, lịch sử y học cũng phát triển từ những điểm khởi đầu của nó. Hãy cùng điểm lại một số sự kiện dưới đây được xem là những mốc lịch sử “đầu tiên và quan trọng” trong ngành y dược của nhân loại xưa và nay.

Kim truyền dịch

Dịch tả là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất trong lịch sử châu Âu vào đầu thế kỷ 19. Cũng qua đại dịch này đã thúc đẩy con người phát minh ra những phương pháp chữa bệnh mới, nhất là bệnh nhiễm khuẩn như ra đời thuốc kháng sinh. Đầu thế kỷ 19, việc điều trị bệnh dịch tả mới chủ yếu nhằm vào triệu chứng mà nguyên nhân chính là do mất nước. Thực tế, những bệnh nhân bị tử vong là do mất nước nhưng lại không được cung cấp đầy đủ. Người đi tiên phong trong lĩnh vực này là BS. Thomas Latta và BS.W.B O’Shaughnessy đã nghiên cứu tìm ra phương pháp tiêm tĩnh mạch. Ca điều trị đầu tiên cho một phụ nữ nhưng do truyền dồn dập quá nhiều nước một lúc nên đã không đạt được kết quả như mong muốn. Kể từ đây kỹ thuật tiêm tĩnh mạch phát triển và là tiền đề cho phương pháp truyền dịch nhỏ giọt, một thủ thuật đơn giản nhưng cứu được nhiều người do mất nước gây ra.

Tạp chí y học đầu tiên

Tạp chí y học là những công cụ vô cùng quan trọng để thông báo và chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực y học chung của nhân loại. Một trong những tạp chí y học in giấy cổ nhất vẫn còn tồn tại đến ngày nay là tạp chí New England Journal of Medicine của Mỹ, viết tắt là NEJM ra đời năm 1812. Đến nay có hàng triệu ấn phẩm của NEJM được phát hành mỗi năm, rất nhiều trong số này đề cập đến các phát minh quan trọng trong lĩnh vực y học. Trước NEJM, một tạp chí chuyên đề y học của Pháp ra đời năm 1679 và sau 5 năm cũng tại Pháp người ta còn ấn hành một ấn phẩm y học bằng tiếng Anh đầu tiên có tên là Medicina Curisia. Đây là ấn phẩm được phát hành lần đầu ngày 17/6/1684 chuyên cung cấp các hướng dẫn và điều trị chứng đau tai và một câu chuyện nói về cái chết của một người do chuột cắn, đáng tiếc tạp chí này chỉ xuất bản được đúng hai kỳ.

Tiền thân của phương tiện kỹ thuật y tế hiện đại 1
 Trang của tạp chí Y học phát hành năm 1684.

Ca truyền máu gián tiếp đầu tiên

Truyền máu được xem là thủ thuật vô cùng quan trọng cứu được rất nhiều sinh mạng con người. Có thể hiểu đơn giản là việc bơm máu vào cơ thể nạn nhân bởi các bác sĩ chuyên khoa. Lịch sử truyền máu có từ đầu thế kỷ 17 bằng những thử nghiệm truyền máu vào cơ thể động vật nhưng sự cố nan giải là máu tươi chỉ có thể sống trong môi trường tự nhiên vài phút nếu không đưa kịp vào cơ thể động vật sẽ bị đông và phải loại bỏ. Vì vậy, nguồn máu hiến tặng phải được bảo quản đúng cách. Ca truyền máu gián tiếp đầu tiên trên thế giới là máu của bác sĩ người Bỉ, Albert Hustin năm 1914. Anbert Hustin đã lấy máu của chính mình sau đó pha với sodium citrate và glucose đây là những tác nhân chống đông. Vài tháng sau, một bác sĩ người Argetina tên là Luis Agote cũng áp dụng phương pháp này, sau đó thủ thuật Citration (xi-trát hóa) cho phép máu hiến tặng lưu giữ lâu được ra đời. Để cung cấp nguồn máu cho các cơ sở chữa bệnh, ngày nay, mỗi năm trên thế giới có khoảng 92 triệu người hiến máu, nghĩa cử cao đẹp đã cứu sống được hàng triệu người mỗi năm và là hành động rất đáng được tôn vinh và tuyên truyền rộng rãi.

Tiền thân của phương tiện kỹ thuật y tế hiện đại 2
 Truyền dịch cung cấp nước và chất khoáng cho bệnh nhân.

Ca khử rung tim đầu tiên

Khử rung tim (Defibrillaion) hay thiết bị khử rung tim là một trong những thành tựu sáng chói trong lĩnh vực y học, nó có nhiệm vụ giúp trái tim người bệnh hoạt động trở lại sau khi bị sự cố. Nói ngắn gọn hơn, thiết bị này có thể tạo ra điện để khởi động lại nhịp tim. Người đầu tiên trên thế giới sử dụng kỹ thuật khử rung tim là bác sĩ phẫu thuật Claude Beek. Năm 1947, kỹ thuật này được Claude Beek thử nghiệm lần đầu trên chó, có tác dụng sốc tim, đặc biệt là khi tâm thất (VF) bị rung, một dạng bệnh rối loạn nhịp tim bất thường. Sau đó, Beek đã áp dụng kỹ thuật này cho một bệnh nhân 14 tuổi mắc chứng bệnh VF. Kết quả, tim của bệnh nhân này được massage khoảng 14 phút trước khi dùng liệu pháp sốc điện tử tiếp. Cuối cùng tạo được nhịp tim bình thường, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn. Về sau, kỹ thuật nói trên đặc biệt là thiết bị khử rung tim đã được Hollywood đưa lên phim.

Xe cứu thương được trang bị động cơ

Tiền thân của phương tiện kỹ thuật y tế hiện đại 3
 Hình ảnh xe cứu thương đầu thế kỷ 20.

Xe cứu thương là một trong những công cụ khá thông dụng trong y học hiện đại và cũng là thiết bị cứu tinh cho con người trong những trường hợp cấp cứu, tuy nhiên, nhiều người không biết lịch sử ra đời của thiết bị này như thế nào. Chiếc xe cứu thương đầu tiên của nhân loại là xe ngựa kéo, dùng để chở các thương binh, ra đời những năm 60 của thế kỷ 19. Nó có khả năng vận chuyển thương binh từ nơi bị thương đến bệnh viện trong thời gian nửa giờ. Chiếc xe cứu thương cơ khí đầu tiên là chiếc xe xuất hiện tại Chicago năm 1899 do các giới thương gia tài trợ nghiên cứu chế tạo. Sau đó 1 năm tại New York cũng ra đời những chiếc xe cứu thương chạy bằng động cơ có tốc độ nhanh hơn xe ngựa. Tờ Thời báo New York số ra ngày 11/9/1900 mô tả những chiếc xe cứu thương chạy bằng động cơ có tốc độ 25 dặm giờ (40 km). Đến năm 1905, chiếc xe cứu thương 3 bánh chạy bằng dầu có tên Pallister đã được đưa vào sử dụng. 4 năm sau, Công ty James Cunningham, Son & Co chuyên sản xuất xe tang của Mỹ đã bắt đầu sản xuất đại trà loại xe cứu thương dùng động cơ đốt trong 4 kỳ, tiền thân của những loại xe cứu thương hiện đại ngày nay.

          Khắc Hùng

          (Theo Listverse, 5/2013)


Ý kiến của bạn