Duyên nợ nghiên cứu về rắn độc
PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo kể, anh rời ghế nhà trường từ Khoa Sinh, Đại học Tự nhiên năm 2005. Khi đó anh từng rất mơ hồ về con đường làm khoa học. Nhưng may mắn có người anh nghiên cứu ở Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã mở đường và truyền cảm hứng cho anh. Và từ đây, anh đã có cơ hội được gặp những chuyên gia hàng đầu trên thế giới nghiên cứu về bò sát – ếch nhái ở Việt Nam, trong số đó giáo sư Nikolai Orlov là người thầy đầu tiên của anh.
Công việc ban đầu của anh với vai trò trợ lý nghiên cứu cho GS Nikolai Orlov ngoài thực địa để thu thập các dữ liệu. Vốn sinh ra trong gia đình nông dân, vốn quen với đồng ruộng, ếch và rắn kèm với một sự lì, ham tìm hiểu, lại có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu cũng như tiếng Anh, Tạo lên đường và được GS Orlov đánh giá rất cao sau chuyến đi này.
Năm 2011, khi làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kyoto, Nhật Bản, tại các buổi sinh hoạt học thuật, anh được tiếp xúc với một nhóm các nhà nghiên cứu về sinh thái và tiến hoá các loài rắn. "Những công bố của ông rất hay, có một số loài rắn dù không độc nhưng lại tích tụ độc tố từ con mồi của chúng, trong đó có loài phân bố ở Việt Nam". Lúc này, những câu hỏi trong anh cứ trở đi, trở lại và làm thế nào để có thể hỗ trợ và cứu giúp những nạn nhân khi bị rắn độc cắn.
Vậy là sau khi bén duyên với nghiên cứu rắn độc, anh tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu về dịch tễ các loài rắn độc ở Việt Nam và tìm kiếm các cơ hội hợp tác để có thể sản xuất được huyết thanh kháng nọc độc rắn.
"Những nạn nhân khi bị rắn độc cắn cần xác định chính xác loài rắn độc cắn là gì sẽ giúp ích cho công tác cứu chữa. Từ những mẫu vật, hình ảnh và địa điểm ghi nhận mẫu được cung cấp, chúng tôi sẽ kết hợp để giám định chính xác loài dựa trên phân tích các đặc điểm hình thái, đôi khi có những mẫu không thể nhận dạng hình thái thì cần đến phân tích các dữ liệu phân tử", TS Tạo nói.
Rắn độc cắn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là 1 trong 20 bệnh nhiệt đới bị lãng quên (Neglected Tropical Diseases, NTDs). Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,7 triệu trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó có khoảng 140.000 người tử vong. Tuy nhiên, các nghiên cứu về rắn độc và dịch tễ rắn độc cắn ở Việt Nam còn ít được quan tâm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, Việt Nam là nơi cư ngụ của khoảng 60 loài rắn, trong đó có các loại rắn độc như hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn lục xanh… Mỗi năm, nước ta có khoảng 30.000 trường hợp bị rắn cắn với tỷ lệ tử vong do rắn độc cắn ở mức tương đối cao: 80 người/1 triệu dân.
Xây dựng cơ sở dữ liệu dịch tễ về rắn độc
PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo cho biết, ở Việt Nam, nhiều loài rắn, trong đó có các loại rắn độc như hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn lục xanh… nên nếu ai đó không may bị tai nạn rắn độc cắn có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng, tàn phế. Mỗi năm, theo ghi nhận có khoảng 300 ngàn trường hợp bị rắn cắn và công tác điều trị rất tốn kém ở các bệnh viện. Vì vậy, việc nghiên cứu các công trình về rắn độc đặc biệt phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn được xếp vào Danh mục các nhóm thuốc thiết yếu phải có của Tổ chức Y tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với hơn 200 loài rắn, trong đó khoảng 25% là rắn độc, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới chế tạo ra huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và người Việt Nam cũng là người đầu tiên trên thế giới được sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn. Việt Nam đã điều chế thành công các loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, lục tre, hổ chúa và chàm quạp nhưng một số loại huyết thanh khác vẫn phải nhập khẩu. Sản xuất được huyết thanh để tự chủ trong công tác điều trị rắn cắn tại Việt Nam là chiến lược lâu dài mà Bộ y tế chủ trương thực hiện nhiều năm qua.
Sau nhiều năm lăn lộn nghiên cứu từ thực địa đến mẫu vật phẩm của bệnh nhân bị rắn cắn, PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ban đầu về dịch tễ rắn độc và xác định được các loài rắn độc thường gặp để có cơ sở khoa học quan trọng cho công tác nghiên cứu phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc độc của một số loài rắn thường gặp.Những nghiên cứu chuyên sâu của PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo đã có thể sàng lọc được một số loài rắn độc phổ biến.
Anh đã xây dựng dữ liệu về hình ảnh và phân bố chi tiết từng loài rắn độc ở Việt Nam. Những hình ảnh chụp về rắn cũng như quá trình lấy nọc rắn đều do anh và nhóm chuyên gia quốc tế thực hiện mà người tâm huyết hỗ trợ anh là Giáo sư Nikolai Or (Viện Hàn lâm khoa học Nga). Đây được coi là những hình ảnh về rắn độc bản quyền tại Việt Nam, với nhiều hình ảnh quý không dễ chụp được về rắn và động vật hoang dã trong thiên nhiên.
Lập đường dây nóng hỗ trợ người bị rắn cắn
Mỗi năm, cả nước có khoảng 30.000 trường hợp bị rắn cắn. Đặc biệt, gần đây, tai nạn do rắn cắn gia tăng, gây nên những hậu quả nghiêm trọng, nhiều trường hợp tử vong do không được sơ cấp cứu đúng cách. Việc xác định chính xác loại rắn cắn để cứu chữa là cực kỳ quan trọng, nhưng các thầy thuốc không thể làm được, nên phải nhờ các chuyên gia. Tuy nhiên, số người nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết nạn nhân bị rắn cắn là người nghèo; trong khi, để xác định chính xác độc tố, phải làm rất nhiều xét nghiệm và điện não đồ, vừa tốn kém vừa mất thời gian. Chi phí mua huyết thanh kháng độc cũng 20-30 triệu đồng, mà nếu truyền không đúng huyết thanh loài rắn cắn, vẫn có thể tử vong.
Khi có người bị rắn cắn, PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo sẽ đến tận nơi xem xét và tư vấn, hoặc Trung tâm gửi mẫu vật, chụp vết rắn cắn cho anh xem. Nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia đặc biệt này mà đã rất nhiều bệnh nhân đã thoát chết.
Tuy nhiên, những năm gần đây, số bệnh nhân bị rắn cắn vẫn gia tăng, nhiều người tử vong do không được sơ cấp cứu đúng cách. Trước tình hình này, nhóm các nhà khoa học thuộc Quỹ Thành Đông Tươi Sáng đã triển khai dự án "Phản ứng nhanh hỗ trợ giảm thiểu rủi ro do tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam và khu vực", nhằm hỗ trợ các nạn nhân bị rắn độc cắn trên toàn quốc và những khu vực lân cận. Dự án do PGS. TS. Nguyễn Thiên Tạo phụ trách chuyên môn cùng sự tham gia của Ths. Dược sĩ Vũ Tinh Tế và BS. Nguyễn Thiên Lương.
GS. TS. Nguyễn Thiên Tạo cho biết Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, có gần 60 loài rắn độc phân bố khắp cả nước, tai nạn do rắn độc cắn rất nhiều và rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Vào mùa hè, mùa mưa, các loài rắn hoạt động kiếm ăn, tìm bạn tình, sinh sản, do đó, tai nạn do rắn độc cắn càng gia tăng. Các loại rắn độc ở nước ta chia làm 2 nhóm chính: Rắn hổ và rắn lục. Rắn hổ cắn có thể gây hoại tử tổ chức tại chỗ, suy đa phủ tạng toàn thân, liệt cơ có thể gây tử vong cho nạn nhân từ vài phút đến vài giờ; rắn lục cắn gây rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, nạn nhân có thể tử vong nếu không có thuốc điều trị đặc hiệu.
TS.Nguyễn Thiên Tạo kể về trường hợp bệnh nhân đầu tiên may mắn được cứu sống nhờ khả năng phân biệt rắn độc của anh. Đó là khi anh được mời tham gia đoàn làm phim của Mỹ đến Việt Nam làm phim về những nạn nhân bị rắn cắn. Đoàn đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đúng lúc có một bệnh nhân thập tử nhất sinh khi đã rơi vào trạng thái hôn mê, liệt toàn thân, phải thở máy.
Mẹ của nạn nhân cho biết đêm đó trời nóng nên con bà nằm ngủ dưới nền nhà cho mát. Nửa đêm nghe con gọi thất thanh, bà chạy ra thì thấy con đã bị khó thở không rõ nguyên nhân. Khi được đưa đến bệnh viện huyện thì nạn nhân đã bị khó thở, chân tay tím đen, tim đập yếu ớt. Các triệu chứng đó khiến bác sỹ nghi ngờ nạn nhân sốc ma túy và đến chiều hôm sau thì được chuyển đến Trung tâm Chống độc.
Các bác sĩ ở Trung tâm chống độc xác định bệnh nhân bị rắn cắn nhưng không biết loại nào cắn để điều trị. PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đã vận dụng chuyên môn sâu về rắn ở Việt Nam để xác định: "Mẹ nạn nhân cho biết gia đình mới lát nền nhà, kết hợp với các thông tin diễn biến bệnh do bác sĩ cung cấp, tôi xác định nạn nhân bị nhóm rắn cạp nong cạp nia cắn. Vì đây là loài rắn sống ở bụi rậm, ao hồ và thích mùi vôi vữa. Khi bị loài rắn này cắn, bệnh nhân liệt toàn thân nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Có thể do nạn nhân ngủ trên nền nhà và vô tình chạm phải con rắn này. Nhờ xác định đúng chủng loại rắn, bệnh nhân đã được truyền huyết thanh, mạng sống được giữ lại.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thiên Tạo, dự án "Phản ứng nhanh hỗ trợ giảm thiểu rủi ro do tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam và khu vực" sẽ hỗ trợ tư vấn nhận dạng, phân loại, xác định loài rắn độc và không độc từ xa (gửi ảnh, video…) và hỗ trợ xác định mẫu vật là rắn bằng phương pháp hình thái và xác định gen, sinh học phân tử trên toàn quốc và khu vực. Các chuyên gia cũng hỗ trợ tư vấn từ xa để chẩn đoán, xử trí, sơ cấp cứu, vận chuyển an toàn nạn nhân bị rắn cắn trên toàn quốc. Dự án còn hỗ trợ vận chuyển nạn nhân bị rắn cắn bằng xe cứu thương và nhân viên y tế được đào tạo chuyên nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo hiện đã công bố hơn 100 bài báo quốc tế với 30 bài nghiên cứu chuyên sâu về rắn. Các công trình nghiên cứu khác về rắn của anh cũng đã được trình bày giới thiệu tại nhiều hội thảo quốc tế ở Nhật, Mỹ và được giới chuyên môn đánh giá cao. Anh là Phó Giáo sư thỉnh giảng Đại học Kyoto, Nhật Bản.