TS dược Nguyễn Trung Tường chia sẻ: Tết ở Miền Bắc thường lạnh, khi mọi việc cho tết nhất được bà và mẹ chuẩn bị xong xuôi cũng là lúc chúng tôi được tắm gội bằng nước lá mùi già. Mẹ bảo tắm nước này để gột rửa những gì bụi bẩn của năm cũ và sang năm mới được nhiều may mắn. Năm nào cũng vậy, khi cánh đào trong vườn chớm nụ đón xuân sang, những quả bưởi vàng đong đưa trong màn mưa xuân lành lạnh cũng là khi nồi lá mùi già với hơi nước bốc lên ấm áp cùng mùi thơm quện bay trong không khí, quện mãi trong ký ức tôi…
Sau này công tác trong ngành dược, đắm mình nghiên cứu sử dụng hàng ngàn cây thuốc trong tự nhiên, nhưng tự trong góc tim mình vẫn luôn có một ký ức đẹp đẽ về loài cây đó cùng phong tục đậm tính văn hóa cùng dược tính cổ truyền này. Bên cạnh ý nghĩa về tinh thần thì tắm nước lá mùi chính là 1 cách sử dụng cây thuốc độc đáo và khoa học.
Cây rau mùi (cây mùi) có tên khoa học là Coriandrum sativum L. thuộc họ Hoa tán Apiaceace. Cây mùi được trồng rất nhiều ở nước ta, thường được dùng làm gia vị hoặc nấu nước tắm trong ngày Tết.
Cây mùi có vị cay, tính ấm, vào phế, vị, có tác dụng phát tán, làm cho sởi mọc, tiêu đờm trệ, gây trung tiện, kích thích tiêu hóa. Cả rễ, lá và quả mùi đều là vị thuốc chữa bệnh vì có chứa tinh dầu, khi quả mùi già sẽ mất mùi hôi trở nên thơm dễ chịu. Bởi có vị cay, tính ấm nên cây mùi già có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, hỗ trợ phục hồi sức khỏe.
Khi nấu với nước sôi thì hơi nước mang theo tinh dầu lá mùi có công dụng diệt khuẩn không gian, làm sạch da, có mùi thơm dịu. Bởi vậy những người đang mệt mỏi căng thẳng, đau đầu, đau người sử dụng nước lá mùi già tắm xông sẽ rất hữu ích. Ngoài Việt Nam thì rất nhiều nước khác sử dụng cây mùi để hỗ trợ cải thiện các bệnh khác nhau: Ấn độ dùng quả mùi để chữa hôi miệng và giải độc rượu. Trung quốc dùng toàn cây để chữa bệnh sởi, dùng quả mùi chữa đau dạ dày và đầy bụng. Indonesia dùng quả mùi chữa ho, đau ngực, khó tiêu…
Y học hiện đại đã chứng minh quả mùi có tác dụng dễ tiêu, kích thích và giúp tiêu hóa với thành phần hóa học cụ thể như sau: Trong quả mùi có 0,3 đến 0,8, có khi tới 1% tinh dầu. Ngoài ra còn 13-20% chất béo, 16-18% chất protein, 3 8% xenluloza và 13% chất không nitơ. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là 70-90% linalola quay phải (còn gọi là coriandrola, 5% d.pinen, limonen, tecpinen, mycxen, phelandren, một ít geraniola và bocneola). Trong lá và thân cũng chứa trên dưới 1% tinh dầu. Tinh dầu cây mùi được sử dụng nhiều trong dược phẩm, thực phẩm và 1 số ngành khác. Cây mùi có chứa protein, vitamin K, vitamin C, axit oleic, axit linoleic, axit stearic, axit palmitic và axit ascorbic nên cũng được chứng minh có tác dụng giảm viêm, hỗ trợ chữa các bệnh ngoài da, hạ mỡ máu, giúp giảm huyết áp, nhanh lành vết loét, chống dị ứng.
Ngoài sử dụng cây mùi già để nấu nước tắm thì nhiều dân tộc ở các vùng khác nhau còn có kinh nghiệm sử dụng nhiều loại cây thuốc thu hái trong rừng để ngâm tắm ngày giáp Tết. Điển hình là bà con dân tộc Dao với bài thuốc gia truyền gồm các gồm các cây thuốc quý: Chùa dù, Ích mẫu, Cơm cháy, Ngải cứu, Hoa tiên…đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu đánh giá tác dụng. Qua đó thấy rằng đặc sắc của bài thuốc là ở sự kết hợp đa dạng nhiều cây thuốc bản địa. Với tác dụng ôn ấm, hoạt huyết chống viêm, mùi hương tinh dầu thảo mộc hoàn toàn từ tự nhiên giúp làm ấm cơ thể, xua tan mệt mỏi, căng thẳng, giảm stress, chống viêm nhiễm và phục hồi sức khỏe.
Qua đây chúng ta thấy rằng, sử dụng cây thuốc để ngâm tắm ngày giáp tết không chỉ là 1 nét đẹp văn hóa mà còn là 1 hoạt động mang tính khoa học, có giá trị để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh tật. Đây cũng là 1 cách đơn giản để thể hiện sự quan tâm, chăm sóc cho sức khỏe của bản thân cũng như mọi người trong gia đình.