Hà Nội

Tiến sĩ Đông y bật mí các bài thuốc chữa bệnh trĩ hiệu quả cao

TS.BS. Trần Thái Hà

TS.BS. Trần Thái Hà

Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương

16-05-2017 07:09 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Theo TS.BS Trần Thái Hà, trĩ là một bệnh phổ biến - cứ 10 người thì tới 9 người mắc căn bệnh này. Ngoài điều trị bệnh trĩ theo y học hiện đại thì y học cổ truyền (YHCT) cũng được rất nhiều người lựa chọn.

3 phương pháp chính chữa bệnh trĩ

TS.BS Trần Thái Hà, Trưởng khoa Lão, BV Y học cổ truyền Trung ương cho biết, các phương pháp điều trị YHCT chủ yếu là bảo tồn, gồm 3 phương pháp chính.

Thứ nhất là dùng thuốc ngoài, xông tại chỗ ở búi trĩ, người bệnh có thể dùng lá diếp cá, trinh nữ, hoa hòe xông trực tiếp vào búi trĩ; dùng bã của lá trên để đắp; hoặc có thể dùng bột ngâm trĩ của BV Y học cổ truyền Trung ương.

TS.BS Trần Thái HàTS.BS Trần Thái Hà.

Thứ 2 là nhóm sử dụng thuốc uống, thuốc sắc, tùy theo từng thể bệnh cụ thể mà bác sĩ đông y sẽ có tư vấn cho bệnh nhân. Vì YHCT cũng chia bệnh trĩ ra nhiều thể, vì vậy người bệnh cần được khám chuyên khoa. Sau khi khám bác sĩ đưa ra thể và pháp phương dược. Có thể huyết ứ, thể khí huyết hư ở người già. Có nhiều thể trong YHCT, bổ sung ích khí thang, lục vị quy thược, tứ vận đào hồng, phụ thuộc vào chẩn đoán của thầy thuốc YHCT.

Phương pháp thứ 3 là châm cứu, xoa bóp bấm huyệt để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh trĩ. Một số huyệt hay dùng như trường cường, tứ liêu,  túc tam lý, bách hội. Bên cạnh đó, các phương pháp yoga dưỡng sinh có thể giúp người bệnh tập luyện nâng cao sức khỏe. Trong bệnh lý trĩ, người bệnh thường gặp vấn đề sa búi tĩnh mạch, tập yoga cũng có thể giúp co các búi trĩ lên.

Các bài thuốc chữa trĩ hiệu quả cao

TS. Hà cho biết, các bài thuốc dân gian để điều trị trĩ, đặc biệt là thể trĩ nội độ 1 -2 có hiệu quả cao. Một trong số vị thuốc đó là hoa hòe, đây là vị thuốc tính đắng, có tính hàn, có tác dụng kháng khuẩn, giải độc, tiêu viêm. Mỗi ngày người bệnh có thể dùng 15g hoa hòe sắc uống hàng ngày rất tốt cho người bị bệnh trĩ.

bệnh trĩBệnh trĩ gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ảnh minh họa.

Ngoài ra có người dùng hoa hòe sao lên kết hợp với một số các loại thuốc đông y khác như diếp cá, trinh nữ... sắc uống. Dân gian còn dùng hoa hòe nấu canh cà chua hoặc thịt gà, thịt lợn rất dễ ăn.

Khi bị trĩ chảy máu, hoặc đau nhiều, có thể dùng bài thuốc 20g hoa hòe, 40g ngải cứu, 40g kinh giới, 20g chỉ xác, 15g phèn phi cho vào nồi đậy kín bằng lá chuối đun lên. Khi sôi, chọc thủng lá chuối xông trực tiếp vào búi trĩ, khi nước nguội dùng bã đắp tại chỗ.

Ngoài ra người bệnh trĩ có thể ăn lá lộc vừng, trinh nữ... Đây là những bài thuốc dân gian rất dễ sử dụng.

Hoặc có thể xay sinh tố ăn như các loại rau má, diếp cá, bột sắn (đông y gọi là cát căn) mỗi ngày có thể uống 3-4 cốc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, rất nhuận tràng.

Phòng bệnh trĩ cách nào?

Trĩ là căn bệnh “khổ mà khó nói” bởi lẽ đây là bệnh lý của vùng hậu môn trực tràng khiến nhiều người có tâm lý e ngại. Tuy nhiên, TS. Hà khuyến cáo, người bị bệnh trĩ cần bỏ qua tâm lý ngại ngùng, chủ động đến các bệnh viện YHCT để được khám và chỉ định điều trị đúng, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Các chuyên gia cho rằng, chế độ dinh dưỡng đóng góp nhiều đến vấn đề phát sinh bệnh trĩ. Chính chế độ ăn không hợp lý, mất cân đối trong thời gian kéo dài là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Do đó, để phòng bệnh, người dân cần hạn chế các chất kích thích như cà phê, bia rượu; nên ăn đồ mát như bột sắn, thanh long, rau lang, mồng tơi, giảm thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo. Chú ý uống đủ nước...

Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế ngồi nhiều, cố gắng vận động ngay cả khi làm việc, sau nửa tiếng nên đứng dậy vận động. Nếu đã bị bệnh lâu dài rồi bạn cần đến bệnh viện để dùng các sản phẩm đông y hỗ trợ.

Dương Hải


Ý kiến của bạn