Từ đất Mỹ, sau chuỗi ngày miệt mài nghiên cứu và chuẩn bị đăng kí bản quyền công trình nghiên cứu gien tiêu diệt tế bào ung thư thành công, tiến sĩ Phan Minh Liêm (sinh năm 1983) đã dành cho PV Dân trí một cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình.
“Chiến sĩ” đấu tranh tiêu diệt căn bệnh ung thư
Chào tiến sĩ Liêm, tại sao anh lại chọn nghiên cứu về công nghệ sinh học, đặc biệt là ung thư?
Công nghệ sinh học là một ngành khoa học đa ngành, sử dụng rất nhiều kĩ thuật và kiến thức của nhiều ngành khoa học như sinh học, hoá học, vật lý, khoa học máy tính, toán học,... Công nghệ sinh học bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và cả các nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ rất thú vị. Mình rất thích ngành công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ sinh học y dược.
Ung thư là một căn bệnh rất phức tạp. Sau nhiều năm nghiên cứu, vẫn có rất nhiều điều về ung thư mà nhân loại chưa rõ. Càng nghiên cứu sâu về ung thư, mình càng thấy rõ bản chất đa dạng và tiến hoá không ngừng của tế bào ung thư. “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Do đó, trong cuộc chiến với ung thư, nhân loại cần hiểu tường tận về căn bệnh này thì mới có thể giành chiến thắng.
Vì vậy, mình mong ước có thể đóng góp vào việc khám phá các cơ chế phát sinh ung thư và phát triển các liệu pháp mới để điều trị và ngăn ngừa ung thư hiệu quả. Đó là lí do tại sao mình chọn ngành y sinh học với trọng tâm là về ung thư tại Viện MD Anderson.
Tên của tiến sĩ đã được vinh danh 4 lần trên bức tường danh dự của Viện Ung thư MD Anderson. Anh có 15 công trình nghiên cứu xuất bản cùng với các cộng sự trên các tạp chí khoa học quốc tế về công nghệ sinh học và ung thư, kèm theo đó là loạt giải thưởng danh giá về nghiên cứu và cống hiến cộng đồng... Nhìn lại hành trình đã qua, theo anh điều gì làm nên những dấu ấn lớn và thành công trên con đường nghiên cứu khoa học của mình?
Trên con đường nghiên cứu khoa học, mình rất may mắn nhận được sự dạy dỗ, hỗ trợ ân cần, chu đáo của gia đình, thầy cô và được rất nhiều bạn bè giúp đỡ. Mình rất trân trọng và xin cảm ơn tất cả mọi người.
Theo mình nghĩ, để thành công trong khoa học thì chúng ta cần có nhiều yếu tố, ví dụ như sự đam mê, sự kiên trì, bền bỉ, sức khoẻ tốt, tinh thần làm việc chuyên nghiệp, kiến thức nền tảng sâu rộng, kĩ năng nghiên cứu vững vàng, khả năng tư duy logic, sáng tạo, các kĩ năng mềm (làm việc nhóm, lãnh đạo, quản lý, truyền thông,...), một đội ngũ cộng sự tốt, sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô.
Ngoài ra, môi trường làm việc thuận lợi giúp nhà khoa học phát huy hết khả năng và có cơ hội hợp tác, liên tục học hỏi trau dồi kiến thức cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho sự thành công trong nghiên cứu.
Tiến sĩ có thể cho biết về những công trình anh đang nghiên cứu ở thời điểm hiện tại?
Hiện nay, các thầy cô, cộng sự và mình tiếp tục nghiên cứu quá trình đảo ngược sự tiến hoá của tế bào ung thư, cũng như phát triển các phương pháp điều trị mới để tiêu diệt ung thư hiệu quả và chính xác hơn. Ngoài ra, nhóm mình cũng sẽ dần công bố các công trình nghiên cứu mà nhóm đã thực hiện trong nhiều năm qua.
Khao khát nâng tầm khoa học và trí tuệ Việt
Là một người con Khánh Hòa, anh có mong ước gì trong việc đem thành tựu nghiên cứu của mình về đóng góp cho cộng đồng ở Việt Nam và đặc biệt là mảnh đất “chôn rau cắt rốn”?
Mình mong muốn áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất để nâng cao hiệu quả điều trị ung thư, và phòng ngừa căn bệnh này tại Việt Nam, Khánh Hoà, cũng như trên thế giới. Mình sẽ luôn nỗ lực với hết khả năng của mình để giúp bệnh nhân ung thư, gia đình bệnh nhân, và đóng góp cho xã hội, cộng đồng và quê hương.
Sắp tới, nếu mọi việc thuận lợi thì khoá học về ung thư cho các bác sĩ, nhà khoa học, và sinh viên tại Việt Nam có thể sẽ được bắt đầu tổ chức vào cuối mùa hè năm nay. Đây có thể sẽ là một trong các hoạt động do các giáo sư, bác sĩ tại Viện MD Anderson, Quỹ Giáo dục Việt Nam, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, Viện Công Nghệ Sinh Học, ĐH Y Dược Huế, và nhiều bệnh viện, đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam cùng chung sức thực hiện. Quá trình chuẩn bị vẫn đang tiến hành. Mình rất vinh dự được góp một phần công sức nhỏ trong dự án này.
Mình cũng rất quan tâm đến các dự án tình nguyện khác để giúp các bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học và đóng góp cho cộng đồng. Các giáo sư tại MD Anderson và mình cũng rất sẵn sàng tham gia các dự án giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về các tác nhân gây ung thư để phòng tránh căn bệnh này hiệu quả hơn.
Cùng với những cống hiến về nghiên cứu khoa học, anh cùng các bạn được học bổng VEF thành lập Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến đầu tiên của Việt Nam… Cá nhân tôi cảm nhận được khát khao nâng tầm nền khoa học nước nhà và thúc đẩy trí tuệ Việt ở tiến sĩ?
Mình nghĩ khoa học công nghệ và giáo dục là 2 trong số các nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ và các nhà khoa học Việt Nam đã và đang chung sức giúp khoa học và giáo dục của nước mình phát triển.
Mình rất may mắn được cộng tác với nhiều nhà khoa học uy tín cũng như nhiều bạn trẻ tài năng và tâm huyết để cùng chung sức thực hiện một số dự án hỗ trợ cho nền khoa học và giáo dục tại Việt Nam, ví dụ như dự án Tạp chí Khoa học Việt Nam online (Vietnam Journal of Science), VN Bookdrive, chương trình học bổng VEFFA, dự án VEFFA Mentoring,...
Anh có thể “bật mí” về dự định nghiên cứu và các kế hoạch cộng đồng sắp tới của mình?
Về mặt khoa học, trong năm nay nhóm mình sẽ dần công bố các kết quả nghiên cứu sau nhiều năm làm việc. Các dự án nghiên cứu này khá đa dạng, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản về quá trình chuyển hoá năng lượng của tế bào ung thư và cả các nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả điều trị ung thư. Nhóm mình đang trong giai đoạn đăng kí bản quyền sở hữu trí tuệ và sẽ tiếp tục hợp tác với các cộng sự để phát triển các nghiên cứu này thành các liệu pháp hữu hiệu trong việc điều trị ung thư.
Về hoạt động tình nguyện, tụi mình sẽ tiếp tục tiến hành và hoàn thiện các dự án cộng đồng như mình đã đề cập. Mình hi vọng sắp tới sẽ có cơ hội phối hợp với các tổ chức, viện nghiên cứu, bệnh viện và các cơ quan truyền thông để cùng nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các tác nhân gây ung thư cũng như cách phòng tránh căn bệnh này. Phòng bệnh thường đơn giản, ít tốn kém, và dễ thực hiện hơn chữa bệnh.
Mình cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối các giáo sư của Viện MD Anderson và các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam để tăng cường hợp tác và giúp bệnh nhân ung thư. Nếu ở Việt Nam có các dự án về ung thư mà nhóm mình có thể hỗ trợ về mặt chuyên môn thì tụi mình cũng sẽ luôn sẵn sàng giúp với tất cả khả năng của tụi mình.
Cảm ơn tiến sĩ Liêm đã chia sẻ. Chúc anh sức khỏe, có thêm nhiều nghiên cứu khoa học thành công để cống hiến cho cộng đồng và quê hương!
Theo Dân Trí