Theo BSCKI Nguyễn Trung Đạo, Khoa sản bệnh A4 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tiền sản giật và sản giật là một bệnh lý sản khoa hay gặp ở phụ nữ mang thai, với tỷ lệ từ 2-8%. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
Tiền sản giật là bệnh lý xảy ra trước khi thai phụ lên cơn sản giật, là tiền đề gây nên cơn sản giật. Thai phụ mắc hội chứng tiền sản giật có thể được yêu cầu mổ chủ động để lấy thai ra. Việc mổ sớm thai nhi thiếu tháng, khiến bé sơ sinh rơi vào nguy cơ suy giảm miễn dịch và viêm phổi cao. Ngoài ra, thai nhi có mẹ bị tiền sản giật có thể chậm tăng trưởng, nhẹ cân và suy dinh dưỡng do không được cung cấp đủ dinh dưỡng trong thai kỳ.
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Trung Đạo cùng ekip của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mổ cấp cứu cho một sản phụ bị tiền sản giật nặng ở gần tuần thứ 30 của thai kỳ, bé sơ sinh chỉ nặng 800g do thiếu oxy và dinh dưỡng.
Cụ thể, sản phụ sinh năm 1983, có địa chỉ thường trú tại tỉnh Cao Bằng, phát hiện tình trạng tăng huyết áp ở tuần thứ 27 của thai kỳ. Sau một thời gian điều trị tại địa phương, bệnh nhân đã xuống Hà Nội để thăm khám.
Sản phụ được bác sĩ cho sử dụng thuốc hạ huyết áp, đồng thời theo dõi liên tục, hẹn 2 ngày khám lại một lần. Tuy nhiên, do tình trạng của sản phụ diễn biến nặng quá nhanh, bác sĩ đã yêu cầu sản phụ đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được theo dõi và điều trị sớm.
"Huyết áp của sản phụ ngày một tăng cao, cộng với men gan tăng, tiểu cầu giảm, cho thấy tình trạng đang diễn biến xấu theo hội chứng HELLP tiền sản giật (nhiễm độc thai kỳ). Đây là một biến thể của tình trạng tiền sản giật ở bà bầu, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé", bác sĩ Đạo cho biết.
Cũng theo BSCKI Nguyễn Trung Đạo, khi vào điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ tiếp tục được các bác sĩ cho dùng thuốc hạ huyết áp, magnesium sulfate, cộng với theo dõi sát tình trạng của thai nhi bằng máy monitor ngày 3 lần. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị, kết quả siêu âm cho thấy thai nhi bị mất sóng tâm trương động mạch rốn, tim thai dao động kém, thiếu oxy và dinh dưỡng rất nhiều. Nếu không mổ lấy thai, thai nhi sẽ có nguy cơ mất tim thai trong bụng mẹ.
"Sản phụ đã được chỉ định mổ lấy thai ở thời điểm 29 tuần 3 ngày vào lúc 2h30 chiều 16/3. Trong ca mổ, các bác sĩ đã đón em bé nặng 800g, chỉ số appgar 67. Vì non tháng nên sau khi ra đời, bé sơ sinh được đặt trong túi nilon để giữ thân nhiệt, sau đó chuyển sang phòng hồi sức nhi sơ sinh để các bác sĩ theo dõi tình trạng của bé", BS Nguyễn Trung Đạo thông tin.
Hiện tại, bé sơ sinh đang được chăm sóc đặc biệt, còn sản phụ được theo dõi tại phòng hồi sức sau mổ. Dự kiến hôm nay (17/4) sản phụ sẽ được chuyển sang khoa A4 của bệnh viện để tiếp tục theo dõi.
Bác sĩ cũng khuyến cáo: "Để giảm nguy cơ mắc tiền sản giật, thai phụ cần khám sàng lọc khi mang thai, duy trì cân nặng và chế độ ăn hợp lý; Vận động hoặc tập thể dục phù hợp; Khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa; Tự theo dõi những thay đổi bất thường trên cơ thể trong quá trình mang thai và cần báo ngay báo với bác sĩ nếu thấy nghi ngờ gặp vấn đề sức khoẻ".
Mời bạn đọc xem tiếp video: Bác sĩ "bó tay" khi thai phụ tiền sản giật nặng không chịu mổ vì kiêng mùng 1
Bác sĩ 'bó tay' khi thai phụ tiền sản giật nặng không chịu mổ vì kiêng mùng 1 - SKĐS