Tiền sản giật (TSG) là một biến chứng khi mang thai đặc trưng bởi huyết áp cao và các dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác, thường là thận. TSG thường bắt đầu từ tuần thứ 20 của thai kỳ ở những phụ nữ có huyết áp bình thường. Tăng nhẹ huyết áp có thể là dấu hiệu báo trước TSG. Nếu không điều trị, TSG sẽ dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Thai phụ tăng huyết áp có nguy cơ gây sản giật.
Biểu hiện của TSG như thế nào?
TSG đôi khi phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Huyết áp cao có thể phát triển chậm, nhưng thường nó có một khởi phát đột ngột. Theo dõi huyết áp là một phần quan trọng của chăm sóc trước sinh vì các dấu hiệu đầu tiên của TSG thường là một sự gia tăng huyết áp. Huyết áp 140/90mmHg hoặc cao hơn - ghi hai lần, cách nhau ít nhất 4 giờ đồng hồ - là bất thường.
Các dấu hiệu và triệu chứng của TSG khác có thể bao gồm: protein dư thừa trong nước tiểu hoặc dấu hiệu khác của bệnh thận; đau đầu nặng; những thay đổi thị lực kể cả tạm thời mất thị lực, nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng; đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải; buồn nôn hoặc nôn; lượng nước tiểu giảm; giảm tiểu cầu trong máu; chức năng gan suy giảm; khó thở do dịch trong phổi; tăng đột ngột trọng lượng cơ thể và phù - đặc biệt ở mặt và tay - thường đi kèm với chứng TSG. Nhưng những điều này cũng xảy ra trong trường hợp mang thai bình thường, vì vậy chúng không được coi là dấu hiệu đáng tin cậy của TSG.
Nguyên nhân còn chưa rõ ràng
Nguyên nhân chính xác gây nên TSG vẫn chưa thực sự rõ ràng. Các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến nhau thai - cơ quan nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Khi bắt đầu có thai, các mạch máu mới phát triển và tiến hóa nhằm đưa máu đến nhau thai. Ở những phụ nữ bị TSG, các mạch máu này dường như không phát triển đúng tiến trình của nó. Chúng nhỏ hơn các mạch máu thông thường và các phản ứng khác nhau của nội tiết tố, trong đó có tác động hạn chế lượng máu chảy qua chúng. Nguyên nhân của những bất thường này có thể do: không đủ lượng máu tới tử cung; tổn thương mạch máu; vấn đề về hệ miễn dịch; vấn đề về di truyền.
Ai có nguy cơ bị TSG?
Những thai phụ mà tiền sử cá nhân hoặc gia đình có TSG làm tăng đáng kể nguy cơ mắc biến chứng; mang thai lần đầu; tuổi cao trên 40; béo phì; đa thai; khoảng cách giữa các lần mang thai quá gần hoặc quá xa cách nhau dưới 2 năm hoặc hơn 10 năm; có bệnh trước khi mang thai như tăng huyết áp mạn tính, đau nửa đầu, đái tháo đường týp 1 hoặc 2, bệnh thận, một xu hướng phát triển đông máu hoặc Lupus - làm tăng nguy cơ TSG.
Biến chứng của TSG
TSG càng nghiêm trọng và xuất hiện càng sớm thì nguy cơ đối với mẹ và thai nhi càng cao, TSG có thể yêu cầu phải đẻ can thiệp và lấy thai. Việc mổ lấy thai không phải luôn luôn mang lại lợi ích, trừ khi đứa trẻ ngôi mông hoặc việc lấy thai càng nhanh càng tốt. Nếu bạn mắc chứng TSG nặng hoặc tuổi thai dưới 30 tuần thì việc mổ lấy thai là cần thiết.
BS. Trần Tất Đạt