'Tiền mất tật mang' vì tin vào thuốc đông y bán trên mạng xã hội

31-01-2025 23:00 | Y tế
google news

SKĐS - Tin vào lời quảng cáo thuốc đông y trên mạng xã hội, ông Tr. đã đặt mua về dùng nhưng bệnh tình không giảm mà còn nặng hơn.

"Tiền mất tật mang"

Phản ánh tới Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Lê Cảnh Tr. (70 tuổi, là cán bộ đã nghỉ hưu, trú tại Xã Long Thới, Huyện Nhà Bè, TPHCM) cho biết, ông là nạn nhân của đường dây bán thuốc đông y giả trên mạng xã hội.

Đoạn video quảng cáo sản phẩm. Video ông Tr. cung cấp

Ông Tr. cho biết, trong khi dùng mạng xã hội ông vô tình thấy một bài viết quảng cáo sản phẩm "Tĩnh Mạch An Tâm" điều trị suy giãn tĩnh mạch xơ vữa mạch máu, kèm theo hình ảnh của VTV1 và MC Quyền Linh để tạo niềm tin cho khách hàng. Trong quảng cáo còn nói, sản phẩm này được làm từ Viện Y học Cổ truyền Trung ương.

Tin tưởng, ông Tr. đã đặt mua 2 liệu trình dùng trong vòng 4 tháng, tuy nhiên khi dùng thì ông thấy bệnh không bớt mà lại càng nặng hơn. "Lúc đầu họ cam kết nếu bệnh không bớt sẽ hoàn tiền, trong suốt thời gian uống thuốc tôi có báo cho họ biết là bệnh không giảm thì họ nói phải uống đủ liều thuốc mới hiệu quả.

Nhưng sau 4 tháng dùng thuốc bệnh tình không giảm mà càng tệ hơn so với trước uống thuốc. Sau đó, tôi có gọi điện lại thì họ không nghe máy nữa", ông Tr. nói.

'Tiền mất tật mang' vì tin vào thuốc đông y bán trên mạng xã hội- Ảnh 1.

'Tiền mất tật mang' vì tin vào thuốc đông y bán trên mạng xã hội- Ảnh 2.

Hình ảnh sản phẩm Tĩnh mạch An Tâm. Ảnh: Ông Tr. cung cấp

Trong vai người có nhu cầu mua thuốc cho người nhà, phóng viên liên hệ qua số hotline 0903.403.912 in trên vỏ sản phẩm, nghe máy là một người phụ nữ. Người này cho biết, chỉ cần điều trị trong vòng 2 tháng là dứt điểm tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Liệu trình gồm 5 hộp thuốc uống, 2 hộp thuốc bôi. Thuốc uống có giá 600.000 đồng/hộp, thuốc bôi có giá 300.000 đồng/hộp.

Khi phóng viên thắc mắc về mức độ hiệu quả của sản phẩm, người phụ nữ khẳng định chắc nịch: "Bên chị, nếu như điều trị 1 liệu trình 2 tháng không khỏi thì bên nhà thuốc có trách nhiệm hoàn lại 100% tiền, cho nên em yên tâm".

Phóng viên tiếp tục thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ nơi sản xuất sản phẩm, người này chỉ ậm ừ cho qua: "Sản phẩm này của nhà thuốc sản xuất, ở Hà Nội em nhé".

Tiếp tục liên hệ qua số hotline 0903.403.912 bằng một số điện thoại khác, đầu dây bên kia, một người phụ nữ cho biết, đây là số điện thoại của đông y An Mạch Đan. Thắc mắc về sản phẩm tên "Tĩnh Mạch An Tâm", người này nói "Vâng bọn em là Tĩnh Mạch An Tâm, An Mạch Đan".

Khi giới thiệu là phóng viên của Báo Sức khỏe và Đời sống, nhận được phản ánh của bạn đọc về sản phẩm "Tĩnh Mạch An Tâm", người này lập tức chối cãi: "Thế thì không phải đâu, bên em là An Mạch Đan cơ".

Chuyên gia khuyến cáo

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga cho biết, tại Việt Nam, tình trạng bán thuốc Đông y giả, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội đang diễn biến phức tạp. Người bệnh dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội khiến "tiền mất, tật mang". Vừa mất tiền mà không khỏi bệnh, vừa gặp phải các biến chứng nguy hiểm do các sản phẩm đội lốt "Đông y gia truyền" gây ra. 

Thủ đoạn của những kẻ buôn bán các sản phẩm "gia truyền" không rõ nguồn gốc là lợi dụng lòng tin của người bệnh, đánh vào tâm lý muốn dùng hàng rẻ mà nhanh khỏi bệnh.

'Tiền mất tật mang' vì tin vào thuốc đông y bán trên mạng xã hội- Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga.

Họ quảng cáo các bài thuốc "gia truyền" với công dụng chữa bách bệnh như tiểu đường, xương khớp, ung thư... Với sự phát triển của công nghệ, ví dụ như Deepfake, các đối tượng dễ dàng lồng ghép hình ảnh, clip, phát ngôn của những người nổi tiếng, những bác sĩ uy tín thậm chí mạo danh các bệnh viện để đưa ra những thông tin sai lệch nhằm mục đích bán được càng nhiều càng tốt. 

Những sản phẩm này thường không được kiểm chứng về chất lượng và nguồn gốc, gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.

Theo Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, việc sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến ngộ độc, suy gan, suy thận và các biến chứng nguy hiểm khác. Không ít trường hợp bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận do sử dụng thuốc giảm đau khớp, thuốc chống dị ứng... chứa corticoid. Một số bệnh nhân thậm chí phải nhập viện cấp cứu vì suy đa tạng do sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc này.

Các thuốc "gia truyền" trôi nổi có thể chứa các chất độc hại, thậm chí tẩm ướp hóa chất để chống mốc, gây hại cho sức khỏe, có nguy cơ dẫn đến ung thư, thậm chí đe dọa tính mạng người dùng.

Các loại "thuốc" này có thể không gây hại ngay, nhưng lại khiến người bệnh chủ quan, bỏ qua lời khuyên bác sĩ, bỏ các loại thuốc thường dùng khiến bệnh tình ngày càng nặng hơn. Có nạn nhân khi vào viện thì đã suy kiệt do ăn uống kém, hoặc chỉ số đường huyết, men gan... tăng tới mức báo động.

Để hạn chế các nguy cơ trên, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo, người bệnh cần hết sức cẩn trọng với quảng cáo trên mạng xã hội, không nên tin vào các quảng cáo thuốc Đông y "gia truyền" trên mạng xã hội, nhất là những sản phẩm không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng.

Chúng ta cần hình thành thói quen, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, phải tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Bên cạnh đó, người dân chỉ nên mua thuốc tại các cơ sở y tế, nhà thuốc có uy tín, cảnh giác với các sản phẩm không ghi rõ thành phần, nguồn gốc hoặc không có nhãn mác rõ ràng.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các thông tin được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, thực hiện kiểm tra tính xác thực của thông tin hoặc đối tượng thông qua những trang thông tin chính thống.

Không tham gia vào các hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến. Không thực hiện mua bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, hay giao dịch với các đối tượng không rõ danh tính.

Chỉ nên sử dụng thuốc đông y có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng. Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp không thể đến trực tiếp khám chữa bệnh, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.

Nếu nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Cảnh báo tình trạng lương y gia truyền "dởm’ quảng cáo bài thuốc thổi phồng đe dọa sức khỏe người dùngCảnh báo tình trạng lương y gia truyền 'dởm’ quảng cáo bài thuốc thổi phồng đe dọa sức khỏe người dùng

SKĐS - Thời gian qua, Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền - Bộ Y tế nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của các cơ ở y học cổ truyền làm ăn chân chính, lương y sở hữu bài thuốc y học cổ truyền bị các đối tượng 'giả' mạo danh, quảng cáo 'nổ' trên mạng xã hội, gây mất uy tín và đe dọa sức khỏe người dân.



Phúc Đức
Ý kiến của bạn