Tiền mất tật mang vì bị lừa xuất khẩu lao động

31-03-2018 08:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Ở những vùng quê nghèo, vì cả tin nhiều người dân đã “tiền mất tật mang” vì dính bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm, song đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Điều đó đòi hỏi chính người dân phải tỉnh táo hơn, đồng thời các cơ quan hữu quan làm tốt hơn nữa công tác cảnh báo, ngăn chặn thực trạng này.

Tiền mất tật mang

Tìm hiểu tại các vùng quê, thậm chí là những nơi từng diễn ra cảnh ồ ạt XKLĐ. Ở đó tồn tại không ít hệ lụy, trong đó có cảnh lừa đảo như tại Hà Tĩnh, Bắc

Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Hà Nội... Một trong những điển hình là vợ chồng ông Nguyễn Huy Chiến (thôn Thanh Liễu, Tân Hưng, TP. Hải Dương). Cho đến giờ dù đã trả hết nợ nhưng vợ chồng ông vẫn chưa hết bàng hoàng về những ngày sống trong cảnh “nằm trên lửa nóng” vì nợ nần chồng chất. Năm 2007, phong trào XKLĐ ở địa phương khá phát triển, nhiều gia đình cũng mong đổi đời nên vay tiền, tìm cửa chạy cho con em XKLĐ. Ông Chiến được “người anh em” là ông Nguyễn Công Thiệp nói có một người anh em khác đang nắm giữ quyết định có thể đưa người đi Hàn Quốc và đã giúp được rất nhiều người. “Ông Thiệp nói ngon ngọt rằng đi theo đường dây của ông ấy sang làm việc ở Hàn Quốc lương cao. Ông ấy bảo đảm chắc đi, chắc thắng. Bùi tai, chúng tôi vay mượn tiền với hy vọng cho con cái đổi đời. Thế rồi, tiền của anh em chúng tôi rơi vào tay họ, đến giờ vẫn chưa lấy được”, ông Chiến bức xúc.

Người lao động nên tìm kiếm việc làm ổn định, để không phải XKLĐ, dễ rơi vào bẫy lừa.

Người lao động nên tìm kiếm việc làm ổn định, để không phải XKLĐ, dễ rơi vào bẫy lừa.

Chung cảnh ngộ, giờ vợ chồng ông Nguyễn Nhân Khóa đang phải ôm đống nợ hơn 200 triệu đồng mà chưa biết bao giờ mới trả xong. Hiện hai vợ chồng đấu thầu một khu đầm ao ngoài cánh đồng để nuôi cá, trồng rau lấy tiền trả nợ vì vay tiền ngân hàng chạy cho con XKLĐ. Qua trò chuyện, ông Khóa cho biết, tổng cộng số tiền mà gia đình nợ lên đến 400 triệu, gia đình chắt bóp, bán đất cũng chỉ đủ trả gần 200 triệu. Cũng qua ông Khóa, tôi được đưa đến gặp ông Nguyễn Huy Mẹo, người đang “ôm” số nợ 200 triệu đồng của ngân hàng. Hiện ông Mẹo đã phải bán cả đất đi vẫn chưa đủ số tiền “chạy” trả nợ ngân hàng. Năm 2016, một số người dân ở Cẩm Giàng (Hải Dương) cũng bị một đối tượng là Nguyễn Xuân Hiệp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua con đường XKLĐ. Nhận được đơn tố cáo, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Dương đã tìm hiểu, xác minh và xác định: Với vỏ bọc là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Thịnh, không có chức năng và cũng không có khả năng tìm việc làm hay làm thủ tục cho những người có nhu cầu XKLĐ, nhưng Nguyễn Xuân Hiệp đã nhận tiền, hồ sơ và hứa hẹn làm thủ tục xin việc làm cho 7 người và chiếm đoạt của mỗi trường hợp từ vài nghìn cho tới trên chục nghìn USD. Công an tỉnh Hải Dương đề nghị những ai từng bị Nguyễn Xuân Hiệp lừa đảo tiếp tục làm đơn trình báo, tố cáo hành vi vi phạm về đối tượng này để cơ quan công an củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, nhiều người dân đã bị Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Đào tạo XKLĐ, trú tại số 12 BT4 (khu Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) lừa đảo số tiền lên đến 13 tỷ đồng và thực tế số tiền còn lớn hơn nữa. Trong các nạn nhân của Nguyễn Thành Trung, có lẽ anh Nguyễn Văn Phi (thị xã Cửa Lò, Nghệ An), Nguyễn Ích Dương (trú tại xóm 11, huyện Yên Thành, Nghệ An) có đời sống khó khăn. Cả hai anh đều vay mượn tiền để chạy XKLĐ với ước mơ đổi đời, và gửi niềm tin vào Trung. Tháng 7/2016, anh Phi và anh Dương cùng một thanh niên khác quê tỉnh Nghệ An đã đến Trung tâm Đào tạo XKLĐ ở Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt để tìm vận may. Thế nhưng tất cả đã bị lừa. Trung còn lừa 100 người khác, chiếm đoạt số tiền lớn. Theo Công an quận Hoàng Mai, nạn nhân đều xuất thân từ các vùng nông thôn nghèo. Không chỉ mất tiền đi XKLĐ, nhiều người còn bị bòn rút với những khoản tiền không tên. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo đều dựa vào những công ty có chức năng đào tạo nghề liên quan đến XKLĐ. Nhiều đối tượng sau khi gom được học viên, thu tiền của họ đã “bán” họ cho một công ty khác để xuất khẩu với chi phí đắt gấp nhiều lần so với thực tế.

Theo tìm hiểu tại các địa phương, từ đầu năm 2017 đến nay ở nhiều tỉnh cũng xảy ra tình trạng lừa đảo XKLĐ, như tại Quảng Bình, Đăk Lăk, Phú Thọ, Hà Nội... nhiều người dân điêu đứng vì bị lừa đảo khi quá tin lời cò mồi, công ty “ma”. Trung tá Lê Tuấn Anh - Phó Đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế - Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Chúng tôi khuyến cáo người dân, những ai có nhu cầu đi XKLĐ khi đã đặt hồ sơ vào đơn vị nào thì nên tìm hiểu sự hoạt động của doanh nghiệp đó. Kiểm tra thông qua mạng internet, web của doanh nghiệp hoặc qua Cục Quản lý lao động ngoài nước để hạn chế rủi ro, tránh tiền mất mà không có việc.

Không ít người dân ở Hải Dương bức xúc vì bị mắc lừa.

Không ít người dân ở Hải Dương bức xúc vì bị mắc lừa.

Nhiều chiêu mùi mẫn

Đối tượng lừa đảo ngày nay sử dụng nhiều hình thức, đánh vào tâm lý muốn được đi nhanh, tiền lương cao của người dân lao động. Chỉ  cần vào google và search thông tin “tuyển dụng xuất khẩu lao động đi Singapore” là thấy nhan nhản thông tin. Ngay trang đầu tiên của congtyxklduytin.com đã khẳng định mình là công ty làm dịch vụ XKLĐ đi Singapore có uy tín với 10 năm kinh nghiệm. Công ty tuyển dụng thường xuyên theo nhu cầu của đối tác Singapore với nhiều ngành nghề như du lịch, cơ khí, kỹ thuật... cùng mức lương cao ngất ngưởng. Còn một số trang mạng xã hội thì tuyển dụng với các ngành nghề như: massage, phụ bếp, làm bánh mì và bán hàng, đồ lưu niệm và sách báo có nội khá hấp dẫn như: Bảo đảm đi sau khi hoàn thiện mọi thủ tục, tức xuất cảnh trong vòng 10-15 ngày. Nếu ứng viên ở Hà Nội sẽ được miễn phí khám sức khỏe, tiền xe đưa ra sân bay. Lương cơ bản: 1.100SGD và thưởng 200 SGD... Nếu nhẹ dạ là dễ dẫn đến sập bẫy kẻ xấu.

Liên quan đến vấn đề này, theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin Tuyên truyền - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Tuy nhiên, thời gian qua, có rất nhiều trang web đưa các thông tin đăng tuyển lao động đi làm việc. “Hầu hết các trang web này đều là những trang không chính thống hoặc thông tin được đưa bởi những công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp. Do đó, người lao động cần cảnh giác với các thông tin tuyển lao động”, bà Hà nói.

Theo Thượng tá Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân), Nhà nước đã tạo điều kiện để cho một số người có điều kiện XKLĐ. Nhưng vì người dân chủ quan, nhẹ dạ, dễ tin tưởng vào các đối tượng, trong khi đó bản thân chưa kiểm chứng được thông tin tuyển dụng. Nhu cầu của người dân lớn. Đó là nhu cầu chính đáng nhưng các đối tượng xấu đã lợi dụng nhu cầu đó để trục lợi. Bởi vậy, người dân cần phải dựa vào các mối quan hệ, tìm hiểu rõ thông tin trước khi đặt niềm tin và trao tiền cho người lạ.

Hiện nay, Singapore, Nhật Bản, Australia, Canada... là những thị trường XKLĐ khá “khó tính”. Người lao động nước ngoài muốn được cấp visa ở lại làm việc tại những nước này phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực. Cụ thể như pháp luật Singapore quy định, người lao động nước ngoài muốn được cấp phép làm việc phải có một trong 3 loại visa sau: Thứ nhất là Work Permit (giấy phép làm việc): lao động phổ thông làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, hàng hải, chế biến và dịch vụ; không có quy định về mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài; Thứ hai, S Pass (visa S Pass): lao động kỹ thuật, mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài phải từ 2.200SGD/tháng trở lên (bao gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hàng tháng); Thứ ba, E Pass (visa E Pass): lao động phải là chuyên gia, mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài phải từ 3.300 SGD/tháng trở lên (bao gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hàng tháng).

“Hiện nay, người lao động Việt Nam có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass hoặc E Pass. Chính phủ nước này không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit”,  bà Trần Thị Vân Hà nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước và công an các tỉnh thành, người dân không nên nôn nóng, tin kẻ xấu, cần “chọn mặt gửi vàng” vào các cơ quan có chức năng tuyển dụng, đưa người đi XKLĐ để tránh bị kẻ xấu trục lợi.


Bài, ảnh: Khánh Lý
Ý kiến của bạn