“Tiền mất nợ mang”

06-08-2012 12:27 | Thời sự
google news

Chưa một lần biết đến máy vi tính nhưng thay vì bỏ tiền mua hàng thật nhiều nông dân đã bỏ tiền mua gian hàng điện tử của một số sàn giao dịch thương mại điện tử.

(SKDS) - Chưa một lần biết đến máy vi tính nhưng thay vì bỏ tiền mua hàng thật nhiều nông dân đã bỏ tiền mua gian hàng điện tử của một số sàn giao dịch thương mại điện tử. Để lôi kéo người tham gia, các doanh nghiệp thường hứa hẹn những mức thu nhập rất cao từ việc “phát triển mạng lưới gian hàng”, theo đó tổng số tiền hoa hồng một người có thể được hưởng lên đến vài trăm triệu đồng. Hoa hồng chẳng thấy đâu mà chỉ thấy người dân đang oằn lưng gánh chịu nợ nần.

Ước mong đổi đời…

Không biết gì về vi tính nhưng chồng chị Nông Thị Huệ ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar (Đăk Lăk) mua cả 2 gian hàng điện tử trên mạng. Nhà chỉ có 2 sào đất, mấy con vịt, không hiểu anh bán gì được trên đó?

Bùi tai với chiêu tiếp thị “trao tiện ích, nhận thành công”, mong làm giàu nhanh chóng, chị Trần Thị Dung (thôn 9, xã Ea Ô) cũng vay nóng mua 2 gian hàng điện tử. Đến nay, nợ cả gốc và lãi trên 14 triệu đồng, trong khi nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ. Ở cùng xã, gia đình anh Dương Hoàng Cường cũng mua 3 gian hàng điện tử, giờ đành “ngậm đắng nuốt cay” không biết dùng để làm gì, bán lại thì không ai mua.

Nghe giới thiệu, nếu lên “VIP”, mỗi tháng kiếm được cả trăm triệu đồng, một phụ nữ ở phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ mua tới 5 gian hàng. Bà chỉ nhớ mỗi tên đăng nhập “thangloi1”, không nhớ mật khẩu, tài khoản máy tính thì bà “bó tay” vì suốt ngày chỉ biết chăn gà, nuôi lợn.

Nghĩ mua nhiều nhanh lên cấp, hưởng hoa hồng cao, một bác ở phường An Bình, thị xã Buôn Hồ lâm cảnh đứng ngồi không yên, vì trót cắm bìa đỏ để mua tới... 10 gian hàng điện tử.

 Gian hàng điện tử ảo trên mạng - hình thức kinh doanh không lành mạnh. Ảnh: DT

Có dấu hiệu kinh doanh không lành mạnh

Cách thức hoạt động điển hình của những doanh nghiệp dạng này là thiết lập một website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên đó cho phép những thành viên đã nộp tiền được mở một gian hàng ảo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Sau khi đóng một khoản phí ban đầu vài triệu đồng thì bên cạnh việc được mở gian hàng ảo trên website, mỗi thành viên được thêm quyền lợi là giới thiệu những người khác tham gia mua gian hàng ảo và hưởng hoa hồng vài chục phần trăm cho mỗi hợp đồng mà mình giới thiệu.

Để lôi kéo người tham gia, các doanh nghiệp thường hứa hẹn những mức thu nhập rất cao từ việc “phát triển mạng lưới gian hàng”, theo đó tổng số tiền hoa hồng một người có thể được hưởng (cả trực tiếp và gián tiếp trên các gian hàng bán được theo những tầng tiếp thị bên dưới) được quảng cáo lên đến vài trăm triệu đồng.

Như Công ty MB24 đóng trụ sở chính tại Lô 4 (khu biệt thự C8, Mỹ Đình 1, Từ Liêm, Hà Nội), là chủ sở hữu của một trang thương mại điện tử được nhiều người biết tới. Tại Đắk Lắk, MB24 có 2 chi nhánh ở buôn Suk (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) và TP. Buôn Ma Thuột (tại A8, khu Hiệp Phúc, phường Tân Lợi). Tại hai chi nhánh này đối tượng khách hàng là những người nông dân nghèo.

Cách chia thưởng hoa hồng cho khách hàng mua gian hàng được tính theo hệ “nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng”. Theo đó, người giới thiệu trực tiếp sẽ được hưởng 1,5 triệu đồng và hưởng gián tiếp 320.000 đồng mỗi cặp từ nhánh dưới. Khi mỗi nhánh đủ 99 cặp gian hàng điện tử, người sở hữu gian hàng điện tử cấp một sẽ trở thành VIP - phần hoa hồng tương đương trên 111 triệu đồng. Và sau đó là VIP 1, VIP 2, VIP 3…

Tuy nhiên, các điều khoản về cơ chế đóng phí, trả hoa hồng thường không được quy định rõ trong hợp đồng và các giao dịch chuyển tiền cũng không có chứng từ giao lại cho thành viên.

Do mức hoa hồng hấp dẫn và cơ chế phân chia hoa hồng đa cấp, phần lớn những người nộp phí mua gian hàng ảo trên website đều hướng tới mục tiêu thu lợi nhuận từ hoạt động giới thiệu, lôi kéo người khác tham gia thay vì tiến hành kinh doanh trên những gian hàng này. Kết quả là đa số gian hàng trên các website dạng này đều là gian hàng trống, không có thông tin gì về chủ gian hàng cũng như sản phẩm cần bán.

Theo các cơ quan chức năng, việc mua bán này có dấu hiệu không bình thường. Người dân bỏ tiền mua gian hàng điện tử nhưng không có chứng từ, cũng không mang lại lợi ích thiết thực.

Khuyến cáo của cơ quan chức năng

Trước những thông tin nhiều người dân nhất là những bà con ở vùng sâu, vùng xa. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã bỏ tiền mua gian hàng điện tử ảo trên mạng, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương  khuyến cáo người dân về một số sàn giao dịch điện tử không lành mạnh.
 
Theo quy định của Thông tư 46/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Công Thương, hiện nay Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương thực hiện việc xác nhận đăng ký cho các sàn giao dịch thương mại điện tử - là các website trên đó cá nhân, thương nhân, tổ chức không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của mình cho người khác. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư không bao gồm các website có mô hình hoạt động phức hợp như trên, cũng không quy định về các giao dịch trong đó thành viên trên website tham gia môi giới, kiếm lời từ hoa hồng trả cho việc giới thiệu người tham gia.
 
 Làm nghề thủ công phát triển kinh tế ở Đồng Tháp.   Ảnh: TL
Do đó, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin không xác nhận đăng ký dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của Thông tư 46/2010/TT-BTC cho những doanh nghiệp hoạt động theo mô hình nêu trên.
 
Hiện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin được giao thực hiện việc cấp đăng ký cho các sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Thông tư số 46/2010/TT-BCT. Tuy nhiên, việc cấp đăng ký cho các sàn giao dịch thương mại điện tử này chỉ căn cứ vào hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, có đối chiếu với thông tin thể hiện trên website tại thời điểm đăng ký.
 
Việc cấp đăng ký không phải là một sự đảm bảo về uy tín của doanh nghiệp hay chất lượng của hàng hóa, dịch vụ quảng bá trên website. Vì vậy, cần tuyên truyền để người dân hiểu được hậu quả của việc tham gia các mô hình bán hàng đa cấp, những gian hàng điện tử ảo trên mạng theo dạng biến tướng của bán hàng đa cấp, để rồi “tiền mất nợ mang”.       

  Nam Khánh


Ý kiến của bạn