Nghe tin nhạc sĩ Xuân Oanh ra đi, chúng tôi - những người hàng xóm của ông - vô cùng xúc động, mặc dù biết ông không được khỏe ít tháng nay. Vẫn biết với tuổi ngoài tám mươi, với ngần ấy đóng góp cho đời, việc ra đi của ông chỉ như một giấc ngủ dài, nghỉ ngơi mà thôi, vậy mà không sao cầm được nước mắt.
Còn nhớ những lần trò chuyện cùng ông, nghe ông dạo đàn piano trong căn buồng tầng hầm 54 Quán Sứ (Đài Phát thanh cũ), nghe những bản tình ca ông viết từ đã lâu, tuy ít phổ biến nhưng cả một thế hệ ghi nhớ. Ông nấu rất ngon các món ăn "Tây" và khẩu vị của ông có lẽ hoàn toàn "Tây", sang trọng từ cái thảm lót ghế, bức tranh treo tường đến tiếng piano thánh thót cộng với những câu chuyện đầy chất tư duy minh triết khiến cho người đối diện luôn thán phục. Đó là những nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ... những người quý trọng và cảm phục sức sáng tạo bền bỉ cùng khả năng hóm hỉnh hài hước của ông.
Nhạc sĩ Xuân Oanh. |
Cơ quan tôi ở góc Tràng Thi - Quán Sứ, chúng tôi như là hàng xóm của ông. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha gần đây rất hay sang thăm ông. Còn với tôi, ông coi như một người em, ông đã giúp dịch một số truyện ngắn của tôi sang tiếng Anh và tặng không ít những băng đĩa nhạc của ông và của một số nhà soạn nhạc cổ điển quốc tế.
Nổi tiếng và bình dị là hai phạm trù rất khó song hành. Nhạc sĩ Xuân Oanh nổi tiếng mấy chục năm nay, không chỉ bởi những tác phẩm âm nhạc của ông đã đi vào lịch sử dân tộc, có những bài từng là nhạc hiệu chương trình Quốc tế trên Đài Tiếng nói Việt Nam mà còn bởi ông là Tổng thư ký Ủy ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam trong nhiều năm. Nhưng ông bình dị đến nỗi, nhiều người trong xóm ông ở chỉ biết đó là một nhạc sĩ già, nhiều năm sống âm thầm, khi thì viết vẽ cái gì đó, khi thì im lặng ngồi nghe tiếng của âm thanh. Thế thôi, chẳng ồn ào, ra vẻ gì cả.
Giờ nghe tin ông mất, chúng tôi không thể không bồi hồi nhớ câu chuyện ông kể cách đây mười năm, rằng: Ngay trong ngày khởi nghĩa 19/8/1945, trong đoàn người biểu tình đi từ phía Cửa Nam lên Tràng Tiền, trung tâm thành phố Hà Nội, người thanh niên yêu nước Xuân Oanh vừa đi vừa nghĩ từng câu một cho một bài hát mà ông tâm niệm từ đêm trước. Sau đó, thay vì hô khẩu hiệu, khi bài hát hình thành xong trong đầu, ngay lập tức ông đã hát vang lên để mọi người hát theo. Khí thế đoàn biểu tình hừng hực, vừa đi vừa hát, đến khi dừng lại là bài hát trọn vẹn: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu hết lòng cho chiến đấu tương lai/ 19 tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét/ Đứng lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung...". Sau những giờ biểu tình ngoài phố, tối ấy, Xuân Oanh ghi lại lời và giai điệu vào một tờ giấy ở nhà. Hôm sau, bài hát được truyền đi, trở thành bài ca trong suốt cuộc kháng chiến. Và cho đến ngày nay, mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, bài hát lại vang lên trong lòng mỗi người dân nước Việt.
Tham gia hoạt động kháng chiến chống Pháp cùng các ông Nguyễn Đình Thi , Văn Cao... và tự học tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức tới mức hoàn chỉnh. Sớm có tố chất nghệ sĩ, giàu khả năng sáng tạo nên ông đã viết nhiều bài hát từ khi tuổi đời còn rất trẻ: Đời vẫn tươi, Quê hương anh bộ đội Bạch dương; Trúc đào Nagakui, Như con chim non. Không chỉ là nhạc sĩ với nhiều tác phẩm còn mãi với lịch sử, ông còn là dịch giả những cuốn sách văn học: Trần trụi giữa bầy sói; Béc na Sô ; Giáo chủ trong điện Krem-lanh; Hai số phận..., là tác giả tập trường ca Đi tìm thời gian ở khoảng giữa...
Với những cống hiến của mình, nhạc sĩ Xuân Oanh đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007), Huân chương Độc lập Hạng 3 (1998), Huy chương Vì sự nghiệp hòa bình - hữu nghị giữa các dân tộc, Huy chương danh dự của Hội đồng Hòa bình thế giới....
Lúc này đây, có lẽ ít người cầm được nước mắt khi nghe giai điệu và lời ca của Quê hương anh bộ đội, của Gọi thu (thơ Nguyễn Thị Hồng)...
Trần Thị Trường