Hồi sức gây mê giúp nâng cao chất lượng phẫu thuật
Có phẫu thuật lớn, phẫu thuật nhỏ nhưng không có cuộc gây mê nhỏ. Trước đây khi chỉ có phương tiện kỹ thuật thô sơ, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, các bác sĩ gây mê hồi sức chỉ quan tâm làm thế nào giữ an toàn tính mạng của người bệnh qua cuộc phẫu thuật. Chất lượng gây mê, chất lượng hồi tỉnh, chất lượng giảm đau sau mổ cũng như hồi phục sau mổ chưa được quan tâm đúng mức. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật yêu cầu đặt ra cho người làm gây mê hồi sức không chỉ là giữ an toàn mà còn phải nâng cao được chất lượng cuộc phẫu thuật như: Tối ưu hóa bệnh nhân trước mổ, chống buồn nôn và nôn sau mổ, chống đau, vận động sớm sau mổ, giúp bệnh nhân nhanh hồi phục, giảm thiểu đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Có thể nói rằng chuyên ngành gây mê hồi sức là 1 trong 10 phát kiến vĩ đại của y học trong thế kỷ 20 cho tới nay.
Kỹ thuật giúp bệnh nhân giải thoát gánh nặng cơn đau
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mỗi năm có hàng chục ngàn bệnh nhân được phẫu thuật, những đau đớn trong và sau mổ mà người bệnh phải trải qua luôn là trăn trở của các bác sĩ. Ngoài việc phát triển những mảng chuyên sâu như gây mê hồi sức cho phẫu thuật ghép tạng (gan, phổi, tim, khối tim phổi,...), phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, chấn thương chỉnh hình, ngoại thần kinh, tạo hình hàm mặt, tiêu hóa, gan mật, tiết niệu...; một trong các mũi nhọn Khoa Gây mê hồi sức nơi đây đang tập trung phát triển là mảng “điều trị đau”.
Đào tạo kỹ thuật giảm đau sau phẫu thuật tại BVTWQĐ 108.
Mô hình điều trị đau hiện nay bệnh viện thường áp dụng là “đa mô thức”. Gây mê cân bằng, điều trị đau ngay trước khi bệnh nhân tỉnh, phối hợp nhiều loại thuốc và kỹ thuật gây tê kết hợp trước trong và sau mổ, theo dõi sát sau mổ để có các biện pháp giảm đau phù hợp cho từng người bệnh. Từ năm 2015,bệnh viện đã áp dụng gây tê vùng dưới hướng dẫn siêu âm điều trị đau trong và sau mổ - đây là kỹ thuật rất mới trên thế giới và cũng chỉ mới được một số bệnh viện lớn tại Việt Nam áp dụng.
Trong 2 thập kỷ trở lại đây, việc ứng dụng siêu âm trong các kỹ thuật gây tê vùng đã phát triển nhanh chóng, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh và nhân viên y tế. Khi thực hiện gây tê dưới hướng dẫn siêu âm, bác sĩ gây mê có thể quan sát được chính xác dây thần kinh, vị trí tiêm thuốc nhờ đó giảm thiểu được các tai biến, biến chứng, như; tổn thương dây thần kinh, tiêm thuốc vào mạch máu gây ra ngộ độc thuốc tê, tiêm thuốc không đúng vị trí dẫn đến thất bại trong kỹ thuật.
Những kỹ thuật gây tê vùng dưới hướng dẫn siêu âm đang được phát triển và thực hành hiện nay: Gây tê và đặt catheter truyền thuốc liên tục đám rối thần kinh cánh tay qua đường gian cơ bậc thang, đường trên xương đòn giảm đau trong và sau mổ cho các phẫu thuật vùng cánh tay, cẳng tay và bàn tay. Gây tê và đặt catheter truyền thuốc liên tục khoang cạnh cột sống ngực, cơ dựng sống giảm đau trong và sau phẫu thuật lồng ngực như mổ lồng ngực, trung thất mổ cắt phổi. Gây tê và đặt catheter truyền thuốc liên tục cơ vuông thắt lưng. Gây tê bao cơ thẳng bụng giảm đau trong và sau mổ cho các phẫu thuật bụng như cắt gan, cắt thận, cắt dạ dày, phẫu thuật đại trực tràng. Gây tê và đặt catheter truyền thuốc liên tục dây thần kinh đùi giảm đau cho các phẫu thuật kết hợp xương đùi, phẫu thuật vùng đầu gối... Thuốc tê được đưa chính xác vào thân thần kinh và khu vực thần kinh chi phối cảm giác đau bằng cách tiêm liều đơn, truyền liên tục, do bệnh nhân tự điều khiển làm bệnh nhân không còn cảm giác đau trong những ngày sau mổ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái chóng hồi phục sức khỏe, giảm thiểu các biến chứng sau mổ.