Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới, đứng đầu trong các loại ung thư ở nữ giới. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, trên thế giới có 2.261.419 người được chẩn đoán mắc ung thư vú chiếm tỷ lệ 11,7% và có 684.996 người tử vong vì căn bệnh này chiếm 6,9%.
Tại Việt Nam, ghi nhận ung thư 2020, 21.555 người mắc mới, tử vong 9.345 người, tỷ lệ mắc ung thư vú chuẩn theo tuổi 34.2/100.000. Tại Việt Nam, 10 năm gần đây, ung thư vú là ung thư hàng đầu ở nữ giới và ngày càng trẻ hóa. Tỉ lệ ung thư vú ở người trẻ dưới 35 tuổi là khoảng 5-10%.
Nhiều phụ nữ mắc bệnh ung thư, sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú họ cảm thấy mặc cảm với sự khiếm khuyết về hình thể của mình, mất tự tin trong giao tiếp xã hội cũng như trong cuộc sống gia đình, nhất là ở những phụ nữ trẻ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Chính vì vậy, việc tái tạo lại vú sau cắt tuyến vú là một nhu cầu cần thiết với nhiều bệnh nhân UTV. Khi điều kiện đời sống kinh tế xã hội phát triển, thì nhu cầu này càng trở nên cần thiết hơn.
Chị T.T.K. (42 tuổi, ở huyện Đô Lương, Nghệ An) cho biết, cách đây 2 năm biết được thông tin về chương trình sàng lọc phát hiện ung thư sớm cho phụ nữ ngoài tuổi 40 chị đi khám định kỳ tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An phát hiện mình bị ung thư vú trái. Thời điểm đó, tinh thần chị suy sụp.
"Nhận tin mình bị ung thư vú tôi rất hoang mang. Tôi trao đổi với các bác sĩ về tình hình sức khỏe cũng như mong muốn của chị đó là phẫu thuật điều trị ung thư, nhưng vẫn hy vọng sẽ giữ được sự cân đối 2 bên ngực. Khi nghe bác sĩ trao đổi sau khi cắt tuyến vú điều trị ung thư, sẽ phẫu thuật tạo hình sử dụng vạt da cơ mỡ của cơ thẳng bụng để tái tạo bên vú bị cắt bỏ; đồng thời nâng ngực bên đối diện để tạo sự cân đối hài hòa. Lúc đó tôi vui lắm", chị K. tâm sự.
Sau khi trải qua phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu, tuyến vú bị cắt bỏ của chị K. đã được tái tạo khá hoàn chỉnh. Bên tuyến vú đối diện cũng được cân chỉnh trở nên gọn gàng, cân đối. Phần bụng dưới đã trở nên thon gọn không ngờ sau khi lượng da, cơ mỡ được lấy đi được sử dụng để tái tạo tuyến vú.
Trước đây, bệnh nhân mắc ung thư thường được phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú hoặc phẫu thuật bảo tồn, treo sa trễ, hay tạo hình vú, song đây là phương pháp mới mà có thể lấy vạt da cơ mỡ của cơ thẳng bụng để tái tạo bên vú bị cắt bỏ. Như vậy chị em vừa giữ gìn được vòng một mà lại thon gọn vòng 2.
Thạc sĩ. BSCKII Vũ Đình Giáp, Trưởng khoa Ngoại Vú, BV Ung bướu Nghệ An cho biết, tái tạo vú không làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở bên còn lại hoặc tái phát ung thư, ảnh hưởng đến tiên lượng điều trị. Tái tạo phải đảm bảo: đúng mục đích, nhu cầu, an toàn, vừa đạt yêu cầu ung thư vừa đạt thẩm mỹ và không cản trở cho điều trị, theo dõi sức khỏe sau đó.
Theo bác sĩ Giáp, phẫu thuật tái tạo vú có thể thực hiện ngay sau khi cắt tuyến vú hoặc trì hoãn sau quá trình điều trị hóa xạ bổ trợ. Vật liệu tái tạo cũng khác nhau, có thể là các vật liệu tổng hợp (túi nước, silicon, ...) hay các vạt da cơ tự thân. Tùy theo nhu cầu của người bệnh và điều kiện cụ thể mà có thể lựa chọn các phương pháp, các vật liệu khác nhau để đem lại hiệu quả và giá trị tốt nhất. Các vạt da cơ được sử dụng trên lâm sàng thường là vạt da cơ lưng to hoặc vạt da cơ thẳng bụng.
Khoa Ngoại Vú – Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An mỗi năm thực hiện hơn 400 ca mổ ung thư vú và nhiều kỹ thuật chuyên sâu khác nhau để tái tạo lại tuyến vú cho các bệnh nhân, trong đó đáng chú ý nhất là: "kỹ thuật tái tạo vú tức thì bằng vạt da cơ lưng rộng ( vạt LD) kết hợp với túi độn" góp phần mang đến niềm hi vọng mới cho các bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi.
Tái tạo vú là phẫu thuật tái tạo hình lại hình dạng vú bình thường cho phụ nữ đã phẫu thuật cắt vú trong điều trị ung thư hay bị mất tổ chức tuyến vú do bỏng, chấn thương. Tái tạo vú giúp người bệnh xóa được mặc cảm, tự ti, giúp hòa nhập với cuộc sống bình thường và đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Việc tái tạo vú không làm tăng tỉ lệ tái phát cũng như không làm kéo dài thời gian hỗ trợ điều trị trong ung thư vú. Đây là phẫu thuật lớn, trải qua nhiều giai đoạn nên cần người bệnh phải hiểu và hợp tác tốt với các bác sĩ trong quá trình tái tạo vú.
Phẫu thuật tái tạo vú là phẫu thuật lớn, mang tính chất tiếp nối điều trị và đòi hỏi kỹ thuật cao. Do đó, không phải bệnh nhân ung thư vú nào cũng có thể thực hiện tái tạo ngực. Phương pháp này chỉ thực hiện trên các bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và có đủ điều kiện sức khỏe. Các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ và đưa ra phương pháp cụ thể từng bệnh nhân.
Ung thư vú có thể phát hiện sớm và chữa khỏi nếu điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Ngày nay với sự phát triển của y học hiện đại, việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú đã nâng cao tỷ lệ chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân ung thư vú.