Tiêm vào khớp - Ai nên, ai không?

20-07-2013 08:18 | Bệnh thường gặp
google news

Tiêm vào khớp và các tổ chức phần mềm cạnh khớp là một trong các thủ thuật đơn giản, ít tốn kém, an toàn và hiệu quả điều trị cao, vì vậy, không ít người bệnh xương khớp muốn hoặc đề nghị được tiêm

Tiêm vào khớp và các tổ chức phần mềm cạnh khớp là một trong các thủ thuật đơn giản, ít tốn kém, an toàn và hiệu quả điều trị cao, vì vậy, không ít người bệnh xương khớp muốn hoặc đề nghị được tiêm. Để giúp bạn đọc hiểu về liệu pháp điều trị này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS.TS. Trần Thị Minh Hoa đề cập đến những lý do và nguyên tắc khi sử dụng thủ thuật này.

Tiêm vào khớp và tổ chức phần mềm cạnh khớp là một liệu pháp dùng kim nhỏ đưa thuốc vào ổ khớp hoặc phần mềm cạnh khớp để điều trị tại chỗ một số bệnh lý khớp viêm. Tiêm khớp và tiêm phần mềm cạnh khớp cần phải được tiến hành tại các cơ sở y tế chuyên khoa (phòng tiểu thủ thuật với các điều kiện vô khuẩn) do các thầy thuốc về chuyên ngành cơ xương khớp thực hiện.

Tiêm vào khớp - Ai nên, ai không? 1Tiêm tại chỗ khớp gối.

Ai nên tiêm vào khớp?

 Tiêm khớp và tiêm phần mềm quanh khớp chỉ được áp dụng điều trị tại chỗ cho các bệnh nhân bị các bệnh lý phần mềm cạnh khớp như: viêm gân và các điểm bám gân (viêm mỏm châm quay, châm trụ, lồi cầu cánh tay, viêm mào chậu, viêm gân Achilles...); viêm bao gân: đau quanh khớp vai, hội chứng đường hầm cổ tay...; viêm sụn sườn.

 Các thầy thuốc thường chỉ định thủ thuật này cho các bệnh nhân mắc một số bệnh viêm màng hoạt dịch khớp không đặc hiệu như thoái hóa khớp ở giai đoạn nhẹ: khớp gối, khớp thái dương hàm, khớp bàn cổ chân, khớp vai; viêm khớp dạng thấp: khớp gối, khớp bàn cổ tay, khớp khuỷu tay, khớp vai, khớp bàn ngón tay, khớp bàn cổ chân...; bệnh lý cột sống thể huyết thanh âm tính: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp mạn tính thiếu niên...; viêm khớp sau chấn thương (không có tràn máu khớp do chấn thương); bệnh gút và các bệnh viêm khớp do vi tinh thể khác.

Phương pháp tiêm cạnh cột sống, tiêm ngoài màng cứng, tiêm vào đĩa đệm... được áp dụng trong điều trị một số bệnh đau cột sống thắt lưng mạn tính, đau thần kinh tọa, hội chứng vai tay... do các bác sĩ chuyên khoa khớp chỉ định khi cần thiết.

Cần lưu ý rằng: chỉ nên áp dụng tiêm khớp sau khi các biện pháp điều trị nội khoa không có kết quả (vật lý trị liệu, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid) nhằm tránh việc lạm dụng tiêm khớp và tiêm phần mềm quanh khớp. 

Ai không được tiêm?

Không được áp dụng tiêm khớp và tiêm phần mềm cạnh khớp cho các trường hợp: viêm khớp nhiễm khuẩn (viêm khớp mủ, lao khớp...), u xương khớp (lành tính và ác tính), tổn thương khớp do bệnh lý thần kinh, bệnh máu, nhiễm khuẩn ngoài da vùng tiêm khớp. Thực tế cho thấy, nếu tiêm khớp trong các trường hợp này không những không cải thiện được tình trạng bệnh mà làm cho bệnh tiến triển nhanh và trầm trọng hơn, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Thận trọng chỉ định tiêm khớp đối với bệnh nhân có tình trạng đái tháo đường chưa kiểm soát được, tăng huyết áp không ổn định, bệnh lý máu, nhiễm nấm, suy giảm miễn dịch (HIV), bệnh nhân điều trị các thuốc ức chế miễn dịch liều cao và kéo dài.

Nhìn chung, tiêm khớp và tiêm phần mềm quanh khớp là một liệu pháp điều trị bệnh khớp an toàn, hiệu quả và chi phí thấp. Tai biến chỉ xảy ra khi chỉ định tiêm khớp không đúng, không tiêm theo đúng quy trình.

Nhiễm khuẩn phần mềm khớp cổ tay do không đúng quy trình tiêm.

PGS.TS. TRẦN THỊ MINH HOA

(Khoa Khớp, Bệnh viện Bạch Mai)


Những lưu ý khi tiêm vào khớp

Tiêm khớp phải đúng vị trí giải phẫu của các điểm bám gân, các lồi cầu, dây chằng, bao khớp và ổ khớp, tuyệt đối tránh tiêm vào cơ, xương, mạch máu và dây thần kinh quanh khớp vì sẽ dẫn đến hậu quả rất xấu như teo cơ, xốp xương, mất vận động của khớp; Phải đảm bảo đúng các nguyên tắc vô khuẩn (sát khuẩn, bơm kim tiêm vô khuẩn...); Tiêm đúng liều lượng thuốc (chỉ sử dụng các thuốc được phép dùng trong tiêm khớp): Liều lượng thuốc tiêm (từ 0,3 – 1,5ml) tùy thuộc vào kích thước khớp tiêm, tránh đưa một lượng thuốc quá lớn vào ổ khớp hay tổ chức mềm cạnh khớp vì có thể lượng thuốc thừa sẽ làm tăng nguy cơ tổn hại tế bào màng hoạt dịch, có thể gây áp-xe tại chỗ; Sau tiêm, cần dán băng dính vô khuẩn vào chỗ tiêm. Bệnh nhân không rửa nước vào vùng tiêm và chỉ bóc bỏ băng dính ở vùng tiêm sau 8 - 12 giờ.


Ý kiến của bạn