1. Viêm gan B lây truyền thế nào?
Viêm gan B mãn tính là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng ảnh hưởng đến khoảng 250 triệu người trên toàn thế giới. Viêm gan B có thể gây bệnh nhẹ kéo dài vài tuần hoặc có thể dẫn đến bệnh nặng mãn tính.
Nhiễm viêm gan B cấp tính có thể dẫn đến sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, vàng da (vàng da hoặc mắt, nước tiểu sẫm màu, đi cầu phân màu đất sét), đau cơ, khớp và dạ dày.
Nhiễm viêm gan B mãn tính là bệnh kéo dài xảy ra khi virus viêm gan B vẫn còn trong cơ thể. Hầu hết người bệnh chuyển sang giai đoạn phát triển bệnh viêm gan B mãn tính không có triệu chứng, nhưng bệnh có thể vẫn diễn tiến nghiêm trọng dẫn đến tổn thương gan (xơ gan), ung thư gan và tử vong. Những người bị nhiễm bệnh mãn tính có thể lây truyền virus viêm gan B cho người khác.
Viêm gan B lây lan khi máu, tinh dịch hoặc chất dịch cơ thể khác bị nhiễm virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể của người không bị nhiễm bệnh:
- Từ mẹ sang con (nếu người mẹ bị viêm gan B có thể lây truyền cho con).
- Dùng chung các vật dụng như dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng với người bị bệnh
- Tiếp xúc với máu hoặc vết loét hở của người bị bệnh
- Quan hệ tình dục với bạn tình bị nhiễm bệnh
- Dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích ma túy khác
Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm gan B, virus có thể truyền từ mẹ sang con trong bụng mẹ, trong hoặc sau khi sinh. Cứ 3 trẻ thì sẽ có 1 trẻ bị nhiễm bệnh theo cách này sẽ phát triển thành bệnh gan nghiêm trọng. Một số nghiên cứu cũng đã liên kết việc nhiễm viêm gan B trong thai kỳ với việc sinh non và sinh con nhẹ cân.
Việc tầm soát viêm gan B mãn tính trong thai kỳ đã được khuyến cáo từ năm 1998 và vẫn là tiêu chuẩn chăm sóc hiện tại ở nhiều quốc gia.
2. Lợi ích của việc tiêm phòng vaccine viêm gan B trong thai kỳ
Viêm gan B trong thai kỳ không liên quan đến tăng tỷ lệ phá thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, tình trạng sinh non dường như sẽ tăng lên nếu mắc bệnh viêm gan B trong 3 tháng cuối.
60% phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B cấp tính khi sinh hoặc gần sinh sẽ truyền virus cho con của họ. Mặc dù nhiễm trùng hiếm khi có triệu chứng, 70%- 90% trẻ sơ sinh sẽ vẫn bị nhiễm bệnh mãn tính khi trưởng thành và dễ bị xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.
Tiêm vaccine viêm gan B có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B, tránh các biến chứng do virus gây ra cho cả mẹ và thai nhi.
Các yếu tố làm giảm hiệu quả của vaccine viêm gan B trong thai kỳ bao gồm béo phì ở người mẹ, tuổi cao và hút thuốc lá.
3. Khi nào phụ nữ mang thai cần tiêm vaccine?
- Để bảo vệ cho cả mẹ và con không bị lây nhiễm virus HBV, phụ nữ nên chủ động tiêm vaccine ngừa viêm gan B trước khi mang thai để vaccine có đủ thời gian tạo kháng thể phòng bệnh.
-Hiện tại, tất cả phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên khám sàng lọc virus viêm gan B khi đến khám để được chăm sóc trước khi sinh thích hợp.
-Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan B và đã được thực hiện xét nghiệm với kết quả âm tính với virus viêm gan B thì sẽ được tiêm loại vaccine này. Tiêm vaccine viêm gan B dành cho phụ nữ có thai gồm 3 mũi: Mũi đầu tiên tại thời điểm được chỉ định, mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng và mũi thứ 3 sau mũi thứ nhất 6 tháng.
4. Những điều cần lưu ý
Các tác dụng phụ thường gặp của vaccine viêm gan B bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm, suy nhược, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, cảm thấy không khỏe (khó chịu), sốt, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp trên và viêm họng.
Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chủng ngừa viêm gan B.
Các nghiên cứu đã chứng minh tính hiệu quả của vaccine viêm gan B trong thai kỳ, và việc sử dụng vaccine là một thành phần quan trọng trong việc ngăn ngừa lây nhiễm. Hiệu quả của vaccine viêm gan B trong thai kỳ cũng đã được chứng minh là tương đương với người không mang thai.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Viêm gan bí ẩn - gần 700 ca mắc tại 31 quốc gia