Ngày 22 tháng 1 năm 2025, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-BYT kèm theo Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2025, trong đó cho phép tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi.
Đây là giải pháp được đánh giá là cần thiết và kịp thời để sớm kiểm soát dịch sởi đang bùng phát ở một số địa phương trong cả nước.
Phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Lê Kiến Ngãi – Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương để làm rõ thêm về ý nghĩa của chiến dịch này.

TS.BS. Lê Kiến Ngãi -Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Phóng viên: Trong thời gian qua số ca mắc sởi tại một số địa phương tăng cao và có nhiều ca diễn biến nặng. Xin bác sĩ có thể cho biết lý do?
TS.BS. Lê Kiến Ngãi: Khi thực hịện chương trình tiêm chủng vaccine nói chung, cũng như tiêm chủng vaccine sởi thì vẫn luôn có một tỷ lệ trẻ (dù không nhiều) không tiếp cận được với vacine do nhiều lý do khác nhau. Tỷ lệ này gọi là khoảng trống miễn dịch. Theo thời gian (thông thường là 4-5 năm, tuỳ theo tính chất từng loại bệnh), khoảng trống miễn dịch tích luỹ dần, đến một lúc đủ lớn.
Những vùng, những khu vực có có tỷ lệ bao phủ vaccine thường xuyên thấp thì thời gian tích luỹ khoảng trống miễn dịch càng nhanh. Tác nhân gây bệnh, ví dụ như mầm bệnh sởi vẫn tồn tại trong cộng đồng. Khoảng trống miễn dịch lớn, gặp tác nhân gây bệnh, Sự tương tác này tạo ra bùng phát dịch bệnh và sởi cũng vậy.
Đặc điểm của bệnh sởi là tàn phá hệ thống miễn dịch rất mạnh. Do đó, những người có bệnh nền, bệnh mạn tính khi mắc sởi thì bệnh nền cũng dễ trở nên nặng hơn và sởi thì cũng rất dễ diễn biến nặng. Sởi bùng phát mà lại đúng vào thời điểm các bệnh truyễn khác cũng bùng phát, như bệnh Cúm đang bùng phát hiện nay hay một số tác nhân chưa có vaccine phòng bệnh (như virus hợp bào hô hấp- RSV, Adenovirus…) cũng gia tăng, làm cho người nhiễm sởi dễ đồng nhiễm với các tác nhân đó và trở nên diễn biến nặng, thậm chí rất nặng, đe doạ tính mạng.
Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết tại sao có những trẻ đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc sởi?
TS.BS. Lê Kiến Ngãi: Trẻ đã tiêm mũi vaccine đầu tiên, nhưng sau một thời gian dài trẻ không được mũi nhắc lại, làm cho nồng độ kháng thể sinh ra giảm dần xuống mức không còn khả năng bảo vệ, nên nếu gặp nguồn nhiễm trẻ vẫn có thể mắc sởi.
Theo số liệu nghiên cứu và thực tế có một số trẻ (ước tính khoảng 3%) dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi theo phác đồ rồi nhưng vẫn không có đáp ứng miễn dịch, không sinh ra kháng thể chống lại virus sởi, cho nên vẫn có thể nhiễm bệnh nếu phơi nhiễm với virus sởi.
Phóng viên: Theo số liệu của Bộ Y tế có tới gần 30% trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi – tức là chưa tới độ tuổi tiêm chủng. Xin bác sĩ cho biết về số trẻ bệnh dưới 9 tháng tuổi mắc sởi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì như thế nào? Số liệu này nói lên điều gì?
TS.BS. Lê Kiến Ngãi: Theo dõi, giám sát trẻ mắc sởi đến khám và điều trị tại Bệnh viện, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận trong số trẻ bệnh sởi được phát hiện tại bệnh viện, trẻ < 6 tháng tuổi chiếm 5-10%; trẻ từ 6-9 tháng tuổi chiếm 15-20%. Do đây là nhóm tuổỉ mà miễn dịch với sởi được mẹ truyền sang gần như không còn mà lại chưa có chỉ định tiêm vaccine (đến thời điểm này) nên bên cạnh ý nghĩa là nhóm nguy cơ, nhóm dễ bị tổn thương.
Về khía cạnh phòng bệnh, tỷ lệ này nói lên rằng, nếu không được tăng cường miễn dịch nguy cơ lây nhiễm sởi trong cộng đồng vẫn rất cao, khoảng trống miễn dịch tiếp tục lớn cho nên dịch bệnh sẽ vẫn còn bùng phát.
Phóng viên: Ngày 22 tháng 1 năm 2025, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-BYT kèm theo Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi năm 2025, trong đó cho phép tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Theo bác sỹ, việc triển khai chiến dịch này có ý nghĩa như thế nào? Vaccine liệu có an toàn với nhóm trẻ này.
TS.BS. Lê Kiến Ngãi: Đây là chiến dịch cần thiết và kịp thời. Có như vậy mới bảo vệ được nhóm nguy cơ. Đồng thời khoảng trống miễn dịch được thu hẹp tiến tới lấp đầy, làm giảm nguồn nhiễm. Kết hợp với các biện pháp ứng phó không đặc hiệu của cả cá nhân (tăng cường sức khoẻ, kiểm soát bệnh nền, vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay, mang khẩu trang, vệ sinh môi trường bề mặt, thông thoáng nơi ở, quản lý ca bệnh…) rất hy vọng các ca mới mắc sẽ giảm nhanh, đỉnh dịch sẽ bị làm phẳng và dịch bệnh sớm được kiểm soát, đẩy lùi. Một số vaccine có chứa thành phần sởi đã có dữ liệu thử nghiệm cũng như dữ liệu trong thế giới thực cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Và thực tế thực hành tiêm chủng cũng cho thấy ở nhóm trẻ này vaccine có tính dung nạp tốt và bằng chứng an toàn.
Xem thêm video được quan tâm
Bạn có biết các huyệt giúp ngủ ngon? | SKĐS