Virus Varicella zoster chính là nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu. Ai cũng có thể mắc nhưng bệnh phổ biến nhiều ở trẻ em. Biến chứng của bệnh để lại những hậu quả nghiêm trọng vì thế cần được điều trị sớm, đúng. Và tiêm vaccine phòng thủy đậu chính là phương pháp hữu hiệu, đơn giản nhưng lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh.
1. Một số lưu ý về bệnh thủy đậu ở trẻ
Khi nhiễm phải virus Varicella zoster bệnh nhân gặp phải một số triệu chứng: mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, và đặc biệt là trên da xuất hiện những nốt mụn có chứa dịch. Ban đầu những mụn nước này thường mọc ở đầu và mặt, sau đó sẽ lan dần ra toàn thân, nhất là những vùng như sườn, bả vai, nách, lưng, hiếm khi xuất hiện ở bàn chân và bàn tay.
Trong trường hợp bệnh nhân không được phát hiện và điều trị sớm, có thể gặp phải một số biến chứng như: để lại sẹo sâu và khó hồi phục, viêm da do bội nhiễm, viêm tai, viêm thanh quản, thậm chí là viêm phổi, viêm não.
Trong trường hợp phát hiện con mình bị thủy đậu cha mẹ có thể chăm sóc con tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Để tránh lây lan và gặp biến chứng cần cho trẻ cách ly với trẻ lành, nghỉ ngơi, vệ sinh thân thể bằng nước ấm, súc miệng hằng ngày, dinh dưỡng đầy đủ.
2. Thông tin cần biết về tiêm vaccine thủy đậu
Hiện nay, có 2 loại vaccine thủy đậu phổ biến là Varivax và Varicella. Ở nước ta, lịch tiêm vaccine thủy đậu được áp dụng phổ biến như sau:
Trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi:
- Mũi 1: Khi trẻ 12 tháng tuổi, liều 0,5ml, tiêm dưới da
- Mũi 2: Khi trẻ 4 - 6 tuổi, liều 0,5ml, tiêm dưới da
Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên (chưa mắc bệnh thủy đậu lần nào):
- Mũi 1: liều 0,5ml, tiêm dưới da
- Mũi 2: cách mũi 1 từ 4 - 8 tuần, liều 0,5ml, tiêm dưới da
3. Những điều cần lưu ý khi tiêm vaccine thủy đậu cho trẻ
- Thông báo với bác sĩ tư vấn tiêm chủng nếu trẻ có tiền sử dị ứng các mức độ khi tiêm vaccine. Những trẻ có tiền sử dị ứng nặng hoặc phản vệ với vaccine hay bất cứ dị nguyên nào nên được đánh giá toàn diện và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Trẻ có sức để kháng yếu, mắc bệnh ung thư, đang hóa trị, xạ trị, mắc các bệnh lý về máu, suy giảm hệ miễn dịch cần được khám và đánh giá tại bệnh viện để được tư vấn có thể tiêm hoặc không tiêm vaccine.
- Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, đang mắc bệnh mạn tính hoặc nhiễm khuẩn cấp tính, trẻ đang trong thời gian hồi phục sức khỏe,… nên dời lịch hoặc hoãn tiêm cho trẻ.
- Sau khi tiêm vaccine, vẫn cần hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh hoặc có nguy cơ bị bệnh vì lúc này cơ thể chưa có đủ kháng thể để phòng bệnh.
- Cần được theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút. Trong trường thấy trẻ ngay sau tiêm bị chóng mặt, buồn nôn thì bạn nên thông báo ngay với nhân viên y tế tại phòng tiêm chủng
- Lưu ý không bôi, đắp lên vết tiêm để tránh sưng, viêm, nhiễm trùng.
Xem thêm video được quan tâm
Cảnh báo di chứng kéo dài hậu COVID có thể thành hội chứng phổ biến