Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue
Bệnh sốt xuất huyết là do virus Dengue gây ra, được gọi là sốt xuất huyết Dengue (SXHD).
Sự nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue là khi có biến chứng, nhất là biến chứng nặng do hiện tượng thoát mạch tức là bị thoát huyết tương ra khỏi thành mạch gây truỵ tim mạch, suy thận cấp, nếu gặp ở những trường hợp kèm theo chảy máu nhiều sẽ gây mất máu cấp (chảy máu mũi nhiều, chảy máu đường tiêu hoá, rong kinh (phụ nữ) thì càng nguy kịch.
Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch, gây suy tim, thận cấp. Một khi tim không đủ sức bơm máu, cộng với dịch huyết tương thoát ra khỏi lòng mạch máu nhiều làm cho màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng (tràn dịch màng tim cấp).
Bên cạnh đó, thận còn phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp. Khi huyết tương trong cơ thể bị tràn sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp.
Một biến chứng nặng của SXHD thường gặp ở người lớn là xuất huyết não, máu chảy lan nhiều chỗ trong não (tuy biến chứng này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 1%).
Ngoài ra, SXHD có thể dẫn đến biến chứng về mắt gây mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt.
Khi mạch máu trong mắt bị vỡ, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như bị mù mắt.
SXHD đối với nữ giới trong lứa tuổi sinh đẻ nếu mang thai có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy thai, sinh non, thai chết lưu. Nếu bị SXHD trong những ngày đầu mắc bệnh, bà bầu có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi và những ngày tiếp theo, bà bầu có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến hiện tượng chảy máu. Nếu bị SXHD trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sảy thai.
Tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết Dengue có cần đề phòng muỗi đốt?
Virus Dengue lây từ người này sang người khác do muỗi truyền, đó là muỗi vằn (Aedes aegypti) và muỗi hổ châu Á (Aedes albopictus). Virus Dengue lây truyền từ người bệnh SXHD sang người lành qua vết đốt của muỗi, virus Dengue sẽ từ tuyến nước bọt của muỗi vào cơ thể người và gây bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh SXHD là phòng bệnh chung và phòng bệnh đặc hiệu.
Khi chưa có vaccine thì phòng bệnh chung trở nên quan trọng, đó là tuyên truyền cho mọi người dân biết tác hại của bệnh SXHD, sự lây truyền của bệnh là do muỗi đốt, biện pháp phòng chung là diệt muỗi bằng mọi biện pháp từ dân gian (đập muỗi bằng vợt, bằng hai bàn tay, bắt muỗi bằng các loại đèn…) đến dùng hóa diệt muỗi (phun hóa chất); tránh muỗi đốt như nằm màn khi đi ngủ (ngay cả ngủ ban ngày, ngủ trưa).
Song song với diệt muỗi là diệt bọ gậy (loăng quăng là con đẻ của muỗi) bằng các biện pháp đơn giản như khơi thông các loại ao tù, cống rảnh có nước đọng. Tránh để nước đọng sau các đợt mưa như ở các máng nước, rãnh nước hoặc chum vại đựng nước sạch phải có nắp đậy để không cho muỗi vào đẻ trứng, hàng tuần nên thay nước nếu phát hiện có bọ gậy (loăng quăng). Các nơi có khả năng nước bị đọng sau các cơn mưa như lốp xe hỏng, lon bia, lon đựng nước ngọt đã qua sử dụng vất bừa bãi cần thu dọn để không cho muỗi có nơi đẻ trứng… Bởi vì, đó là những nơi thích hợp cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi, nảy nở thành muỗi trưởng thành có khả năng hút máu.
Khi đã có vaccine, phòng bệnh SXHD cũng không được xem thường hoặc loại bỏ biện pháp phòng bệnh chung. Bởi lẽ vaccine phòng SXHD còn có một số hạn chế mà các nhà nghiên cứu đang cố gắng khắc phục nhất là về đối tượng được tiêm chủng (không phải mọi người đều có thể tiêm vaccine và tỷ lệ có sinh kháng thể đặc hiệu chống virus Dengue không phải đạt tỷ lệ 100%),
Tại sao cần tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết Dengue?
Cùng với các biện pháp phòng muỗi đốt khác, tiêm vaccine phòng SXHD được coi là phương pháp phòng ngừa hiệu quả để ngăn ngừa SXHD xảy ra. Bởi vì, muỗi truyền bệnh SXHD có tuổi thọ rất cao và có tốc độ đẻ trứng, sinh sôi đáng kinh ngạc trong điều kiện mưa nhiều, nếu chúng mang virus Dengue thì nguy cơ rất cao gây thành dịch SXHD khi chúng đốt và hút máu người. Nếu tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch, người tiêm có thể giảm được nguy cơ đáng kể mắc bệnh SXHD khi bị muỗi đốt.
Ngoài ra, việc tiêm vaccine còn giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan của bệnh trong cộng đồng, giúp kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Bởi vì, khi tiêm phòng vaccine SXHD, vaccine có tác dụng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Nếu người đã tiêm vaccine khi tiếp xúc với virus Dengue, hệ miễn dịch của cơ thể người đó sẽ phản ứng để sinh ra kháng thể đặc hiệu tiêu diệt virus một cách nhanh chóng, giúp cơ thể người đã tiêm vaccine phòng được bệnh ngăn ngừa được bệnh SXHD xảy ra.
Mặc dù vậy, như ở trên đã nói việc tiêm vaccine không đảm bảo 100% người tiêm sẽ không mắc bệnh SXHD, vì vậy, nếu tiếp xúc với virus, người đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, tuy nhiên mức độ nặng và nguy hiểm sẽ giảm đi một cách đáng kể.
Vaccine phòng sốt xuất huyết là gì?
Ở nước ta có cả 4 type, tuy nhiên có năm gặp type này, có năm type khác xuất hiện. Vì vậy, vaccine phòng bệnh SXHD tốt nhất là loại vaccine phòng được cả 4 type huyết thanh (bốn loại virus) của virus Dengue. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra mục tiêu là phải có một loại vaccine an toàn và hiệu quả để chống lại 4 chủng virus (4 type huyết thanh của virus Dengue) là điều cấp thiết để kiểm soát dịch bệnh.
Vừa qua, một loại vaccine ngừa sốt xuất huyết của Nhật Bản đang được thử nghiệm, bước đầu có hiệu quả phòng bệnh đối với cả 4 type virus gây bệnh sốt xuất huyết. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia thử nghiệm tiêm vaccine này.
Vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên với vaccine phòng bệnh cùng một liều tiêm có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ, do đó cần phải thử nghiệm và có những đánh giá kỹ càng về tác động đối với sức khoẻ trước khi áp dụng rộng rãi trên cộng đồng.