Các bệnh dị ứng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và tỷ lệ mắc bệnh đang ngày càng cao. Theo Global Asthma Network, có 334 triệu người đang sống chung với bệnh hen, khoảng 2% đến 10% người trưởng thành mắc bệnh chàm và hơn ¼ triệu người bị dị ứng thực phẩm. Điều này lại trùng hợp với thời điểm diễn ra tiêm vaccine quy mô lớn cho trẻ.
Một giả thuyết cho rằng tiêm vaccine có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ, làm tăng nhạy cảm với các chất gây dị ứng dẫn đến trẻ dễ bị dị ứng hơn. Tuy vậy, nghiên cứu phân tích tổng hợp của do TS. Caroline J. Lodge, Đại học Melbourne, Úc và các cộng sự tiến hành lại cho kết quả ngược lại với giả thuyết này.
Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu trên PubMed và EMBASE từ tháng 01/1946 đến tháng 01/2018, rà soát các trường hợp dị ứng ở trẻ được tiêm vaccine lao, sởi, ho gà và thu được tổng cộng 35 nghiên cứu thuần tập và 7 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng. Việc tiêm vaccine được so sánh với giả dược hoặc không tiêm nhằm đảm bảo tính khách quan. Kết quả, việc tiêm các vaccine này không làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng, mà còn có thể liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh chàm.
Đây không phải là nghiên cứu duy nhất cho thấy không có mối liên hệ giữa tiêm vaccine và dị ứng. Chương trình nghiên cứu quốc tế về bệnh Hen và Dị ứng ở trẻ (ISAAC) và một nghiên cứu tại Thụy Điển trên 669 trẻ em cũng cho kết quả tương tự.
Vaccine giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các nghiên cứu dịch tễ học quy mô lớn đều không ủng hộ lý thuyết vaccine làm tăng nguy cơ dị ứng hoặc hen. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên ngăn cản việc tiêm chủng cho con mình chỉ vì lo ngại nguy cơ mắc hen cũng như dị ứng ở trẻ.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Chuyên gia y tế hướng dẫn rửa tay đúng cách phòng COVID-19.