1. Tiêm vaccine muộn có ảnh hưởng gì?
Các khuyến cáo đều thống nhất rằng trẻ cần được tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch. Mặc dù việc tăng khoảng cách giữa các mũi tiêm vaccine cơ bản hoặc các mũi tiêm nhắc lại không có ghi nhận nào về việc làm giảm hiệu lực của vaccine. Thế nhưng việc hoàn thành lịch tiêm chủng cơ bản đúng thời điểm là quan trọng nhất, để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tối ưu của vaccine.
Trong trường hợp vì một lý do nào đó mà trẻ không thể tiêm đúng lịch như: Sức khỏe của trẻ tại thời điểm tiêm vaccine không đảm bảo, thiếu hụt vaccine không có lựa chọn thay thế nên bị trì hoãn tiêm… thì cần tiếp tục tiêm cho trẻ sớm nhất ngay khi có thể.
Nguyên tắc chung khi trẻ bị muộn lịch tiêm là tiếp tục tiêm ngay thời điểm trẻ có thể quay lại nơi tiêm chủng. Việc tiêm vaccine bị muộn cũng không cần phải tiêm bắt đầu lại các mũi vaccine, nếu trẻ vẫn còn trong độ tuổi chỉ định tiêm với các thành phần trong vaccine dạng phối hợp.
Ví dụ, tuổi tối đa để tiêm vaccine viêm màng não do (HIB) là 5 tuổi, để phòng bệnh thì phải tiêm đủ số mũi cho trẻ trong độ tuổi này.
Việc tiêm nhắc lại các mũi vaccine theo đúng lịch là rất cần thiết, bởi sau khi tiêm đủ liều các mũi tiêm cơ bản, kháng thể tạo ra sẽ có tác dụng bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với một số loại vaccine, lượng kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian. Khi đó, hệ miễn dịch của trẻ có thể không có đủ khả năng chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, việc tiêm nhắc lại sẽ giúp tăng cường hiệu quả bảo vệ của hệ miễn dịch.
Nhiều loại vaccine cần được tiêm nhắc lại như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não (HIB), thủy đậu, bại liệt, phế cầu... Khoảng cách thời gian tiêm nhắc lại tùy thuộc vào khuyến cáo từ nhà sản xuất và kết quả thử nghiệm lâm sàng của tùy loại vaccine.
2. Có thể tiêm vaccine cho trẻ sớm hơn so với lịch hẹn không?
Nhìn chung, hầu hết các trường hợp đều cần có khoảng cách tiêm giữa các mũi theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc giảm khoảng cách giữa 2 liều tiêm quá giới hạn tối thiểu sẽ gây ra sự giao thoa giữa đáp ứng của cơ thể đối với vaccine vừa tiêm và kháng thể bảo vệ cơ thể của những lần tiêm trước đó. Kết quả dẫn đến là làm giảm đáng kể hiệu quả và tác dụng bảo vệ cơ thể của vaccine.
Quy định về khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều tiêm thay đổi tùy theo loại vaccine.
Không có khoảng cách tối thiểu giữa các mũi tiêm vaccine khác loại, nhưng có khoảng cách tối thiểu giữa các mũi tiêm vaccine cùng loại. Ví dụ như với vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (DTP) thì khoảng cách tối thiểu giữa 3 mũi tiêm cơ bản là 4 tuần.
Các loại vaccine sống sởi - quai bị - rubella - thủy đậu - lao - bại liệt dạng uống (OPV) nếu không được ngừa cùng lúc thì phải cách nhau ít nhất 4 tuần. Ở một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ lâm sàng sẽ xem xét và đưa ra quyết định có tiêm sớm cho trẻ hay không.
3. Có chuyển đổi các dạng vaccine trong lịch tiêm chủng?
Vaccine do nhiều hãng sản xuất và cách gọi tên cũng khác nhau, sự phối hợp các vaccine cũng khác nhau. Ví dụ như vaccine 5 trong 1 đang được lưu hành trên thị trường có nhiều dạng thương mại khác nhau. Một số thành phần chủ yếu có trong vaccine 5 trong 1 đang lưu hành bao gồm: Bạch hầu, uốn ván, ho gà và HIB. Điểm khác biệt giữa các dạng vaccine 5 trong 1 là ở thành phần vaccine thứ 5, đó là có loại là vaccine bại liệt, có loại là vaccine viêm gan B.
Vì vậy để đảm bảo trẻ được bảo vệ hiệu quả với tất cả các bệnh trong mũi tiêm trước đó, thì không nên chuyển đổi sang loại vaccine khác. Trường hợp buộc/cần chuyển từ dạng 5 trong 1 này sang dạng khác, phải lưu ý:
- Cần tiêm thêm một mũi rời viêm gan B nếu thành phần trong mũi tiêm tiếp theo không có vaccine viêm gan B.
- Phải uống kèm một liều vaccine bại liệt (OPV) nếu trong mũi tiêm tiếp theo không có thành phần vaccine bại liệt.
Bên cạnh đó, sự khác nhau về thành phần kháng nguyên giữa các loại vaccine ho gà tùy theo dạng vaccine 5 trong 1, bao gồm vaccine ho gà toàn bào (kháng nguyên là toàn bộ tế bào vi khuẩn ho gà đã được bất hoạt) hoặc vaccine ho gà vô bào (chỉ chọn lọc một số kháng nguyên đặc hiệu của ho gà). Theo khuyến cáo của WHO, nên sử dụng 1 loại vaccine ho gà trong suốt lịch trình tiêm chủng của trẻ.
Mời độc giả xem thêm video:
Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ và một số lưu ý - SKĐS