Tiêm vaccin: Chỉ “căng” phần dịch vụ

13-06-2014 07:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội có nhiều thông tin phản ánh, cho rằng tình hình tiêm chủng vaccin đang rất căng thẳng bởi thiếu vaccin.

Những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội có nhiều thông tin phản ánh, cho rằng tình hình tiêm chủng vaccin đang rất căng thẳng bởi thiếu vaccin. Phóng viên Báo SK&ĐS đã tiến hành cuộc khảo sát.

Vắng vì hết vaccin dịch vụ?

Theo phản ánh của một số bậc phụ huynh tại các điểm tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội 70 Nguyễn Chí Thanh, 35 Trần Bình, số 1 Ông Ích Khiêm đều hết một số loại vaccin dịch vụ như vaacin viêm não, uốn ván, vaccin 6 trong 1... Gặp anh Tạ Đức Quân (phường Mai Dịch, Cầu Giấy) tại điểm tiêm chủng ở phố Trần Bình, anh cho biết, rút kinh nghiệm những lần trước đưa con đến tiêm chủng vừa nắng nóng, lại vừa đông đúc, có lần đến thì hết số, lần đến thì hết vaccin, vì thế lần này, nhiều bậc phụ huynh như anh gọi điện đến hoặc trực tiếp đến hỏi. Anh Quân cho biết thêm, anh đang muốn tiêm phòng mũi viêm não Nhật Bản cho con, nhưng nhân viên của Trung tâm tiêm chủng 35 Trần Bình thông báo phải 2 tuần nữa mới có vaccin này. Theo ghi nhận của PV sáng 11/6 tại Phòng tiêm chủng của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, số 35 Trần Bình, không khí khá vắng lặng, khác hẳn những ngày thường. Nguyên nhân được các nhân viên y tế ở đây lý giải là do một số loại vaccin dịch vụ đã hết nên mới vắng vẻ như vậy.

Người dân ngồi chờ tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

Để tránh tình trạng chen lấn, phải xếp hàng lấy số ở các điểm tiêm chủng của thành phố, nhiều bậc phụ huynh đã chọn giải pháp về trạm y tế xã để tiêm phòng dịch vụ. Tại Trạm y tế phường Mỹ Đình và Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, các nhân viên y tế ở đây cho biết, ngoài tiêm phòng các loại vaccin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Trạm y tế có nhận tiêm phòng dịch vụ một số loại vaccin thủy đậu; sởi, quai bị, Rubella; vaccin 6 trong 1, phòng dại... Để thuận lợi cho các bậc phụ huynh và cháu nhỏ, phụ huynh chỉ cần đăng ký với nhân viên của trạm mũi vaccin cần tiêm cho con và hẹn ngày đến tiêm. Mặc dù vậy, các nhân viên y tế ở đây cũng cho biết, không nhiều phụ huynh đăng ký tiêm phòng dịch vụ tại trạm y tế mà chủ yếu tiêm trong chương trình mục tiêu quốc gia. Chị Lê Mai Hà ở tổ dân phố Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì cho biết, chị chỉ cho con tiêm một số mũi tiêm như lao, sởi nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, còn lại các mũi tiêm khác chị đều đưa con ra các trung tâm tiêm phòng dịch vụ của thành phố mà không tiêm dịch vụ tại phường. Tuy nhiên, hiện nay, tại các trạm y tế xã, khi phụ huynh đăng ký để tiêm dịch vụ cũng nhận được lời hẹn 2 tuần sau mới có vaccin.

Phòng bệnh chủ động: Tuân thủ đúng lịch tiêm

Trao đổi với PV báo SK&ĐS, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, ngành y tế đã lường trước được các vấn đề này và đã đôn đốc các nhà cung cấp vaccin cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân nhưng đối với tiêm vaccin dịch vụ là tùy thuộc vào cung - cầu. Khi người dân có nhu cầu cao đột biến, nhà cung cấp - các công ty cung ứng vaccin - cũng rất bị động, xoay trở không kịp dẫn đến thiếu vaccin cục bộ ở một số loại vaccin. Tiêm vaccin dịch vụ thì ngành y tế Hà Nội rất khó can thiệp sâu vào chuyện kinh doanh của các nhà cung ứng vaccin. “Qua báo SK&ĐS, chúng tôi lần nữa khẳng định, người dân có nhu cầu tiêm vaccin trong chương trình TCMR Quốc gia vẫn được đáp ứng đầy đủ vaccin với đội ngũ cán bộ thực hành tiêm chủng được tập huấn đầy đủ”, ông Hạnh nói.

Theo một số nhà chuyên môn, trong số các bệnh lý thường gặp, người dân thường ngại các bệnh liên quan đến não và vaccin ngừa viêm não do não mô cầu hết nhanh cũng vì nguyên nhân đó. Phòng bệnh chủ động là nên đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng. Nhưng có tình trạng người dân thường không tuân thủ lịch tiêm chủng, mùa dịch sởi vừa qua, rất nhiều bé đã 9 - 10 tuổi mà cha mẹ cho biết chưa tiêm mũi nào! Bên cạnh đó, sở dĩ có sự khan hiếm vaccin dịch vụ tại một số điểm tiêm trên địa bàn Hà Nội cũng như một số địa phương thời gian qua là do thói quen của dân ta là thường có dịch mới đi tiêm nên nhu cầu tăng đột biến dẫn đến chuyện hết vaccin là có.

Không thể không nói đến yếu tố khách quan là do nhận thức của người dân đối với tác dụng và tính an toàn của tiêm vaccin sau một số tai biến xảy ra thời gian qua đã làm giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêm chủng nói chung và tiêm vaccin dịch vụ nói riêng. Một số doanh nghiệp đã nhập hàng về nhưng không tiêu thụ được trong năm 2013 nên hạn chế số lượng nhập khẩu cho năm 2014. Đây cũng là nguyên nhân gây thiếu vaccin dịch vụ. Ngay khi có hiện tượng bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã đồng thời triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung vaccin cho nhu cầu tiêm phòng của người dân. Ngoài việc cấp cho các công ty nhập khẩu vaccin phòng bệnh thủy đậu số đăng ký lưu hành theo nhu cầu thông thường, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu khẩn cấp 77.600 liều vaccin của Hàn Quốc, 19.830 liều vaccin của Bỉ và 200.000 liều của Mỹ sản xuất theo hình thức chưa có số đăng ký. Bộ Y tế đã tổ chức họp Hội đồng xét duyệt thuốc và cấp số đăng ký lưu hành cho các vaccin phòng bệnh thủy đậu theo quy trình rút gọn, đồng thời tổ chức thêm cơ sở thẩm định hồ sơ đăng ký tại TP. Hồ Chí Minh. Ưu tiên kiểm định đối với các lô vaccin sản xuất và nhập khẩu phục vụ phòng chống bệnh dịch.

Tuệ Khanh - Đỗ Hoàng

Theo các chuyên gia y tế, vaccin có đặc thù khác với các thuốc hóa dược là được sản xuất bằng công nghệ sinh học với nhiều công đoạn phức tạp, thời gian cần thiết để sản xuất là khoảng 6 tháng, có hạn dùng ngắn và điều kiện bảo quản đặc biệt. Về lâu dài, để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần kết hợp với cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu ở độ tuổi nào cần tiêm vaccin gì? đi du lịch hay đi làm ở vùng dịch cần tiêm vaccin nào? Từ đó, họ sẽ đăng ký với các điểm tiêm, sau đó mới lên kế hoạch cụ thể cho nhà cung cấp. Làm như vậy sẽ không bị động như hiện nay.


Ý kiến của bạn