Bạch hầu là một trong những bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn gây ra, tạo thành các giả mạc bám vào niêm mạc họng, mũi khiến người bệnh khó nuốt và khó thở. Theo thời gian, các giả mạc này sẽ sản sinh độc tố gây ức chế hoạt động của gan, tim và các dây thần kinh. Một số biến chứng của bạch hầu có thể kể đến như: viêm cơ tim, suy cơ hoành, viêm dây thần kinh, suy hô hấp cấp... có thể gây tử vong. Bệnh dễ gây thành dịch, lây lan và có nhiều diễn biến phức tạp khi tồn tại trong cộng đồng. Bạch hầu lây từ người sang người khi: Tiếp xúc thường xuyên với người bệnh; Chạm vào dịch bài tiết hoặc dùng chung các loại vật dụng cá nhân mà người bệnh đã sử dụng qua.
Bệnh bạch hầu từng là nguyên nhân phổ biến gây ra cả bệnh tật và tử vong ở trẻ em. Trong những năm 1920, Hoa Kỳ đã từng có tới 200.000 trường hợp mắc mỗi năm. Nhờ tiêm vắc-xin bạch hầu, con số đó đã giảm tới 99,9%.
Có 4 loại vắc-xin bảo vệ chống bệnh bạch hầu bao gồm: vắc-xin DTaP (bảo vệ trẻ em khỏi bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà); vắc-xin DT (bảo vệ trẻ em khỏi bệnh bạch hầu và uốn ván); vắc-xin Tdap (bảo vệ thanh thiếu niên và người lớn khỏi bị uốn ván, bạch hầu và ho gà) và vắc-xin Td (bảo vệ thanh thiếu niên và người lớn từ uốn ván và bạch hầu).
Tất cả những người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin bạch hầu đều có thể bị bệnh. Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.
Tiêm phòng bạch hầu cho trẻ.
Ai cần tiêm vắc-xin bạch hầu?
Mọi người đều cần vắc-xin bạch hầu trong suốt cuộc đời của mình. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người cần được tiêm phòng đầy đủ các mũi ở giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đồng thời tiêm nhắc lại khi trưởng thành. Cụ thể:
Trẻ sơ sinh và trẻ em đến 6 tuổi: Ở giai đoạn này, trẻ được tiêm vắc-xin DTaP như một phần trong lịch trình tiêm vắc-xin thông thường (nằm trong chương trình tiêm chủng). Trẻ nhỏ cần 1 liều vắc-xin tại các thời điểm: 2 tháng; 3 tháng; 4 tháng (hoặc 2 tháng, 4 tháng và 6 tháng); 15-18 tháng; 4-6 năm.
Trường hợp trẻ đã có một phản ứng nghiêm trọng với thành phần ho gà có trong vắc-xin DTaP, có thể được chủng ngừa bằng vắc-xin DT thay thế.
Thanh thiếu niên từ 7-18 tuổi: Cần tiêm 1 mũi vắc-xin Tdap ở tuổi 11 hoặc 12 như một phần trong lịch tiêm vắc-xin thông thường.
Người lớn từ 19 tuổi trở lên: Người lớn cần tiêm 1 mũi vắc-xin Td sau mỗi 10 năm như một phần trong lịch trình tiêm chủng vắc-xin thông thường.
Phụ nữ mang thai: Cần tiêm 1 mũi vắc-xin Tdap trong 3 tháng thứ 3 của mỗi thai kỳ.
Ai không nên tiêm vắc-xin bạch hầu?
Bạn không nên tiêm vắc-xin bạch hầu nếu bạn: Bị dị ứng đe dọa tính mạng với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin; đã có một phản ứng nghiêm trọng với vắc-xin bạch hầu, uốn ván hoặc ho gà trong quá khứ.
Hãy chắc chắn nói với bác sĩ của bạn trước khi tiêm vắc-xin nếu bạn: Có cơn động kinh hoặc các vấn đề khác về hệ thần kinh; bị đau hoặc sưng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin bạch hầu, uốn ván hoặc ho gà; hoặc bị Hội chứng Guillain-Barré (một rối loạn hệ thống miễn dịch).
Nếu bạn bị bệnh, cần phải đợi cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn để chủng ngừa bệnh bạch hầu.
Tác dụng phụ của vắc-xin bạch hầu
Tác dụng phụ thường nhẹ và hết sau vài ngày. Chúng có thể bao gồm: Đau, sưng hoặc đỏ khi tiêm; Sốt nhẹ và ớn lạnh; Nhức đầu và đau nhức cơ thể; Cảm thấy mệt; Đau dạ dày, nôn mửa, và tiêu chảy; Không cảm thấy đói; Quấy khóc (ở trẻ em)... Tuy nhiên, cần nhớ rằng tiêm vắc-xin bạch hầu là giải pháp an toàn và tốt nhất để phòng bệnh.
Trong tình hình xuất hiện ca bệnh bạch hầu rải rác ở một số tỉnh thành, trẻ lớn và người lớn có tiền sử tiêm chủng không đầy đủ, không rõ ràng cũng nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn sử dụng các vắc-xin phòng bệnh bạch hầu phù hợp. Tiếp theo lịch tiêm bắt buộc, trẻ lớn hơn và người lớn được khuyến cáo tiêm nhắc vắc-xin ngừa bạch hầu.