Tính đến hết ngày 05/5/2021, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với tổng số người được tiêm là 675.956 người bao gồm cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, toàn bộ số vắc xin từ các nguồn cung nước ngoài về Việt Nam sẽ được tiêm hết vào ngày 15/5. Chính phủ cũng đã thảo luận rất kỹ đề án nhập khẩu, sản xuất và tổ chức tiêm vắc xin, giao Bộ Y tế hoàn chỉnh trong tháng 5/2021.
Tuy nhiên, tiêm vắc xin chỉ là một trong những biện pháp phòng ngừa COVID-19. Ngoài ra, người được tiêm vắc xin cũng cần hiểu rõ, vắc xin không có tác dụng phòng ngừa 100%.
Cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch được tiêm vắc xin COVID-19.
TS. BS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Tổng hợp các thử nghiệm lâm sàng trên thế giới cũng như thực tế sử dụng cho đến thời điểm này với 250 triệu liều trên thế giới được tiêm, đã có những đánh giá hiệu lực của vắc xin sau tiêm. Theo đó, sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của COVID-19 đạt mức 50-70% và hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng 3 tháng sau tiêm liều 1. Ở liều thứ 2, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận đã cho thấy thời điểm tiêm tối ưu nhất ở khoảng cách 3 tháng sau mũi thứ nhất, và ở khoảng cách tiêm này, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%. Ở những khoảng cách ngắn hơn dưới 3 tháng, hiệu quả thấp dần và thấp nhất ở liều tiêu chuẩn (2 mũi cách nhau 1 tháng). TS. Thái nói thêm, đây chính là lý do chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn khuyến cáo giữ khoảng cách hai mũi tiêm ở mức 3 tháng hoặc hơn để có hiệu quả bảo vệ tối ưu. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào tình hình thực tế dịch từng thời điểm cũng như số lượng, tình trạng vắc xin chúng ta có.
TS. BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh về việc cần đề phòng nhiễm bệnh sau tiêm vắc xin.
Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc nhấn mạnh rằng, việc tiêm phòng vắc xin này, hay bất cứ vắc xin nào thì tỉ lệ bảo vệ cũng không thể đạt 100%. Đặc biệt, điều này liên quan tới vấn đề phòng nhiễm bệnh. Thực tế tiêm chủng nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như thế giới, đã cho thấy rất nhiều trường hợp được ghi nhận bị nhiễm vi rút sau khi tiêm vắc xin, nhất là khi mới chỉ tiêm 1 mũi vắc xin. Do không thể đảm bảo phòng nhiễm vi rút 100%, người được tiêm vẫn có thể nhiễm và là nguồn lây cho những người khác- TS. Thái nhấn mạnh. Bởi vậy, sau khi tiêm vắc xin, kể cả mũi 1 lẫn đủ 2 mũi, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Với COVID-19 hiện nay, đó là các biện pháp 5K của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế).
Vậy lợi ích thực sự của vắc xin COVID-19 là gì? Trả lời cho câu hỏi này, TS. BS Phạm Quang Thái khẳng định: Đó chính là bảo vệ người được tiêm khỏi rơi vào thể nặng và phải nhập viện. Cho đến thời điểm này, vắc xin được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ 2 mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong.
Theo thông tin trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, nguy cơ dịch bệnh là rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào, do đó phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan.
Dù đã triển khai tiêm vắc xin và nghiên cứu sản xuất vắc xin, chúng ta vẫn cần hiểu rõ vắc xin không thể phòng ngừa 100% mà cơ bản vẫn phải dựa trên ý thức phòng bệnh của mỗi người dân và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị chứ không riêng ngành nào, cấp nào.