Những người đã khỏi bệnh, đang mắc COVID-19 phải sau 6 tháng mới được tiêm vắc xin
Tại hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 6/3, PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết theo kế hoạch thứ 2 tới đây- ngày 8/3, những mũi vắc xin đầu tiên sẽ được triển khai tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Vắc xin sẽ sử dụng là vắc xin AstraZeneca đã được Tổ chức Y tế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Cập nhật đến 25/2/2021, vắc xin này đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam. Vắc xin này tiêm bắp cho người từ 18 tuổi trở lên và không có độ tuổi giới hạn trên.
Sau khi tiêm chủng có thể xảy ra các phản ứng. Cụ thể, phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh… Ngoài ra, có từ 1 – dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm.
PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW Ảnh:Trần Minh
Giống như vắc xin khác đã sử dụng nhiều năm, vắc xin phòng COVID-19 khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ. Một số người có thể phản ứng chậm (mẫn muộn) sau tiêm nhưng hiện nay chưa ghi nhận số liệu từ các tổ chức quốc tế về vấn đề này cũng như các tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, với các trường hợp nhiễm và khỏi COVID-19 thì phải sau 6 tháng mới được tiêm vắc xin. Những trường hợp này, cơ thể họ đã có một ít kháng thể ở trong người để phòng bệnh.
Trong bối cảnh hiện nay và chỉ dẫn của nhà sản xuất, vắc xin sẽ được ưu tiên tiêm cho các đối tượng chưa phơi nhiễm COVID-19. Những trường hợp không được tiêm là những chống chỉ định của vắc xin, cụ thể: người dị ứng với thành phần của vắc xin, có phản ứng nặng trầm trọng với mũi tiêm trước, những người được cán bộ y tế xác định chưa đủ điều kiện tiêm chủng như mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, đang điều trị các miễn dịch, hóa trị... sẽ phải tạm hoãn tiêm chủng.
Bộ Y tế yêu cầu cán bộ y tế các tuyến, khuyến cáo điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản… đảm bảo yêu cầu. Điểm tiêm chủng phải có hộp chống sốc. Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ phác đồ phòng chống sốc cho người lớn.
PGS.TS Dương Thị Hồng lưu ý các cơ sở tiêm chủng tổ chức dưới 100 đối tượng tiêm chủng/điểm/buổi trong giai đoạn đầu để đảm bảo an toàn. Khám sàng lọc COVID-19, với người sốt, ho, khó thở chủ động không đến tiêm chủng. Các cơ sở cần thông báo cho những người thuộc đối tượng tiêm chủng về vấn đề này.
Đặc biệt, trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng phải trao đổi hỏi rõ tiền sử bệnh tật xem người tiêm có mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mãn tính phải điều trị, điều trị hoá trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ.
Đối với mũi tiêm thứ 2, phải hỏi người được tiêm có biểu hiện phản ứng trầm trọng của làn trước đó không để tạm hoãn tiêm hoặc hướng dẫn cụ thể.
Các bệnh viện tuyệt đối không đưa người quen, thân vào danh sách tiêm vắc xin COVID-19
Tại hội nghị tập huấn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, y bác sĩ và cán bộ tại 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong đợt đầu. Do đó, đề nghị các bệnh viện thành lập ban chỉ đạo về việc thực hiện tiêm chủng, lên danh sách cụ thể, phân công, phân nhiệm cho các thành viên.
"Tuyệt đối không đưa người nhà, người thân, người quen vào danh sách này, chỉ có các thầy thuốc, nhân viên y tế làm việc trực tiếp" – PGS. TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Ảnh:Trần Minh
Chia sẻ thông tin bản thân các chuyên gia ở Tiểu ban Điều trị, cán bộ Cục Quản lý Khám chữa bệnh của Bộ Y tế thường xuyên tiếp xúc với các bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng sẵn sàng xin không tiêm vắc xin trong đợt đầu, dành ưu tiên cho các y bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê yêu cầu các bệnh viện phải làm hết sức nghiêm túc, cố gắng tối đa để xảy ra sai sót.
Địa phương cần thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21 của Chính phủ về tiêm vắc xin
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý, do số lượng vắc xin lần này sẽ triển khai tiêm từ thứ 2 tới đây có số lượng hạn chế nên các địa phương đã được phân bổ vắc xin, cụ thể là 13 địa phương có bệnh nhân COVID-19, cần thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
“Có như vậy mới tạo được niềm tin khi triển khai tiêm chủng và đảm bảo được công bằng trong tiếp cận vắc xin theo đề nghị của Tổ chức y tế thế giới, của UNCEF và COVAC”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Với các địa phương chưa được phân bổ cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, lên chương trình đào tạo, tập huấn. Hiện nay, Bộ Y tế đang rất tích cực phối hợp với COVAC và đề nghị chuyển vắc xin về Việt Nam sớm nhất có thể. Trong tháng 3 này, sẽ có thêm 1,3 triệu liều vắc xin của COVAC về Việt Nam. Đến tháng 4-5 chúng ta sẽ có nguồn vắc xin dồi dào hơn. Khi có vắc xin lập tức Bộ Y tế sẽ chuyển ngay cho địa phương.
Bộ Y tế đã đàm phán COVAC đã đồng ý cung ứng 30 triệu liều; AstraZeneca đã đồng ý cung ứng 30 triệu liều vắc xin trong năm nay, và Bộ Y tế đã đề nghị nhà sản xuất chuyển vắc xin về Việt Nam trước tháng 9/2021. Đồng thời, Bộ Y tế đang đàm phán tiếp tục với Pfizer để sớm có 30 triệu liều vắc xin. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang đàm phán với các hãng khác.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Việt Nam phải đặt lên hàng đầu, coi an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân là ưu tiên cao nhất giai đoạn hiện nay Ảnh:Trần Minh
“Đề nghị Bộ Y tế cùng với các địa phương coi như là 1 để chúng ta triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 21 cũng như thông báo kết luận của Bộ Chính trị đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin”- Bộ trưởng nói.
Thứ 2 tuần tới sẽ tiến hành tiêm tại Hải Dương và một số bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế đã phân công 3 đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo các điểm tiêm vì đây là vắc xin lần đầu tiên tiêm, tiêm cho người lớn… Công tác triển khai tiêm chủng đảm bảo thận trọng, phải có theo dõi, giám sát, đánh giá và trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thể từ đó tiêm trên diện rộng hơn trong thời gian ngắn nhất có thể.
Coi an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân là ưu tiên cao nhất
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt các cán bộ tiêm chủng thực hiện rất nghiêm theo hướng dẫn chuyên môn, vấn đề chống sốc, phòng vệ…
“Các nước cũng để ý vấn đề này nhưng Việt Nam phải đặt lên hàng đầu, coi an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân là ưu tiên cao nhất cho giai đoạn hiện nay. Vì vậy thái độ xử lý phải rất nhanh và quyết liệt.
Các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ điểm tiêm chủng cần có gì. Phải thực hiện việc xử lý các trường hợp có thể sốc phản vệ nhanh nhất có thể, trong tình huống xảy ra phải rất quyết liệt, rất nhanh mới xử lý được”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người được tiêm vắc xin phải thực hiện nghiêm việc theo dõi 30 phút tại điểm tiêm, theo dõi tại nhà tiếp tục 24h. Đối với trường hợp cấp cứu thực hiện theo đúng hướng dẫn và theo dõi tiếp 24h tại cơ sở y tế.
Theo kế hoạch tiêm chủng, Bộ Y tế cho phép bất kỳ cán bộ tiêm chủng, y tá có thể thực hiện tiêm Adrenaline ngay khi phát hiện người tiêm bị sốc phản vệ.
Cán bộ tiêm chủng thực hiện rất nghiêm theo hướng dẫn chuyên môn, vấn đề chống sốc, phòng vệ…
Đặc biệt, lần này chúng ta áp dụng triệt để công nghệ thông tin. Do lần đầu triển khai nên có thể chưa được nhuần nhuyễn, nhưng Bộ Y tế đã yêu cầu nhà cung cấp phần mềm phải hỗ trợ tối đa cho các điểm tiêm, để khi triển khai sẽ tạo tiện ích và cắt giảm mọi điều kiện về thủ tục hành chính, để tập trung vào chuyên môn tiêm chủng.
Cũng tại hội nghị, người đứng đầu ngành y tế thông tin về vấn đề xã hội hoá liên quan đến tiêm chủng vắc xin COVID-19, hiện nay Bộ Y tế giao cho Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia là đầu mối tiếp nhận tất cả hỗ trợ, kể cả vấn đề về kinh phí, hiện vật đối với công tác tổ chức tiêm vì chúng ta triển khai tiêm trên toàn hệ thống vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chủ động, phát huy phương châm 4 tại chỗ, phối hợp chặt với Bộ Y tế để đảm bảo nguồn cung và phải báo cáo HĐND tỉnh để có kinh phí phục vụ tiêm chủng.
Về vấn đề giá vắc xin, Bộ trưởng thông tin hiện Bộ Y tế đang đàm phán với các nhà cung ứng, khi nào xong sẽ công khai rộng rãi.