Tiêm vắc xin COVID-19 cho bệnh nhân ung thư -Chuyên gia lưu ý

18-06-2021 10:46 | Y học 360

SKĐS - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tiêm vắc xin là biện pháp đang được đẩy nhanh tiến độ, chuyên gia Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai giải đáp những thắc mắc của người bệnh ung thư về tiêm vắc xin COVID-19.

Đối với bệnh nhân ung thư cũng như nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực ung thư có nhiều câu hỏi được quan tâm như: Bệnh nhân ung thư có thể tiêm vắc xin COVID-19? Người đang điều trị ung thư tích cực, người đã kết thúc điều trị ung thư có nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 không?… Cũng như có những khuyến cáo lưu ý như thế nào cho các bệnh nhân này…

Phóng viên Báo Suckhoedoisong.vn có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng- Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.

PV: Xin BS cho biết, mắc ung thư có nên tiêm phòng COVID-19 không?

BS.Nguyễn Thanh Hùng: Theo tài liệu từ Hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ và của Mạng lưới Ung thư Quốc Gia Hoa Kỳ tại thời điểm này, bệnh nhân ung thư có thể được tiêm vắc xin phòng COVID-19 nếu không có chống chỉ định với các thành phần của vắc xin.

Hướng dẫn lâm sàng tạm thời của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng đã bàn luận về những người bị suy giảm miễn dịch. Hướng dẫn nêu rõ, những người bị suy giảm miễn dịch vẫn có thể tiêm vắc xin phòng COVID-19 nếu họ không có chống chỉ định tiêm chủng. Tuy nhiên, họ nên được tư vấn về các vấn đề an toàn và hiệu quả của vắc xin chưa rõ trong quần thể bị suy giảm miễn dịch cũng như khả năng đáp ứng miễn dịch với vắc xin và cần phải tiếp tục tuân theo tất cả những hướng dẫn hiện hành để tự bảo vệ mình chống lại COVID-19.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, mặc dù một số bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể giảm phản ứng với vắc xin nhưng nó vẫn có thể mang lại lợi ích và điều quan trọng là làm giảm nguy cơ lây nhiễm và giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19 với bệnh nhân ung thư khi nhiều bằng chứng gần đây cho thấy họ có tỉ lệ nhiễm trùng nặng cao hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng- Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.

PV: Vậy những người đang điều trị ung thư tích cực có nên tiêm phòng COVID-19 không?

BS.Nguyễn Thanh Hùng: Hiện tại, các bệnh nhân đang được điều trị ung thư có thể được đề nghị tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn là không có chống chỉ định với bất kì thành phần nào của thuốc. Các bác sĩ ung thư có kinh nghiệm có thể tư vấn các loại vắc xin khác nhau cho bệnh nhân đang điều trị hoá trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch hoặc ghép tế bào gốc.

Thời gian tiêm vắc xin được lựa chọn giữa các chu kì điều trị và sau thời gian chờ đợi thích hợp cho các bệnh nhân được ghép tế bào gốc và điều trị bằng globulin miễn dịch để giảm thiểu rủi ro trong khi duy trì hiệu quả của vắc xin. Chỉ có một nghiên cứu được công bố cho đến nay của Wassengrin và cộng sự trên tạp chí Lancet Oncology đã báo cáo cụ thể về kết quả an toàn của vắc xin ở những bệnh nhân đang điều trị ung thư (với thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch).

Cụ thể, khuyến cáo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người bệnh ung thư  (nguồn NCCN)


 PV: Còn đối với những người đã kết thúc điều trị ung thư có nên tiêm phòng COVID-19 không? Và những người nào không nên tiêm vắc xin thưa bác sĩ?

BS.Nguyễn Thanh Hùng: Theo như khuyến cáo, nếu không có chống chỉ định với bất kì thành phần nào của vắc xin, các đối tượng này hoàn toàn có thể tiếp nhận việc tiêm chủng bình thường.

Cho đến thời điểm hiện tại, theo hướng dẫn lâm sàng tạm thời, những người có chống chỉ định với các thành phần của vắc xin sẽ không được thực hiện tiêm chủng. Các chống chỉ định được mô tả chi tiết hơn trong hướng dẫn của CDC.

PV. Trân trọng cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi hữu ích này!

Bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu,Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân ung thư.

Tính tới thời điểm hiện tại, có ba loại vắc xin phòng COVID-19 được chấp nhận và khuyên dùng tại Hoa Kỳ: vắc xin của 3 hãng Pfizer - BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson/ Janssen được thông tin chi tiết trên trang web của CDC Hoa Kỳ . Tại Việt Nam hiện nay chỉ có 1 loại vắc xin do hãng Astra Zeneca sản xuất, có cùng cơ chế với vắc xin của Johnson& Johnson/ Janssen.


Đăng Anh ( Thực hiện)
Ý kiến của bạn