Cơ quan y tế hàng đầu của Liên Hợp Quốc tại châu Âu cho biết, đến nay, 10% trong tổng số 900 triệu dân của khu vực châu Âu đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Trong đó, chỉ có 4% số người đã được tiêm đầy đủ cả 2 mũi vắc xin.
Trong khi đó, cũng tại châu lục này, một số quốc gia là thành viên của WHO đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc tiêm chủng cho người dân như Israel hay Vương quốc Anh.
Trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với làn sóng dịch mới với sự gia tăng số ca lây nhiễm rất đáng lo ngại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát đi cảnh báo cao đối với châu Âu về việc chậm trễ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 “đến mức không thể chấp nhận được”.
WHO khu vực châu Âu cảnh báo châu lục này chậm trễ trong triển khai tiêm vắc xin
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết, việc tiêm chủng diễn ra chậm chạp của các quốc gia trong khu vực đang “kéo dài” đại dịch. “Vắc xin là cách tốt nhất để chúng ta thoát khỏi đại dịch này. Nó không chỉ giúp ngăn chặn đại dịch mà còn có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng”, ông Hans Kluge nói trong một tuyên bố.
Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu khuyến cáo: “Chúng ta phải đẩy nhanh quá trình tiêm chủng bằng cách tăng cường sản xuất, giảm bớt các rào cản đối với việc quản lý vắc-xin và sử dụng nguồn vắc xin mà chúng ta có trong kho ngay lập tức”.
Khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia – trong đó có 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cựu thành viên EU là Vương quốc Anh, Nga, một số quốc gia Trung Á và Israel.
Bất bình đẳng về vắc xin
Trong khi một số quốc gia trong khu vực như Israel và Anh có tỷ lệ tiêm chủng cao, thì nhiều quốc gia khác đang phải vật lộn để có được nguồn vắc xin cũng như triển khai tiêm chủng hướng tới đạt được miễn dịch cộng đồng.
Giáo sư danh dự về chính sách dược phẩm và sức khỏe cộng đồng tại Đại học College London, ông David Taylor cho biết, sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin là “vấn đề chính” của khối. Trả lời Al Jazeera, ông David Taylor cho biết: “Điều này sẽ được giải quyết trong vòng 3- 6 tháng tới khi các nhà sản xuất tăng cường năng lực sản xuất các loại vắc-xin”.
Ông Taylor cũng chỉ ra vấn đề của châu Âu là: “Châu Âu có cách tiếp cận quá thận trọng và chính trị hóa quá mức đối với việc sử dụng vắc xin". Ông cho rằng, việc triển khai tiêm vắc xin được phát triển bởi công ty AstraZeneca của Anh-Thụy Điển phối hợp với Đại học Oxford của Anh là một ví dụ. Ông cho rằng nó những tranh cãi không cần thiết đã “gây tổn hại đến lợi ích sức khỏe cộng đồng của toàn châu Âu”.
Các nỗ lực tiêm chủng trong khu vực rộng còn gặp các trở lại bởi động thái của các quốc gia giàu hơn, họ đã thu mua và và tích trữ liều lượng lớn vắc xin. “Tất cả các quốc gia có thu nhập cao trong khu vực đều đang tiêm vắc xin ngăn ngừa COVID-19, trong khi chỉ có 80% các nước có thu nhập trên trung bình và 60% các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp là đang tiêm vắc xin cho người dân”.
GS Kluge cho rằng, các quốc gia trong khu vực dư thừa vắc xin nên chia sẻ nguồn cung với chương trình COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để cung cấp thuốc tiêm cho các quốc gia nghèo hơn hoặc trực tiếp tới các quốc gia có nhu cầu.
Biến thể Vương quốc Anh đang càn quét châu Âu
Lời kêu gọi của Giáo sư Kluge được đưa ra khi Giám đốc về tình trạng khẩn cấp khu vực châu Âu của WHO, Dorit Nitzan, cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 ở khu vực châu Âu “đáng lo ngại hơn những gì chúng ta từng chứng kiến trong vài tháng trở lại đây”.
5 tuần trước, số ca mắc mới hàng tuần ở châu Âu đã giảm xuống dưới 1 triệu ca, theo WHO. Tuy nhiên, tuần trước, châu Âu đã chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm tăng cao ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, với 1,6 triệu trường hợp mới được ghi nhận.
Trong bối cảnh gia tăng các ca bệnh, tổng số ca tử vong ở châu Âu "đang nhanh chóng đạt đến 1 triệu người và tổng số trường hợp mắc COVID-19 sắp vượt qua 45 triệu".
WHO khu vực châu Âu cho biết có mối liên hệ giữa sự gia tăng các ca nhiễm mới với một biến thể dược phát hiện ở miền đông nam nước Anh vào tháng 9 năm ngoái - có tên là B.1.1.7, thường được gọi là biến thể Kent hoặc Anh. Chủng này hiện đã lan rộng khắp châu Âu và trở thành biến thể chủ yếu trong khu vực.
WHO cho rằng: “Vì biến thể này dễ lây lan hơn và có thể làm tăng nguy cơ nhập viện, nên nó có tác động lớn hơn đến sức khỏe cộng đồng và cần phải có các hành động bổ sung để kiểm soát loại biến thể mới”.
Chuyên gia Nitzan cũng cảnh báo rằng nếu virus tiếp tục xâm chiếm thế giới, các biến thể mới khác cũng có khả năng xuất hiện tiếp. Bà Nitzan nói: “Khả năng xuất hiện các biến thể mới nữa đang tăng lên cùng với tốc độ nhân rộng và lây lan của dịch bệnh, do đó, việc hạn chế sự lây truyền thông qua các hành động kiểm soát dịch bệnh cơ bản là rất quan trọng” .
Theo WHO khu vực châu Âu, hiện 27 quốc gia ở châu Âu đang trong tình trạng phong tỏa một phần hoặc toàn bộ. Trong 2 tuần qua, 23 quốc gia trong khu vực đã tăng cường các biện pháp hạn chế trong khi 13 quốc gia khác đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, mở cửa dần nền kinh tế.
Xem thêm: Châu Âu lâm vào làn sóng dịch mới