Tiêm thuốc hay xử bắn?

01-06-2010 14:20 | Thời sự
google news

Vấn đề tử hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm theo biện pháp nào không chỉ là chuyện trừng phạt kẻ có tội mà còn là vấn đề mang tính nhân đạo, nhân văn.

Vấn đề tử hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm theo biện pháp nào không chỉ là chuyện trừng phạt kẻ có tội mà còn là vấn đề mang tính nhân đạo, nhân văn. Chúng tôi xin đưa một số ý kiến của cán bộ ngành y tế về vấn đề này từ thực tế thực thi nhiều năm qua, và trên góc độ y học.

ThS. Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: “Thể hiện giá trị nhân văn về mặt pháp lý”

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe &Đời sống, ông Quang cho biết, ông ủng hộ quan điểm nên sử dụng biện pháp tiêm thuốc thay cho xử bắn hiện nay... Theo ông Quang, quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện tại, chúng ta đang thi hành hình thức tử hình bằng xử bắn. Tuy nhiên thực tế thực thi nhiều năm qua cho thấy, hình thức thi hành án tử hình đã bộc lộ một số khó khăn, tồn tại, ví như: Thứ nhất, về pháp trường để tổ chức thi hành án, không phải địa phương nào cũng có, do đó muốn thực thi tử hình với tử tù thì phải liên hệ với địa phương có trường bắn. Bên cạnh đó, việc bảo vệ tử tù trong quá trình di chuyển làm sao phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc... vừa gây tốn kém lại vừa tạo cho các cán bộ làm công tác này những áp lực căng thẳng. Thứ hai, hình thức xử bắn cũng đã gây ra những áp lực tâm lý đối với cán bộ trực tiếp thi hành án (đó là tâm lý, cảm giác bị ám ảnh khi mình dùng súng trực tiếp bắn vào người khác...). Thứ ba, mức độ nhân đạo trong thi hành án bằng tử hình không cao. Do đó, có một hình thức khác để xử lý các đối tượng vi phạm hình sự đang được nhiều nước áp dụng là hình thức tiêm thuốc độc.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, hình thức này sẽ làm giảm đi những hạn chế của hình thức xử bắn, đồng thời là nhân đạo nhất, nhẹ nhàng nhất đối với tử tù và cũng là tốt nhất đối với người thi hành án. “Bản chất của chúng ta là nhân đạo và xử lý đối với con người, dù người đó là phạm tội cũng rất nhân văn. Vì vậy, dù là tội phạm nhưng trước khi người đó về thế giới bên kia cũng cần cho họ được hưởng cảm giác nhẹ nhàng... Từ những điều này cho thấy, tiêm thuốc độc thay cho hình thức tử hình đối với những đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là phù hợp với thực tiễn và thể hiện giá trị nhân văn về mặt pháp lý”- ông Quang nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Quang, mặc dù chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn về việc tiêm thuốc thay cho xử bắn, nhưng hình thức này cũng không quá khó khăn khi áp dụng, bởi chúng ta sẽ thực hiện theo lộ trình chứ không phải trong ngày một ngày hai. Về những ý kiến băn khoăn đối với việc quản lý và sử dụng thuốc độc phục vụ cho công tác này như thế nào, ông Quang cho hay: “Mọi quy trình này sẽ theo những quy định của Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác”.

BS. Phan Bảo Khánh – Giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM: “Nếu giờ mới áp dụng là chậm!”

BS. Phan Bảo Khánh đã cho biết như vậy khi đề cập đến vấn đề thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Ông nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ phương pháp này. Vì nếu đưa lên bàn để cân đo đong đếm thì rõ ràng đây là phương pháp tốt nhất”. Theo BS. Khánh, nếu áp dụng hình thức tử hình này, thời gian thực hiện rất nhanh, tử tù không bị đau đớn, áp lực của người thi hành án với gia đình tử tù cũng giảm đi rất nhiều. Xét mọi góc độ thì thi hành án tử hình bằng thuốc độc là phương pháp rất nên làm. Với tư cách là một thầy thuốc, tôi nhận thấy sẽ không gặp khó khăn khi áp dụng hình thức này. Từ dụng cụ, thuốc men đến kỹ thuật đều rất đơn giản. Sử dụng thuốc để xử tử không khó mà sử dụng thuốc như thế nào cứu người mới là vấn đề lớn phải bàn. Một thực tế, trong các bệnh viện và cơ sở y tế, khi tiêm thuốc để chữa trị cho người bệnh, nhân viên y tế phải tuân theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Đã có những trường hợp người bệnh bị tử vong do sử dụng thuốc không đúng. Nói điều này để thấy, sử dụng thuốc để tử hình rất đơn giản và hiệu quả. Không thể nói là Việt Nam chưa đủ điều kiện, vấn đề có muốn thực hiện hay không mà thôi.

Ngoài ra, theo tôi, tính nhân văn khi áp dụng thi hành án bằng thuốc được thể hiện rất rõ.

Riêng với vấn đề ai là người chích thuốc cho tử tù, theo BS. Phan Bảo Khánh, vấn đề này có thể làm theo sự phân công của Bộ Công an. Có phải bác sĩ, nhân viên y tế thực hiện không, không phải là vấn đề quan trọng. Mà sự quan trọng nằm ở chỗ phương pháp này có tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tiêm thuốc độc nếu giao cho bác sĩ, nhân viên y tế sẽ “trái đạo” vì đó là những người chuyên trị bệnh cứu người, không phải để thực hiện việc tước bỏ quyền sống một con người, thì BS. Khánh cho rằng: Khi xử tử tù đừng nghĩ  là tử hình một con người mà là đang tử hình một tội phạm. Tử hình tội phạm thì có nghĩa cái ác đang bị triệt tiêu. Như thế đây không phải là một hành động độc ác mà là một hành động có tính nhân văn với tất cả mọi người. Nếu trong bệnh viện, BS chích thuốc để cứu chữa bệnh nhân thì việc BS thực hiện hành án lại cứu được rất nhiều người vô tội. Nói một cách hình ảnh, đây không phải “đao phủ” mà là “thiên sứ” để trừ gian diệt ác.

Thái Bình - Nguyễn Huyền


Ý kiến của bạn