Tiêm phòng trước và trong khi mang thai

30-10-2017 07:10 | Đời sống
google news

SKĐS - Đây là một vấn đề được rất nhiều thai phụ quan tâm, do mọi bà mẹ tương lai đều muốn chuẩn bị cho bản thân thật chu đáo để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả nhân viên y tế đều nắm rõ những vắcxin nào có thể tiêm trong thai và nên tiêm trước thai kỳ, cũng như khoảng cách an toàn từ lúc tiêm phòng đến lúc có thai để có thể tư vấn cho những người chuẩn bị mang thai và đang mang thai.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra các khuyến cáo ngắn gọn nhằm hướng dẫn cho nhân viên y tế và những phụ nữ chuẩn bị mang thai hay đang có thai về các vắcxin nên tiêm trước khi có thai và có thể tiêm trong thai kỳ. Theo đó, những vắcxin sản xuất từ virút hay vi khuẩn sống không được khuyến cáo trong thai kỳ, do có thể gây nguy hại và biến chứng lên thai nhi. Các vắcxin được sử dụng trong thai kỳ được sản xuất từ virút đã bất hoạt hoặc kháng nguyên giảm độc lực.

Vắcxin nên tiêm trước khi có thai

Đây là các loại vắcxin được sản xuất từ virút hoặc vi khuẩn sống, vì vậy không được tiêm trong thai kỳ. Những phụ nữ muốn tiêm ngừa các loại vắcxin này cần ngừa thai tối thiểu trong 4 tuần.

Tiêm phòng

Rubella (sởi Đức):

Nhiễm trùng Rubella trong thai kỳ có thể gây những dị tật bẩm sinh nặng và để lại những di chứng lâu dài hoặc thai lưu. Những phụ nữ chuẩn bị có thai có thể xét nghiệm kháng thể kháng Rubella trong máu. Nếu đã có kháng thể Rubella IgG trong máu, không cần tiêm ngừa nữa. Nếu chưa có kháng thể, có thể tiêm ngừa 1 mũi Rubella đơn độc hoặc tiêm kết hợp với sởi và quai bị (MMR: measles, mumps, rubella). Sau khi tiêm Rubella hoặc MMR, cần ngừa thai trong vòng 1 tháng hoặc lý tưởng hơn là thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ miễn dịch trước khi quyết định để có thai.

Thủy đậu:

Nhiễm thủy đậu trong thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn sớm của thai kỳ, có thể làm tăng nguy cơ thai bị dị tật bẩm sinh. Nhiễm thủy đậu vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho thai phụ như viêm phổi.

Nếu chưa từng tiêm ngừa thủy đậu trước đây, nhân viên y tế có thể xét nghiệm máu để xác định tình trạng miễn dịch với bệnh này. Nếu chưa có miễn dịch, có thể được tiêm ngừa thủy đậu và ngừa thai trong vòng 1 tháng sau tiêm.

Nếu người phụ nữ chưa có miễn dịch với thủy đậu và có tiếp xúc với người bệnh trong khi mang thai, khuyến cáo đến khám càng sớm càng tốt. Bệnh nhân có thể được tiêm huyết thanh chống thủy đậu (VariZIG: varicella zoster immune globulin) để giảm nguy cơ bị nhiễm và phát bệnh. VariZIG có thể được tiêm trong vòng 10 ngày sau tiếp xúc, nhưng tốt nhất là tiêm càng sớm càng tốt.

Human papillomavirus (HPV):

Vắcxin ngừa HPV được khuyến cáo cho tất cả trẻ gái và phụ nữ không mang thai từ 9 - 26 tuổi. Vắcxin này không được chỉ định cho thai phụ vì tính an toàn của vắcxin chưa được nghiên cứu.

Những thai phụ nào muốn tiêm ngừa những loại vắcxin trên có thể đợi đến sau khi sinh. Việc cho con bú không phải là chống chỉ định để tiêm những loại vắcxin này sau khi sinh.

Tiêm phòng

Vắcxin có thể tiêm trong thai kỳ

Hầu hết các vắcxin có thể tiêm trong thai kỳ cũng có thể được tiêm sau khi sinh và cho con bú. Một số loại cần tiêm ngay khi vừa sinh như: bạch hầu, ho gà, uốn ván (Tdap: Tetanus, diphtheria and pertussis).

Ho gà:

Tại Hoa Kỳ, ho gà là một trong những bệnh lý có thể phòng ngừa bằng vắcxin phổ biến nhất. Bệnh do vi khuẩn gây ra, lây truyền dễ dàng từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, dịch tiết do ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể rất nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và có thể gây suy hô hấp, ngưng thở. Thai phụ nên tiêm 1 liều Tdap mỗi khi có thai, tốt nhất là từ tuần 27 đến tuần 36 thai kỳ, để bảo vệ cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, tất cả các thành viên trong gia đình và những người chăm sóc trẻ (như bảo mẫu, ông bà nội - ngoại) cũng nên tiêm ngừa Tdap.

Virút viêm gan B:

Virút viêm gan B có thể gây ra các bệnh lý gan nặng như: viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính dẫn đến xơ gan, suy gan, tử vong do hôn mê gan và ung thư gan. Virút viêm gan B lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm virút viêm gan B có nguy cơ cao bị nhiễm trong quá trình chuyển dạ và sau sinh. Nếu trong gia đình có người bị nhiễm virút viêm gan B, nên tiêm ngừa bệnh lý này trước khi có thai hoặc có thể tiêm khi đang mang thai. Số mũi tiêm thường là 3 - 4 mũi trong vòng 6 tháng. Việc tiêm ngừa viêm gan B hoàn toàn không ảnh hưởng đến bào thai đang phát triển.

Cúm:

Tùy theo đặc điểm dịch bệnh hiện tại trong vùng mà thai phụ sẽ được khuyến cáo tiêm ngừa cúm hay không. Vắcxin từ virút cúm đã bất hoạt (Influenza IIV) được sử dụng trong thai kỳ. Chống chỉ định sử dụng vắcxin từ virút cúm sống (Influenza LAIV) trong thai kỳ. Những thai phụ mắc bệnh cúm có thể bị những bệnh lý rất nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến trẻ. Các biến chứng từ nhiễm cúm bao gồm: sinh non, trẻ nhẹ cân so với tuổi thai và tử vong. Thai phụ có thể tiêm ngừa cúm vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Ngoài ra, vì trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa thể tiêm ngừa cúm, những người chăm sóc trẻ cũng nên tiêm ngừa bệnh lý này. Tất cả mọi người đều có thể tiêm ngừa cúm mỗi năm để bảo vệ bản thân và gia đình.

Khi đi du lịch

Nếu đang mang thai và có dự định đi du lịch đến một vùng xa lạ, thai phụ nên tìm hiểu trước về đặc điểm dịch tễ bệnh của vùng này và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về các loại vắcxin nên tiêm ngừa như: dịch tả, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, sốt vàng, sốt bại liệt, phế cầu trùng... Một số loại vắcxin bị chống chỉ định trong thai kỳ như: lao, virút cúm sống, Rubella, MMR, thủy đậu...; một số loại khác nên thận trọng do chưa đủ dữ liệu khuyến cáo như: viêm não Nhật Bản, sốt bại liệt, phế cầu trùng... Vì vậy, thai phụ nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi tiêm vắcxin dựa trên vùng sắp đến.

Các vắcxin khác

Một số vắcxin khác có thể tiêm ngừa trước, trong và sau khi mang thai như virút viêm gan A và não mô cầu. Nếu đã có tiền sử viêm gan mãn, thai phụ sẽ được khuyến cáo tiêm ngừa viêm gan A. Nếu là nhân viên  trong phòng xét nghiệm hoặc sắp đi du lịch, bác sĩ có thể cho lời khuyên nên tiêm ngừa não mô cầu.

Tiêm ngừa trước khi mang thai là một việc cần thiết nhằm phòng tránh một số loại bệnh có khả năng gây dị tật thai nhi hoặc ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của trẻ. Tiêm ngừa khi đang mang thai có thể được thực hiện an toàn với một số loại vắcxin, một số loại khác cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ của việc tiêm ngừa. Việc tiêm ngừa cần được chủ động tư vấn cho các phụ nữ đến khám trước và trong khi mang thai vì đây cũng là một phần quan trọng trong chăm sóc tiền sản cho thai phụ và thai nhi nhằm đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.


ThS. NGUYỄN KHÁNH LINH
Ý kiến của bạn