Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm virus cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương. Virus gây bệnh viêm não Nhật Bản là flavivirus, được truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn của muỗi bị nhiễm bệnh. VNNB không lây trực tiếp từ người sang người.
Ở nước ta, khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8-9 âm lịch (cây quả phát triển, mưa nhiều, nhiệt độ cao, muỗi tăng) là thời điểm phát triển VNNB ở trẻ em. Đỉnh cao dịch bệnh là tháng 6 và tháng 7. Từ tháng 10 trở đi, mật độ muỗi giảm xuống và dịch kết thúc.
Các triệu chứng của bệnh
Hầu hết những người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ trong thời gian ngắn, thường bị nhầm là cúm. Tuy nhiên có khoảng 1/250 người nhiễm viêm não Nhật Bản có thể xuất hiện các triệu chứng nặng nề hơn khi nhiễm trùng lan đến não.
Các triệu chứng nặng này thường xảy ra 5 đến 15 ngày sau khi nhiễm trùng, có thể bao gồm: Sốt cao, co giật, cổ cứng, rối loạn ý thức, nói ngọng, rung chi, yếu cơ hoặc liệt… có tỷ lệ tử vong cao. Ở những người sống sót, dễ bị tổn thương não vĩnh viễn.
Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ bị VNNB (nhất là đối với người sống trong vùng dịch tễ và vào mùa dịch), bệnh nhân phải được nhập viện càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán bệnh (xét nghiệm máu và dịch não – tủy, huyết thanh học, điện não đồ…) đều phải được tiến hành tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm vắc xin
Điều trị và phòng bệnh như thế nào?
Hiện nay, VNNB chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng đỡ bệnh nhân trong các đơn vị hồi sức cấp cứu như chống phù não, trợ tim mạch, hô hấp, chống rối loạn thần kinh thực vật, chăm sóc tích cực, dinh dưỡng tốt. Trong giai đoạn phục hồi, người bệnh cũng cần được huấn luyện phục hồi chức năng các di chứng.
Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm não Nhật Bản là tiêm vắc-xin phòng VNNB và tránh bị muỗi đốt.
Ở nước ta, vắc xin phòng viêm não Nhật Bản Jevax là vắc xin dùng để dự phòng đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản, được triển khai từ năm 1997, và được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia. Tính đến năm 2012 đã có hơn 5,7 triệu trẻ được chủng ngừa miễn phí tại hơn 63 tỉnh thành trong cả nước.
Lịch tiêm vắcxin VNNB
Trẻ em từ ≥ 12 tháng tuổi đến ≤ 36 tháng tuổi: Tiêm liều 0,5 ml
Trẻ em từ > 36 tháng tuổi và người lớn: Tiêm liều 1,0 ml
Phác đồ tiêm 3 mũi cơ bản: Mũi 1 tiêm thời điểm bất kỳ cho đối tượng ≥ 12 tháng tuổi; mũi 2 cách mũi 1 từ 1 – 2 tuần; mũi 3 sau mũi thứ 2 khoảng 1 năm.
Có thể 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần để duy trì khả năng miễn dịch.
Ngay cả khi bạn đã được tiêm phòng, bạn vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ bị muỗi nhiễm bệnh cắn, chẳng hạn như: Ngủ trong phòng có lưới chống muỗi cửa sổ và cửa ra vào - nếu bạn đang ngủ bên ngoài, hãy sử dụng màn chống muỗi được tẩm thuốc diệt côn trùng; tập thói quen ngủ trong màn vào ban ngày; mặc áo dài tay, quần dài và tất; sử dụng một loại thuốc chống côn trùng chất lượng tốt…
Lời khuyên phòng muỗi đốt
Khi sử dụng thuốc chống muỗi cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất; không xịt thuốc vào da dưới quần áo. Nếu bạn đang sử dụng kem chống nắng, hãy thoa kem chống nắng trước và thuốc chống côn trùng thứ hai; mặc áo sơ mi dài tay và quần dài; sử dụng lưới che trên cửa sổ và cửa ra vào; ngăn chặn muỗi đẻ trứng trong hoặc gần nước.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, không sử dụng thuốc chống côn trùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi, thay vào đó, hãy cho trẻ mặc quần áo che tay và chân, che xe đẩy em bé với lưới chống muỗi; không sử dụng các sản phẩm có chứa dầu bạch đàn chanh (OLE) hoặc para-menthane-diol (PMD) cho trẻ em dưới 3 tuổi; không bôi thuốc chống côn trùng lên tay, mắt, miệng, vết cắt hoặc da bị kích thích của trẻ. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần xịt thuốc chống côn trùng lên tay, sau đó mới thoa lên mặt trẻ.