1. Vaccine sởi, quai bị, rubella có tác dụng gì?
Vaccine sởi, quai bị, rubella là vaccine dạng phối hợp, chứa virus sống giảm độc lực giúp cơ thể tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa cả 3 bệnh là sởi, quai bị và rubella bằng cách tạo kháng thể chống lại virus gây bệnh.
- Bệnh sởi: Bệnh sởi gây ra bởi virus sởi. Các triệu chứng điển hình khi mắc sởi bao gồm sốt cao, sổ mũi, ho khan, đau họng, viêm kết mạc, chảy máu cam... Ban sởi xuất hiện tuần tự từ đầu - mặt - cổ đến ngực - lưng - bụng, rồi tới các chi.
Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, như viêm phổi nặng, viêm não - màng não, thậm chí là tử vong. Đối với phụ nữ đang mang thai, có thể gây sảy thai, sinh non hoặc dị dạng thai nhi, mù lòa ở trẻ sơ sinh.
- Bệnh quai bị: Quai bị cũng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị gây ra. Khi phát bệnh, người bệnh bị sưng đau ở một hoặc cả hai tuyến nước bọt mang tai (ở vùng má và hàm). Triệu chứng của bệnh quai bị đôi khi bị nhầm lẫn với sưng hạch bạch huyết hay sưng tuyến nước bọt do bệnh cúm.
Ngoài ra, một số triệu chứng không điển hình có thể xuất hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi… Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng như viêm não - màng não tủy; viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn gây giảm số lượng tinh trùng và vô sinh...
- Bệnh Rubella: Sau 2-3 tuần kể từ khi virus Rubella xâm nhập vào cơ thể, người bệnh có thể sốt, nổi hạch, phát ban - những biểu hiện này khá giống với bệnh sởi. Nhìn chung các triệu chứng thường nhẹ, nhưng nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh Rubella sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho thai nhi như dị tật bẩm sinh, chết lưu hoặc sảy thai.
Cho đến nay, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi virus sởi, quai bị, rubella là chủ động tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng. Việc này sẽ giúp phòng bệnh và tránh nguy cơ bùng phát dịch nguy hiểm trong cộng đồng.
Vaccine sởi, quai bị, rubella giúp tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa cả 3 bệnh truyền nhiễm.
2. Vaccine sởi, quai bị, rubella tiêm mấy mũi?
Lịch tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay gồm 2 mũi. Mũi đầu tiên được tiêm khi trẻ được 12 - 15 tháng. Tiêm mũi nhắc lại thứ 2 cách mũi đầu tiên 4 năm hoặc tiêm khi trẻ 4 - 6 tuổi hoặc sớm hơn nếu có dịch.
Trường hợp trẻ tiêm vaccine sởi đơn lúc 9 tháng tuổi thì 15 tháng tuổi có thể tiêm vaccine phối hợp sởi - quai bị - rubella mũi 1, nhắc lại mũi 2 sau 4 năm.
Riêng đối với phụ nữ có dự kiến sinh con, cần hoàn tất mũi tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella cuối cùng trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Sau khi tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella, miễn dịch cơ thể đối với virus gây bệnh sẽ kéo dài suốt đời, giúp chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella, ngăn ngừa các biến chứng do những bệnh này gây ra.
Mặc dù loại vaccine này cung cấp khả năng bảo vệ hiệu quả chống lại bệnh quai bị cho hầu hết mọi người, nhưng miễn dịch này có thể giảm theo thời gian và một số người có thể không còn được bảo vệ chống lại bệnh quai bị trong suốt cả cuộc đời.
Một số ít người mặc dù đã được chủng ngừa hai liều vaccine vẫn có thể mắc bệnh sởi, quai bị hoặc rubella nếu họ tiếp xúc gần với virus gây ra những bệnh này, có thể là do hệ thống miễn dịch của họ không đáp ứng tốt với vaccine hoặc miễn dịch của họ giảm theo thời gian. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh nói chung nhẹ hơn ở những người được tiêm chủng.
3. Một số phản ứng phụ khi tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella?
Một số phản ứng sau tiêm tương tự như các loại vaccine dịch vụ khác như sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi. Do thành phần có trong vaccine quai bị, người tiêm chủng cũng có thể bị viêm tuyến mang tai.
Sau tiêm chủng, cần nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn trong trường hợp gặp các tác dụng phụ như đau nhức, mẩn đỏ, sưng tấy ở chỗ tiêm, sốt nhẹ…
Tránh dùng các loại thuốc gây ức chế, làm suy yếu hệ miễn dịch như thuốc điều trị sốt rét, thuốc chữa ung thư hay corticoid. Kiêng các loại đồ uống có cồn như rượu bia, không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá… Hạn chế vận động cường độ cao, làm việc nặng nhọc.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Sởi: Một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được phát hiện thế nào? | SKĐS