Tất cả các bệnh nhân tử vong đều không tiêm vắc-xin, huyết thanh phòng dại mà tự sử dụng thuốc lá - thuốc nam - Đông y để phòng và điều trị.
Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như cách phòng bệnh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An.
BSCKII. Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế (người đứng giữa) nắm bắt tình hình tại một gia đình có trường hợp tử vong do bệnh dại ở huyện Nghi Lộc.
PV: Xin bác sĩ cho biết, bệnh dại là bệnh như thế nào và nguyên nhân của căn bệnh này?
TS.BS. Nguyễn Văn Định: Bệnh dại bản chất của bệnh là viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên. Virus này có ổ chứa trong thiên nhiên ở các loài động vật có vú, một số loài động vật hoang dã, đặc biệt ở một số loài dơi cũng chứa virus dại; nhưng gần với con người nhất đó là đàn chó nuôi; con chó mắc bệnh dại có thể truyền từ con chó này sang con chó khác hoặc từ động vật hoang dã sang đàn chó nuôi, từ đó truyền bệnh sang con người qua vết cắn hoặc vết xước ở trên da, niêm mạc, virus sẽ xâm nhập cơ thể, đi theo các rễ thần kinh hướng tâm, cuối cùng gây tổn thương ở não, màng não và tủy sống.
Bệnh dại có 2 thể bệnh: thể bệnh hung dữ và thể bệnh liệt. Thể bệnh hung dữ là bệnh nhân đau đớn vì nó tổn thương cả hệ thần kinh trung ương, có thể có sốt và có biểu hiện sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; khi có các yếu tố như ánh sáng mạnh, tiếng động, khi cho bệnh nhân uống nước, họ sẽ lên cơn co giật rất là khủng khiếp, rất là đau đớn, những triệu chứng này thường kéo dài 3-10 ngày và cuối cùng sẽ dẫn đến tử vong. Thể bệnh liệt là người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Sau đó, lan lên liệt tay đến khi liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.
PV: Bác sĩ có thể cho biết về tình hình mắc bệnh dại trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian gần đây?
TS.BS. Nguyễn Văn Định: Theo thống kê của CDC Nghệ An từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có gần 5.000 người bị chó, mèo và các động vật có thể lây truyền bệnh dại cắn đã được tiêm phòng (Chủ yếu là chó, mèo); Có 5 trường hợp đã tử vong. Điều đáng nói là các trường hợp tử vong đều không tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh phòng dại. Mặc dù đã được truyền thông tới tận xóm, xã nhưng một bộ phận người dân còn chủ quan trong phòng, chống bệnh dại. Khi bị chó nghi dại cắn không đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại kịp thời mà nghe lời các thầy lang mua thuốc nam, thuốc Đông y để phòng, điều trị bệnh tại nhà.
Đoàn công tác Sở Y tế Nghệ An nắm bắt tình hình tại gia đình các trường hợp tử vong do bệnh dại ở huyện Nghi Lộc.
PV: Giải pháp căn bản để phòng chống bệnh dại trên người?
TS.BS. Nguyễn Văn Định: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã rà soát tổ chức kiện toàn lại hệ thống về tư vấn và tiêm phòng bệnh dại từ tỉnh đến cơ sở. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức được 22 điểm tiêm chủng tại TTYT 21 huyện/thành/thị, chuẩn bị sẵn sàng các loại vắc-xin, đủ về số lượng để tiêm phòng kịp thời cho người bị chó dại cắn.
Khi xuất hiện các trường hợp bị súc vật cắn như chó, mèo nghi dại cắn và các trường hợp không may bị chó cắn tử vong, cán bộ của trung tâm đến ngay các địa bàn xác minh và nắm bắt tình hình để có hướng xử lý. Ngoài ra, trung tâm đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi về phòng, chống bệnh dại đến tận tay người dân.
Bên cạnh đó chúng tôi phối hợp với các ban ngành tăng cường kiểm tra xử lý hành nghề Đông y về chữa trị bệnh dại, phối hợp với ngành thú y rà soát, tiêm phòng cho đàn chó.
PV: Bác sĩ có lời khuyên nào đối với người dân về phòng, tránh bệnh dại?
TS.BS. Nguyễn Văn Định: Hiện nay bệnh dại đang lưu hành ở đàn chó chưa kiểm soát được thì bất cứ con chó nào cũng có nguy cơ mắc bệnh dại. Vì vậy tất cả những người bị chó, mèo cắn hoặc giết mổ, làm thịt chó, chăm sóc chó ốm đều nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại.
Khi bị chó cắn, việc đầu tiên là phải rửa vết thương bằng xà phòng đậm đặc, nếu không có xà phòng thì có thể dùng nước rửa chén bát..., rửa dưới vòi nước chảy 15 phút là tốt nhất để nhanh chóng loại trừ virus khỏi vết cắn và đây cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc kéo dài thời gian ủ bệnh. Sau đó đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Không nên khâu kín vết thương nếu không thật sự cần thiết. Cần lưu ý nếu là vết thương lớn, ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi... tức là gần thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh rất ngắn thì cần đồng thời tiêm vắc-xin phòng dại và tiêm thêm huyết thanh kháng dại.
Xin nhấn mạnh, khi đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân sẽ tử vong, chưa có thuốc nào điều trị được, cho nên người dân không tự ý mua thuốc nam, thuốc Đông y để điều trị. Chỉ có tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại mới giúp bảo vệ được tính mạng cho người bị động vật nghi dại cắn.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ về những thông tin trên.