1. Cúm nguy hiểm như thế nào?
Các triệu chứng của cúm thường xuất hiện đột ngột, biểu hiện một số hoặc tất cả các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh
- Ho
- Đau họng
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau nhức cơ thể hoặc cơ bắp
- Đau đầu, mệt mỏi
- Một số người có thể bị nôn, tiêu chảy, mặc dù tình trạng này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Viêm xoang và viêm tai là những ví dụ về biến chứng vừa phải do cúm, trong khi viêm phổi là biến chứng cúm nghiêm trọng có thể do nhiễm virus cúm đơn thuần hoặc do nhiễm đồng thời virus cúm và vi khuẩn.
Các biến chứng nghiêm trọng khác có thể bao gồm viêm cơ tim, viêm não hoặc mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân) và suy đa cơ quan (ví dụ, suy hô hấp và suy thận). Nhiễm virus cúm ở đường hô hấp có thể gây ra phản ứng viêm cực độ trong cơ thể, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết - phản ứng đe dọa tính mạng của cơ thể đối với nhiễm trùng.
Tiêm phòng cúm hàng năm là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và giảm biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm.
Cúm cũng có thể làm cho các bệnh mạn tính trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ, những người bị hen suyễn có thể bị lên cơn hen suyễn khi bị cúm.
2. Lợi ích của tiêm phòng cúm
Vaccine phòng ngừa cúm hoạt động bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus cúm.
Tiêm vaccine đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, nhập viện và thậm chí giảm nguy cơ tử vong liên quan đến cúm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng từ cúm, bao gồm trẻ em nhỏ, người cao tuổi và những người có tình trạng sức khỏe mạn tính.
Để phòng ngừa cúm hiệu quả, bên cạnh việc tiêm vaccine phòng cúm cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với những người bị cúm…
Tiêm phòng cúm đã được chứng minh làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu mắc cúm.
3. Những lưu ý khi tiêm phòng cúm
Dưới đây là một số lưu ý khi tiêm phòng cúm:
- Những người nên tiêm phòng cúm: Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người sau đây nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm:
- Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.
- Người cao tuổi (thường là từ 65 tuổi trở lên).
- Phụ nữ mang thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ.
- Những người có bệnh mạn tính
- Nhân viên y tế và những người chăm sóc người có nguy cơ cao bị biến chứng từ cúm…
Lưu ý, nên thảo luận với bác sĩ hoặc nhân viên y tế trước khi tiêm vaccine cúm, đặc biệt đối với những người có bất kỳ bệnh lý mạn tính nào.
- Nên tiêm phòng cúm hàng năm: Điều này là do khả năng bảo vệ miễn dịch của một người giảm dần theo thời gian, do đó cần tiêm vaccine phòng cúm hàng năm để được bảo vệ tối ưu. Bên cạnh đó, virus cúm liên tục thay đổi nên thành phần của vaccine cúm được xem xét cập nhật hàng năm.
- Tác dụng phụ khi tiêm phòng cúm: Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm phòng cúm như: Đau nhức, tấy đỏ và/hoặc sưng tấy ở nơi tiêm; nhức đầu nhẹ; sốt nhẹ; đau cơ; buồn nôn; mệt mỏi…
Những phản ứng này là phản ứng tự nhiên của cơ thể với vaccine và là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của cơ thể đang tích cực xây dựng khả năng bảo vệ chống lại virus cúm. Những tác dụng phụ tạm thời này thường xuất hiện trong vòng 1-2 ngày sau khi tiêm phòng cúm, giảm dần trong vòng một hoặc hai ngày và cơ thể sẽ trở lại bình thường.
Đối với những trường hợp gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng (khó thở, sưng mặt hoặc cổ họng), sốt cao (trên 39 độ C) kéo dài hơn 3 ngày hoặc đau, sưng dai dẳng tại chỗ tiêm… cần đi khám ngay lập tức.
Ở Việt Nam, dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, thường đạt đỉnh vào tháng 3- 4, tháng 9 - 10 hàng năm, có xu hướng gia tăng trong mùa Đông và mùa Xuân. Do đó, nên tiêm phòng cúm trước mùa cúm khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
Mời xem thêm video được quan tâm:
7 công thức trà thảo mộc tăng cường miễn dịch | SKĐS