(SKDS) – Lịch tiêm nhắc vắc-xin được
căn cứ theo các yếu tốThời gian tồn lưu của kháng thể bảo vệ sau tiêm vắc-xin và lứa tuổi có nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ: vắc-xin bạch hầu; ho gà; uốn ván chỉ tạo được miễn dịch bảo vệ từ 2-3 năm sau khi tiêm đủ 3 mũi lúc trẻ dưới 1 tuổi trong khi lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn có nguy cơ mắc bệnh, vì vậy cần 1 mũi tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi. Ngược lại, vắc-xin Rota cho trẻ uống đủ liều trước 6 tháng tuổi, không cần cho uống nhắc vì kháng thể có được đủ bảo vệ trẻ đến khi 5 tuổi trong khi lứa tuổi nguy cơ mắc bệnh cao là dưới 2 tuổi.
Hiệu quả của mũi tiêm nhắc: Các vắc-xin có lịch tiêm nhắc là các vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch tốt. Cần có lịch tiêm nhắc hợp lý để mũi tiêm giúp cơ thể có sức bảo vệ tốt nhất. Ví dụ với vắc-xin viêm não Nhật Bản, sau tiêm mũi 2 một năm ta tiêm nhắc mũi 3 sẽ giúp cơ thể có kháng thể bảo vệ trong 5 năm.
Tính an toàn: Một số vắc-xin có các phản ứng phụ cao khi tiêm cho trẻ lớn tuổi, do vậy việc tiêm nhắc sớm sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tình hình dịch tễ: Tại các vùng có bệnh lưu hành nặng hoặc có dịch, việc tiêm nhắc hoặc tiêm bổ sung cần được tiến hành sớm theo khuyến cáo của ngành y tế.
Tính thuận lợi của dịch vụ: để giảm bớt sự đi lại của trẻ và các bà mẹ, lịch tiêm chủng nhắc lại của các vắc-xin được lồng ghép vào cùng thời điểm như khi trẻ 18 tháng tuổi có thể tiêm nhắc vắc-xin DPT, Hib, sởi mũi 2...
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: ĐA |
Tính an toàn khi tiêm nhắc
Với các liều vắc-xin tiêm nhắc lại hoặc tiêm bổ sung về cơ bản tính an toàn không khác biệt các liều tiêm trước đó, không những thế các liều tiêm nhắc còn loại trừ được các cơ địa mẫn cảm được phát hiện ở các liều gây miễn dịch cơ bản. Để đảm bảo tính an toàn cao trong các liều tiêm nhắc hay tiêm bổ sung cần quan tâm một số điểm sau:
- Chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành y tế về sử dụng vắc-xin và thực hành tiêm chủng, từ khâu bảo quản, vận chuyển vắc-xin tới thực hành tiêm chủng an toàn.
- Thực hiện đúng lịch tiêm chủng nhắc lại theo quy định của ngành y tế và hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin.
- Không tiêm nhắc lại với trường hợp đã có các phản ứng nặng trong các lần tiêm trước.
- Với vắc-xin DPT không nên thực hiện mũi tiêm nhắc lại cho lứa tuổi quá lớn. Chỉ nên dùng cho trẻ dưới 3 tuổi.
Sự phối hợp của cha mẹ trong theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn tốt nhất cho trẻ đặc biệt cần lưu giữ tốt sổ tiêm chủng của trẻ.
Lịch tiêm nhắc của một số vắc-xin phổ cập tại nhiều nước Vắc-xin DPT: Tiêm nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi. Không nên tiêm nhắc trước lịch quy định. Nếu trẻ bỏ lỡ thời điểm tiêm nhắc có thể tiêm muộn hơn nhưng không nên sau 3 tuổi. Vắc-xin bại liệt uống: Tùy theo tình hình dịch tễ có thể cho trẻ dưới 5 tuổi uống 2 liều bổ sung cách nhau 1 tháng để nâng cao khả năng bảo vệ của cơ thể. Vắc-xin uốn ván: Sau 2 mũi cơ bản cần tiêm nhắc mũi 3, 4, 5. Mũi 3 cách mũi 2 sáu tháng. Mũi 4, 5 cách mũi trước đó 1 năm. Vắc-xin Hib: nên tiêm nhắc vào lúc 18 tháng tuổi. Vắc-xin viêm não Nhật Bản: Tiêm nhắc mũi 3 một năm sau mũi 2. Sau đó 5 năm nên tiêm nhắc. Vắc-xin sởi, quai bị, Rubella: Cần tiêm mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi bằng các vắc-xin đơn giá (sởi; Rubella; quai bị) hoặc tốt nhất là vắc-xin phối hợp cả 3 loại trong 1 mũi tiêm (vắc-xin MMR) hoặc 2 loại trong một mũi tiêm (MR). Vắc-xin cúm: Nên tiêm đều hằng năm vào trước mùa dịch, đặc biệt là cho các đối tượng nguy cơ như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hen suyễn... Vắc-xin tả uống: nên dùng hằng năm tại các vùng thường xuyên xảy ra dịch cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao. Vắc-xin thương hàn: Tiêm lại sau 2 - 3 năm tại các vùng lưu hành nặng hoặc có dịch, đặc biệt cho đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Vắc-xin phế cầu: Tiêm nhắc lại vào năm thứ 3 sau mũi tiêm 1. Vắc-xin não mô cầu: Nên tiêm nhắc vào năm thứ 3 sau mũi 1. Vắc-xin dại: Với các đối tượng nguy cơ cao như người làm nghề giết mổ gia súc nên tiêm phòng và tiêm nhắc lại song nói chung vắc-xin này chủ yếu dùng để điều trị dự phòng khi bị phơi nhiễm. Vắc-xin Rota: Không cần tiêm nhắc như đã nói trong bài. |